Đảo tiền tiêu Cô Tô và món sứa tươi ở đồn biên phòng

ANTD.VN - Trải qua hàng trăm chuyến công tác nhưng có lẽ những lần say sóng với nữ phóng viên như tôi sẽ thật khó quên. Chuyến đi đến đảo tiền tiêu Cô Tô, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh là một lần như thế!

Lần đầu ra đảo

Đó là một ngày tháng 10 cách đây 9 năm. Khi ấy Cô Tô chưa phát triển du lịch và nổi tiếng như bây giờ. Theo những gì tôi biết, Cô Tô là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh và là nơi duy nhất được đặt tượng Bác Hồ khi người còn sống. Tò mò về cuộc sống của người dân ở nơi cách đất liền 25km, tôi quyết định xin đi Cô Tô. 

Nhờ một anh bạn học cùng thời đại học chỉ đường, đúng 7h sáng, tôi có mặt tại cảng Cái Rồng, đi chuyến tàu sớm và duy nhất trong ngày đến với Cô Tô. 

Lúc bước lên tàu, tôi rất ngạc nhiên khi thấy các bác, các chị, thậm chí là cả các anh nữa nhanh chóng tìm một chỗ an toàn trên boong tàu, duỗi thẳng chân và... ngủ. Với một phóng viên lần đầu đến với nơi đầu sóng ngọn gió, tôi nghĩ đó không phải là một biện pháp hay.

Phải tranh thủ trò chuyện ngắm nhìn cảnh đẹp của biển thì mới thu nạp được tài liệu, tích lũy kiến thức, “trút” tất cả vào trang giấy để chuyển tải đến cho bạn đọc biết về một vùng biển đảo Tổ quốc. Chính vì thế, tôi nhanh chóng tiếp cận mấy bác lái tàu, nói với họ về chuyến đi của mình, trao đổi để biết nhiều hơn nữa về công việc, về những câu chuyện của họ trong quá trình lênh đênh trên biển nhiều năm qua. 

Nhưng chỉ 5 phút sau khi tàu rời bến, anh Nguyễn Đình Giang, thủy thủ trên chiếc tàu gỗ đưa tôi ra đảo đang nói chuyện với tôi, bảo: “Vào mùa này, anh chưa gặp ai đứng nói chuyện với anh lâu như em cả vì dễ bị say sóng. Bản thân bọn anh hôm nào yếu người cũng “trả” thức ăn về với biển. Thôi anh kỷ niệm em vài cái túi nilon”. Anh vừa dứt lời tôi bỗng thấy đất trời bắt đầu nghiêng. Không kịp nữa rồi. May có mấy chiếc túi nilon anh Giang dúi vội vào tay, tôi mới không để “thức ăn đã vào bụng” vương vãi ra sàn tàu. 

Giờ thì tôi đã hiểu, những người dân lên tàu với tôi là đều là cư dân ở đảo. Họ biết rõ con nước lên, con nước xuống, sóng lặng, sóng nổi nên đã nhanh chóng tìm chỗ ngủ cho quên cơn say sóng. Còn với kẻ “gà mờ” lần đầu đi biển như tôi, việc đi ngủ đã quá chậm trễ, tôi đành “làm bạn” với mớ túi nilon trong suốt hành trình di chuyển ra đảo. 

Đồn Biên phòng Cô Tô

“Cổ tích”… đảo Cô Tô

Thuyền tròng trành rồi cũng cập vào cầu cảng. Mệt mỏi sau một hành trình dài, rồi Cô Tô hiện ra trước mắt tôi quyến rũ đến mê hồn...

Dân trên đảo lúc ấy chỉ có khoảng 5.000 người, vốn không phải là người gốc ở đây, nên tiếng nói cũng đủ mọi vùng miền Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình... Họ là những người đi làm kinh tế mới, đồng thời cũng là những người lính giữ đảo. Vì thế phần nhiều họ là những người lính, là con em của lính. 

Vì chưa phát triển du lịch, chưa có điện lưới quốc gia, điện chạy bằng máy phát nên cái thứ ánh sáng của cuộc sống văn minh chỉ có từ 5h chiều đến 11h đêm. Khách sạn cũng không có, chỉ duy nhất có nhà khách ủy ban, với quạt điện là chủ yếu và có hẳn một bếp ăn tập thể.

