Đập tan luận điệu xuyên tạc, sai trái lèo lái dư luận về 2 vụ đại án (3): Thành tựu và dấu ấn của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những thành tựu và dấu ấn nổi bật trong phòng chống đại dịch Covid-19 để đảm bảo sức khỏe và tính mạng nhân dân, sớm đưa mọi mặt cuộc sống kinh tế - xã hội trở lại bình thường là minh chứng hùng hồn bác bỏ, đập tan mọi luận điệu, toan tính nhằm lợi dụng các vụ án “chuyến bay giải cứu”, Việt Á để phủ nhận những nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước ta trong phòng chống một trong những đại dịch gây tổn thất nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế xem như là một điểm sáng, hình mẫu trong phòng, chống đại dịch Covid-19 ở khu vực và thế giới (Ảnh: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam liên tục gia tăng hậu Covid-19)

Việt Nam được cộng đồng quốc tế xem như là một điểm sáng, hình mẫu trong phòng, chống đại dịch Covid-19 ở khu vực và thế giới (Ảnh: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam liên tục gia tăng hậu Covid-19)

Sớm đẩy lùi đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường

Việc đưa vụ án “chuyến bay giải cứu” ra xét xử với bản án nghiêm minh dành cho 54 bị cáo với các tội danh “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; cùng kết luận điều tra vụ án Việt Á đề nghị truy tố 38 bị can với các tội danh: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được nhân dân, dư luận trong và ngoài nước hoan nghênh, đánh giá cao. Tuy nhiên, lợi dụng các vụ án này, những thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị lại tung ra hàng loạt bài viết trên các trang mạng, nền tảng xuyên biên giới nhằm lèo lái, hướng từ vấn đề hình sự sang vấn đề chính trị hòng bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Trong dòng thông tin xuyên tạc, sai trái đó, ngoài việc toan tính nhằm phủ nhận cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà sâu xa là bôi nhọ, hạ uy tín và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, còn muốn bôi đen, phủ nhận thành tựu phòng chống đại dịch Covid-19 tại nước ta. Họ xuyên tạc chủ trương đúng đắn, hành động quyết liệt của chúng ra trong phòng, chống đại dịch Covid-19 với phương châm “đặt tính mạng và sức khỏe nhân dân lên trên hết, trước hết”, “không bỏ ai lại phía sau”… đưa hàng trăm nghìn đồng báo từ các vùng dịch hoành hành nghiêm trọng về nước, đặc biệt là thành tựu đưa đất nước là một trong những quốc gia sớm đẩy lùi đại dịch, đưa mọi mặt cuộc sống trở lại bình thường. Thậm chí, còn thấy xuất hiện những ngôn từ xuyên tạc, vu cáo thâm độc như cho rằng, người dân bị “ăn cướp công khai”, “cướp của cướp”, cướp trên “nước mắt của đồng bào”…

Song thực tế có như vậy? Nhìn lại giai đoạn đại dịch Covid-19 mới bùng phát rồi lan rộng, hoành hành ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ ta đã tổ chức chuyến bay giải cứu đầu tiên đưa 30 công dân Việt Nam ở “tâm dịch” Vũ Hán - Trung Quốc về nước vào tháng 2-2020. Từ tháng 4-2020, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu theo hình thức công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly.

Sau khi tổ chức các chuyến bay thí điểm thành công, Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức các chuyến bay “combo” song song với các “chuyến bay giải cứu” đến hết tháng 1-2022. Thực hiện chủ trương nêu trên của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức được trên một nghìn chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Việc tổ chức các chuyến bay cứu hộ này là thực hiện chủ trương nhân đạo, nhân văn, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, mục đích cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản cho người dân.

Cũng với phương châm “đặt tính mạng và sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết”, Chính phủ ta đã quyết tâm cao độ, nỗ lực tối đa để tìm nguồn cung vaccine phòng Covid-19 về thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm phủ vaccine nhanh nhất có thể. Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine. Số liều vaccine Covid-19 đã tiêm tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới; tỷ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới… giúp chúng ta sớm đạt mức độ miễn dịch cộng đồng, nhân tố hết sức quan trọng để đẩy lùi đại dịch, đưa mọi mặt của đời sống trở lại bình thường.

Việt Nam trong nhiều năm liên tục thăng hạng là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn trong mắt du khách nước ngoài

Việt Nam trong nhiều năm liên tục thăng hạng là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn trong mắt du khách nước ngoài

Điểm sáng phòng chống đại dịch Covid-19

Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhân loại, lây lan nhanh chóng trên toàn cầu từ tháng 1-2020 đến nay. Song với sự vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt và biện pháp đúng đắn, sáng tạo, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã sớm thành công trong việc kiểm soát dịch.

Là nước tiếp giáp Trung Quốc nên khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở nước ta vào tháng 1-2020, nhiều chuyên gia khi đó dự báo, Việt Nam sẽ là quốc gia lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trên diện rộng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 của nước ta ở mức thấp do các phương pháp tiếp cận chủ động, đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

Với một nền kinh tế có độ mở cao trên thế giới với những hoạt động giao thương, đi lại hàng ngày hàng giờ bằng đường không, đường bộ, đường thủy rộng khắp từ trong nước ra nước ngoài cũng như từ nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta không tránh khỏi của những thời điểm dịch bệnh cùng phát mạnh, lây lan nhanh. Điều này cũng do đặc tính dễ lây lan của virus

SARS-CoV-2. Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có hơn 11,6 triệu ca nhiễm, đứng thứ 13/231quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy vậy, xét về tỷ lệ ca nhiễm trên số dân và nhất là ca tử vong trên số dân, Việt Nam đứng ở mức thấp trong khu vực và thế giới, trong đó số ca tử vong do Covid-19 chỉ chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực và thế giới sớm cơ bản kiểm soát dịch Covid-19, bắt đầu dần nới lỏng các quy định về phòng chống dịch bệnh, nhanh chóng khôi phục các hoạt động sản xuất-kinh doanh, dịch vụ… Nhờ kiểm soát được dịch bệnh, chúng ta đã mở cửa nền kinh tế trong nước vào ngày 11-10-2021 và sau đó tổ chức thành công SEA Games 31 vào tháng 5-2022.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, cũng như là chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, từ ngày 15-3-2022, Chính phủ nước ta đã quyết định phục hồi chính sách xuất nhập cảnh như trước thời điểm Covid-19, bao gồm phục hồi thủ tục, quy trình cấp thị thực - bằng chứng thuyết phục, sự khẳng định với thế giới rằng Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm, đưa cuộc sống trở lại nhịp độ bình thường vốn có.

Nhìn nhận về nguyên nhân giúp Việt Nam sớm kiểm soát đại dịch và duy trì được đà phục hồi kinh tế ngay sau đó bất chấp nhiều khó khăn khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở khu vực và thế giới, các chuyên gia thế giới cho rằng, Việt Nam đã thích ứng linh hoạt thông qua điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời nắm bắt cơ hội. Chính phủ Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận đa chiều khi thực thi chính sách “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, phối hợp hiệu quả giữa phát triển kinh tế và phòng, chống dịch bệnh, đưa đến kết quả là nền kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng nhanh trên các lĩnh vực.

Trưởng Văn phòng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Phainchaud nhận định, kinh tế Việt Nam phục hồi rất tốt sau đại dịch. Theo vị đứng đầu cơ quan đại diện của IMF, các chính sách liên quan phòng chống đại dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam duy trì tỷ lệ tử vong thấp và ổn định kinh tế trong ngành ngân hàng và tài chính. “Đây là công việc khó khăn nhưng Việt Nam đã làm rất tốt” - Trưởng Văn phòng IMF đánh giá.

Việt Nam vì thế được cộng đồng quốc tế xem như là một điểm sáng, hình mẫu trong phòng, chống đại dịch Covid-19 ở khu vực và thế giới.

(TTXVN)

(TTXVN)

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội): Nhất quán mục tiêu chống tham nhũng đến cùng

“Nhìn lại vụ Việt Á, có thể thấy rằng, ngay từ đầu, khi chúng ta phát hiện có những dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quan tâm đặc biệt và có chỉ đạo quyết liệt. Từ đó, cả bộ máy, các lực lượng chức năng, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật - trong đó có ngành Công an - đã vào cuộc điều tra, truy tố và khởi tố vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

Đây là một vụ án lớn, chúng ta vẫn gọi là “đại án”, cùng với vụ án “chuyến bay giải cứu” thì cả hai vụ án này đều được nhân dân cả nước và dư luận hết sức quan tâm. Trong vụ án này lại có nhiều vụ án nhỏ khác nên quá trình đấu tranh phức tạp, kéo dài. Sau quá trình các cơ quan chức năng điều tra rất kỹ, hiện vụ án chuẩn bị được đưa ra xét xử.

Các đối tượng bị khởi tố, xử lý, đa phần là những cán bộ đã từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước, chính quyền và cả những người ở ngoài bộ máy Nhà nước. Ở đó, chúng ta thấy rõ ràng rằng không có sự phân biệt đối tượng, phạm vi nào, không có sự nương nhẹ với trường hợp nào. Điều đó cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta thể hiện trong vụ án này, đến thời điểm này là không có vùng cấm.

Dù vụ án chưa xét xử nhưng với kết quả điều tra đến thời điểm này, một số kết luận điều tra đã được báo chí đưa tin khẳng định quyết tâm đến cùng của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nó cũng thể hiện sự nhất quán từ đầu đến cuối, không thay đổi mục tiêu trong công cuộc này. Các ý kiến cử tri hay dư luận trong nhân dân đều rất ủng hộ.

