Đáp trả leo thang quân sự hóa Biển Đông

ANTĐ - Chính sách xoay trục của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông tiến thêm một bước mới khi Washington đạt được thỏa thuận với Philippines về việc quân Mỹ có thể triển khai tại 5 căn cứ quân sự nằm trên đảo quốc đồng minh thân cận này của Mỹ.

Đáp trả leo thang quân sự hóa Biển Đông ảnh 1Không quân Mỹ và Philippines hợp tác huấn luyện về máy bay V-22 Osprey
tại căn cứ Antonio Bautista

Tại cuộc Đối thoại Chiến lược song phương cơ chế “2+2” (Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng) lần thứ 6 diễn ra tại Thủ đô Washington của Mỹ mới đây, Mỹ và Philippines đã tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ liên minh giữa Washington và Manila, bảo vệ an ninh và quốc phòng lẫn nhau cũng như cùng đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực và thịnh vượng kinh tế.

Đặc biệt, hai bên đã thỏa thuận cho phép quân Mỹ có thể triển khai tại 5 căn cứ quân sự ở Philippines gồm: Căn cứ Không quân Antonio Bautista, Căn cứ Không quân Basa, Căn cứ Fort Magsaysay, Căn cứ Không quân Lumbia và Căn cứ Không quân Mactan-Benito Ebuen.

Theo thỏa thuận trên, Mỹ sẽ thiết lập các cơ sở hậu cần thường trực để hỗ trợ việc luân chuyển quân, đồng thời sẽ đầu tư mạnh vào các dự án hạ tầng để củng cố năng lực quân sự tại 5 căn cứ này. Dù là luân chuyển quân sự, nhưng các thiết bị và lực lượng mặt đất của Mỹ có thể lưu trú ở Philippines trong thời gian dài nếu được Manila cho phép.

Nhìn trên bản đồ có thể thấy 5 căn cứ quân sự mà Mỹ được phép triển khai quân trải đều trên khắp Philippines, trong đó ở khu vực miền Bắc có căn cứ Fort Magsaysay vốn là cơ sở quân sự lớn nhất và là một trong những nơi đào tạo bộ binh lớn nhất của Philippines và căn cứ không quân Basa nằm gần sát Thủ đô Manila. Căn cứ không quân Mactan -Benito Ebuen nằm trên đảo Mactan ở miền Trung trong khi căn cứ không quân Lumbia nằm ở đảo Mindanao ở phía Nam.

Đáng chú ý nhất là việc quân Mỹ có thể triển khai tại căn cứ không quân chiến lược Antonio Bautista gần thủ phủ tỉnh đảo Palawan nằm gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Trên căn cứ cách không xa bãi cạn Scarborough tranh chấp bị Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012 này có sân bay với đường bay dài 2,7 km đủ để các máy bay quân sự Mỹ cất/hạ cánh.

Mỹ từng có 2 căn cứ quân sự rất lớn trên đất Philippines, đó là căn cứ hải quân tại vịnh Subic và căn cứ không quân Clark. Tuy nhiên, Mỹ đã rút quân khỏi Philippines từ năm 1992 do không còn nhu cầu trong khi bị người dân và nhiều tầng lớp tại nước này phản đối.

Kể từ khi Trung Quốc hung hăng, gây hấn với các nước láng giềng nhằm thực hiện tham vọng bành trướng trên biển, trong đó có tham vọng độc chiếm Biển Đông, Mỹ đã đáp trả bằng chính sách xoay trục, chuyển bố trí lực lượng quân sự Ấn Độ Dương/Thái Bình Dương từ 60/40% thành 40/60%. Đồng thời, Mỹ cũng tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh ở Đông Nam Á, trong đó có việc thường xuyên đưa tàu chiến ra vào căn cứ quân sự Subic của Philippines.

Theo giới quan sát, việc Washington và Manila thỏa thuận về việc triển khai quân Mỹ tới 5 căn cứ quân sự tại Philippines nằm trong chính sách xoay trục đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, trực tiếp là để đáp trả lại việc Bắc Kinh ráo riết thực hiện quân sự hóa tại vùng biển chiến lược này.

Đó là những bước đi leo thang nguy hiểm như bồi đắp, xây dựng các bãi đá xâm chiếm bằng vũ lực tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nổi nhân tạo, đưa tên lửa phòng không HQ-9 và máy bay chiến đấu hiện đại tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam...