Đạp xe hơn 2.000 cây số "xin" tạng cho... người dưng

ANTD.VN - Một chàng trai trẻ sẵn sàng bỏ hết công việc, thậm chí cả người yêu để đi xuyên Việt vận động hiến tạng, có kỳ lạ quá không khi xã hội ai cũng bộn bề lo toan cho mình?

Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến tạng quốc gia Trịnh Hồng Sơn trân trọng cảm ơn hành động đẹp của anh Trần Nguyễn An Khương

Tôi gặp Trần Nguyễn An Khương - chàng trai trẻ 29 tuổi, quê ở huyện Bình Thới (Cà Mau) giữa Hà Nội vào dịp cuối năm, khi anh được mời ra Thủ đô dự buổi tri ân những người hiến tạng năm 2016. 

Khác với đa số khách mời, Khương chưa từng hiến tạng, cũng không công tác trong ngành y hoặc một cơ quan đoàn thể nào liên quan, song anh lại được coi là người “truyền cảm hứng” bởi hành trình đạp xe xuyên Việt vận động hiến ghép tạng mà anh thực hiện giữa năm 2016 đã tạo dấu ấn mạnh không chỉ với giới trẻ mà cả phong trào hiến ghép tạng trên toàn quốc. 

“Cho đi là còn mãi!”

Vốn thích đi xe đạp khám phá phong cảnh trên các nẻo đường đất nước, khi mới ngoài 20 tuổi, Khương đã tìm hiểu và tham gia vào một Câu lạc bộ hay đúng hơn là một nhóm tập hợp những người có cùng sở thích đi xe đạp kết hợp làm các công tác thiện nguyện tại TP.HCM. Thế nhưng, ý tưởng về một hành trình đạp xe xuyên Việt để kêu gọi, vận động giới trẻ, người dân hưởng ứng phong trào hiến tạng chỉ đến với Khương từ đầu năm 2016, khi một người bạn trong nhóm của Khương phải nằm viện điều trị vì suy thận giai đoạn cuối. 

Nhiều lần vào viện thăm bạn, chứng kiến cảnh sức khỏe của bạn suy kiệt, rồi 2 tháng sau thì qua đời dù các bác sĩ đều khẳng định nếu như được ghép thận, bệnh nhân hoàn toàn có thể được cứu sống, Khương cảm thấy rất đau xót.

Anh trăn trở, đau đáu bởi những câu hỏi: “Tại sao bệnh viện không có nguồn thận hiến để cứu sống những người bệnh như bạn mình? Trên đất nước này còn biết bao trường hợp tương tự? Tại sao chúng ta không hành động để phong trào vận động hiến ghép tạng quốc gia lan truyền mạnh mẽ hơn đến mỗi người? Mình có thể làm được gì?...”.

Tìm đến một cơ sở y tế lớn ở TP.HCM để đăng ký hiến đa tạng sau khi mất, trong đầu Khương cũng bắt đầu nung nấu một ý định táo bạo, đó là kết hợp giữa sở thích đạp xe dọc các nẻo đường của mình với những hành động thiết thực để kêu gọi, vận động cộng đồng hiến tạng. Lúc này, Khương đang làm công nhân tại một khu công nghiệp ở TP.HCM, đồng lương thấp và điều kiện kinh tế gia đình cũng khá khó khăn. Thế nhưng, điều này không thể ngăn cản được quyết tâm của chàng trai trẻ. 

Khương quyết định tiết kiệm từng đồng lương ít ỏi để dành dụm một khoản nho nhỏ rồi xin nghỉ việc, trở về Cà Mau thăm bố mẹ. Cũng từ chính ngôi nhà ở mảnh đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc, Khương bắt đầu hành trình xuyên Việt.

Hành trang ngoài chiếc xe đạp còn có những kiến thức về hiến ghép tạng mà anh mày mò học hỏi rồi tự biên tập để in thành các tờ rơi tuyên truyền hiến tạng. Ngoài ra Khương còn mang theo một tấm băng rôn nổi bật in dòng chữ “Cho đi là còn mãi” buộc cẩn thận phía sau xe. 

Đặc biệt, trên cánh tay phải của anh Khương có xăm dòng chữ “Làm ơn gọi ngay” cùng số điện thoại của Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia và số điện thoại của Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh quyết định xăm dòng chữ này ngay trong hành trình xuyên Việt của mình. Khương chia sẻ: “Tự chuẩn bị mọi thứ, tự trang trải kinh phí, rồi xăm số điện thoại đường dây nóng hiến tạng trên cánh tay, có người bảo tôi khùng, tào lao, làm việc không đâu. Bạn gái cũ cũng bảo vậy khi tôi thông báo ý định”. 

37 ngày đạp xe xuyên Việt

Ngày 12-4-2016, Khương bắt đầu hành trình đạp xe xuyên Việt. Một mình vừa đạp xe vừa vận động, kêu gọi hiến tạng với chiếc băng rôn buộc sau xe và phát tờ rơi tại những điểm mà anh dừng chân, ngày đi đêm nghỉ, có đêm anh ôm xe đạp ngủ ngay bên lề đường. 

Dọc đường đi, Khương liên tục cập nhật hình ảnh và các hoạt động của mình lên Facebook. Sau gần 30 ngày, Khương đặt chân được đến Hà Tĩnh thì gặp một người bạn cùng hội đạp xe mà anh tham gia trước đó, thế là từ đây, anh cùng người bạn đạp xe ra đến Hà Nội. Hành trình xuyên Việt hơn 2.000 km từ đất mũi Cà Mau ra Thủ đô kéo dài trong 37 ngày. Kể lại thì ngắn gọn nhưng 37 ngày đạp xe là một thách thức không hề đơn giản. 

“Thấy em đạp xe một mình với tấm băng rôn “Cho đi là mãi mãi” buộc sau xe cùng các tờ rơi kêu gọi hiến tạng, không ít ánh mắt dò xét của người dân bên đường. Nhiều khi nản chỉ muốn vứt xe đạp, trèo lên xe khách “về cho rồi”. Nhưng vào Facebook, thấy lượng người theo dõi các hoạt động đạp xe vận động hiến tạng của mình ngày càng nhiều, cũng có nhiều người dù không phải bạn bè hay quen biết nhưng trân trọng hành động mình và gửi lời động viên. Cuối cùng, hành trình cũng trọn vẹn. Có điều, ra tới Hà Nội thì xe đạp tự nhiên tuột xích mà thôi...” - Khương cười hiền. 

Sau khi ra tới Hà Nội, Khương tìm đến Bệnh viện Việt Đức - nơi đặt trụ sở Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia để tiếp tục đăng ký hiến tạng sống và thể hiện tâm nguyện sẵn sàng hiến một phần gan hay giác mạc bất cứ lúc nào để cứu sống những người bệnh hiểm nghèo. 

Kết thúc hành trình, Khương trở về Đà Nẵng. Tại đây, chiếc xe đạp cùng anh xuyên Việt bị lấy trộm. Anh lên xe khách trở về TP.HCM, tiếp tục chia sẻ về hiến tạng. Không lâu sau, một cuộc điện thoại lạ gọi đến anh, sau khi hỏi han sức khỏe, liền ngã giá mua quả thận của anh với giá 250 triệu đồng.

“Họ nghĩ tôi đạp xe xuyên Việt vận động hiến tạng như để quảng cáo bán tạng hay môi giới bán tạng. Tôi thấy bị xúc phạm, tổn thương lắm, nhưng cũng bỏ qua. Việc mình nên làm thì vẫn phải làm”, Khương tâm sự.  

Khi tôi chia sẻ thông tin sau chuyến đi của Khương, nhiều người đã đến Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia để đăng ký hiến tạng vì cảm phục anh, Khương ngạc nhiên, bảo: “Tôi không đặt mục tiêu trong và sau hành trình của mình có bao nhiêu người đến hiến tạng. Tôi chỉ mong sẽ có nhiều người biết đến hiến tạng, mong họ thay đổi quan niệm, giúp nhiều người suy tạng có cơ hội được ghép tạng để tiếp tục cuộc sống”.