Cũng phải nói rằng, quá trình điều tra vụ án kéo dài và trong quá trình đó, xuất hiện không ít luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, bôi xấu để làm sai lệch mục tiêu, bản chất của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chẳng hạn xuất hiện một số luận điệu cho rằng “bắt hết cán bộ thì lấy đâu ra người làm”, hay gần đây sau khi tòa án đưa ra xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” xuất hiện một số luận điệu cho rằng một số bản án được tuyên chưa thích đáng, chưa tương xứng… Song thực tế đã chứng minh, đó chỉ là những luận điệu thiếu căn cứ, so sánh khập khiễng và không đúng bản chất.

Tôi nhắc lại, trong vụ án Việt Á, đến thời điểm này đã có đến 3 trường hợp cựu Ủy viên Trung ương Đảng, gồm một Bộ trưởng, một cựu Bộ trưởng, một Bí thư Tỉnh ủy bị xử lý kỷ luật rồi khởi tố, dính vòng lao lý, rất nhiều trường hợp cán bộ trung và cao cấp khác nữa.

Hay nhìn lại phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” vừa qua, không chỉ là xét xử công khai, minh bạch, các bản án xét xử rất nghiêm minh, không có vùng cấm, không phân biệt đối tượng… mà còn thể hiện cả tính nhân văn cũng như răn đe, cảnh báo rất lớn. Thực tế có những trường hợp cán bộ có trách nhiệm liên quan, tuy hành vi vi phạm chưa đến mức phải truy tố trách nhiệm hình sự song tự nhận thấy trách nhiệm của mình nên đã tự giác từ chức. Rồi trong quá trình tuyên án cũng thể hiện rõ tính khoan hồng, nhân văn của pháp luật đối với những trường hợp ăn năn, hối cải, sẵn sàng khắc phục hậu quả. Hơn nữa, đây mới chỉ là phiên xét xử sơ thẩm, theo quy trình tố tụng còn có phúc thẩm, thậm chí là giám đốc thẩm, có nghĩa việc xét xử này có thể chưa phải là đã kết thúc.

Song ngược lại, từ những dư luận trái chiều, các cơ quan tố tụng cũng cần rà soát lại, xem xét lại quá trình điều tra, xét xử các vụ án này có bỏ lọt tội phạm, áp dụng các khung hình phạt đã đúng hay chưa để một mặt đảm bảo tính nghiêm trị, mặt khác đảm bảo tính răn đe giáo dục và tạo cơ hội cho những người biết quay đầu. Đây cũng là chính sách về hình sự rất rõ ràng mà các nước đều hướng đến chứ không phải riêng nước ta”.

Tiến Hưng (Ghi)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, nâng cao

“Đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề cả về kinh tế, đời sống, việc làm, sức khỏe, tính mạng con người nhưng bằng sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đoàn kết vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Những thành quả vượt bậc trong chiến dịch phòng, chống dịch Covid-19 của chúng ta là một thực tế khách quan không thể phủ nhận.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã kịp thời, quyết liệt ban hành những chủ trương chính sách hiệu quả; cả hệ thống chính trị chủ động, tích cực vào cuộc chiến đấu với dịch bệnh chưa có tiền lệ. Nhân dân đồng lòng, tin tưởng, ủng hộ và thực hiện theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, chính quyền các cấp, khuyến cáo của ngành Y tế.

Tất nhiên, trong công tác phòng, chống dịch bệnh chưa có tiền lệ này, cũng có những thời điểm một số quy định, hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế, gây thiệt hại, xáo trộn cho đời sống người dân. Nhưng nhìn chung, đối với loại dịch bệnh làm đảo lộn cả thế giới, thì có thể thấy rằng chính sách thích ứng được Nhà nước ta ban hành là chiếm đa số. Ở một khía cạnh khác, trong lúc toàn dân ta gặp vô vàn khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh, lao động sản xuất, nhiều cán bộ, chiến sĩ, đảng viên xung phong, căng mình nơi tuyến đầu chống dịch, chấp nhận hiểm nguy, nhiều y bác sĩ và nhân viên y tế quên mình, không màng đến bản thân, thì vẫn còn có những người nằm trong cơ quan công quyền bao gồm cả một số vị trí lãnh đạo đã bòn rút ngân sách Nhà nước, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người dân để đạt lợi ích riêng.

Tuy nhiên, đó chỉ là thiểu số, đơn lẻ. Đến nay, hầu hết những con người này đã bị xử lý, họ đã và đang đối diện với các mức hình phạt nghiêm khắc, phù hợp với tính chất mức độ của hành vi phạm tội mà họ đã gây ra. Thiểu số này sẽ không thể khiến những thành quả mà chúng ta đã đạt được trong công cuộc phòng chống dịch bệnh bị lu mờ mà ngược lại, với việc đưa họ ra ánh sáng, niềm tin, sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, nâng cao qua đó tiếp thêm sức mạnh cho người dân để cùng nhau xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh, giàu mạnh”.

Trịnh Tuyến (Ghi)