Với ưu thế là con nhà lính, tôi tìm ngay đến Đồn Biên phòng Cô Tô xin một đêm trú ngụ. Bất ngờ, tôi còn gặp một người hàng xóm ở cùng khu tập thể - Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn. Anh lúc đó là Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng của Đồn. Như một cư dân bản địa, anh đưa tôi đi tìm hiểu cuộc sống ngư dân trên đảo. Không có điện, cách xa đất liền, rất gần Trung Quốc nhưng qua câu chuyện của người dân ở Cô Tô, chúng tôi cảm nhận một tinh thần yêu nước đến nồng nàn.

Anh Vương Ngọc Thủy, thế hệ đầu tiên ra đảo những năm 1979 kể, người Cô Tô chỉ ăn mực Cô Tô, đừng “mơ” lập lờ đánh hàng nước ngoài trộn lẫn, họ nhận ra ngay. Dù có nhiều khó khăn vất vả nhưng người dân luôn bám đảo, sinh sống bằng nghề chài lưới quanh đảo, phần để mưu sinh, phần nữa để khẳng định chủ quyền.

Cuộc sống ở Cô Tô giờ đã thay đổi nhiều so với một thập niên trước

Bữa ăn đặc biệt

Một vòng quanh đảo, Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn đưa tôi về lại Đồn Biên phòng số 16. Trời sẩm tối, cả đồn loay hoay vì hiếm khi nào ở đồn lại có phụ nữ đến chơi. Cuối cùng, Đồn trưởng Thiếu tá Hoàng Đức Kiên nhường cho tôi căn phòng của anh, vì ở đó anh được “ưu tiên” có 1 bình ắc quy, đủ điện để thắp bóng đèn quả nhót suốt đêm cho tôi đỡ sợ “ma”. 

Sau khi “an cư”, CBCS của Đồn mời tôi ăn một bữa cơm tập thể. Có một vị khách đặc biệt nên hôm ấy, chẳng biết ở đâu, các anh kiếm được con sứa trắng vẫn còn sống để mời tôi. Cái loài nhuyễn thể ấy, mỗi lần đi biển gặp nó là tôi “hãi” lắm. Nó mà “cù” ai thì người đấy chỉ có “gẩy đàn” từ ngày này sang tháng khác, có khi còn nguy đến cả tính mạng.

Ngần ngừ một lúc, dù không dám thì tôi cũng đành nhắm mắt đưa vào miệng vì không muốn phật lòng chủ nhà. Anh Tuấn bảo, sứa tươi làm nộm bằng cách chần với nước chè xanh và lá ổi đun sôi. Khi miếng sứa trắng và trong biến thành màu vàng như nghệ, trộn lẫn với lạc, tai lợn, rau thơm có ở quanh đồn là thành món ngon rồi.

Nhấm miếng đầu tiên, ăn giòn giòn là lạ, khác hẳn với cái món sứa ăn cùng cùi dừa, đậu phụ vẫn bán nơi phố phường tấp nập. Sau này, có những lúc thèm nộm sứa Cô Tô, tôi đã tìm ở nhiều nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội nhưng chẳng ở đâu mang lại cái vị tròn trịa đến lạ lùng như lúc tôi ăn giữa 11 chiến sỹ Đồn Biên phòng Cô Tô năm ấy.

Đó mới chỉ là khởi đầu của một bữa ăn đặc biệt. Vẫn là món sứa ấy nhưng lại được chế biến sang món lẩu. Và đó có lẽ là món lẩu tôi được thưởng thức một lần duy nhất trong đời. Không phải lẩu điện cũng chẳng phải lẩu từ, lẩu cồn gì cả. Một bếp than hừng hực cháy, toàn là kíp lê (than đá), thứ vốn có nhiều ở Quảng Ninh, trên đó là một nồi nước chân giò hầm.

Múc nước canh ra một cái thau nhỏ, đặt giữa bàn, cho một gắp sứa vào bát, thảy lên một nhúm rau thơm, chan cái nước nóng hôi hổi ấy vào, đếm từ 1 đến 3 là có thể cho vào miệng, ăn đến đâu, mát ruột đến đấy và rất lành. Khi thau nhỏ đã nguội, lại được thay một thau khác, vẫn nóng như thế. Tôi nhớ lúc đó đã là cuối tháng 10, trời khá lạnh nhưng người chiến sỹ vã mồ hôi vì phải chạy liên tục múc nước.

9 năm đã trôi qua, những người tôi gặp năm ấy giờ đã mỗi người một phương trời. Tôi cũng chưa có dịp được quay lại nơi ấy thêm một lần nữa nhưng trong trí nhớ của tôi, chuyến công tác ra đảo Cô Tô thuở còn hoang sơ là dấu ấn không thể nào quên.