Đào tạo trực tuyến: Hay và dở

ANTĐ - Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của đào tạo trực tuyến (ĐTTT). Bên cạnh những ưu điểm là tạo cơ hội cho người học có thể tự học, tự nghiên cứu một cách chủ động thì loại hình đào tạo mới mẻ này cũng bộc lộ không ít hạn chế…

Lựa chọn đào tạo trực tuyến giúp học viên chủ động được thời gian học tập. Ảnh: SGGP


Lợi thì có lợi…

Với phương pháp học tập và giảng dạy tương đối khác biệt so với hình thức học truyền thống, học trực tuyến cung cấp cho học viên sự kết hợp hoàn hảo của nghe, nhìn và sự chủ động. ĐTTT giúp cho việc đào tạo hiệu quả tới được nhiều đối tượng học viên khác nhau, cắt giảm được chi phí in ấn, xuất bản và phân phối. Người học có thể chủ động lựa chọn những kiến thức phù hợp với mình, tự điều chỉnh tốc độ học phù hợp, bỏ qua những phần hướng dẫn đơn giản không cần thiết mà vẫn đáp ứng được tiến độ chung của khóa học.

Ngoài ra, người học có thể hoàn thành chương trình đào tạo ngoài giờ làm việc hay ở nhà. Bên cạnh đó, tiết kiệm chi phí đào tạo cũng là một lợi thế mà ĐTTT đem lại. Trên thế giới, hình thức ĐTTT không còn xa lạ. Đơn cử, 90% trường ĐH tại Singapore sử dụng phương pháp ĐTTT và ở Mỹ con số này là hơn 80%. Ở Việt Nam hiện nay có thể tìm thấy chương trình ĐTTT với 3 kênh chính: các trường đại học trong nước, các chương trình từ nước ngoài đưa vào Việt Nam và của các công ty lập ra.

Anh Nguyễn Văn Hưng, nhân viên tìm kiếm nguồn nhân lực một công ty nước ngoài tại Hà Nội cho biết: “Tôi vốn có định kiến với loại hình đào tạo từ xa, “học trực tiếp còn chẳng ăn ai, huống hồ là học từ xa”. Với tôi, ĐTTT giống như kiểu “thi tại chỗ, đỗ tại thầy”. Tuy nhiên, sau tuần đầu tham gia khóa học trực tuyến của một trường của nước ngoài, tôi thật sự ngạc nhiên, áp lực học tập lớn hơn tôi tưởng rất nhiều. Cụ thể, ở một lớp học truyền thống, bạn có thể “trốn” không tham gia thảo luận trên lớp khi số lượng học viên đông, nhưng trong môi trường trực tuyến thì bạn không thể làm được điều đó. Bạn phải tôn trọng nội quy của lớp học bằng cách đóng góp ý kiến cho từng câu hỏi thảo luận, phải gửi bài lên diễn đàn đúng thời hạn và chất lượng bài phải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chí đánh giá đã đề ra…”.

Theo ông Josh Tappin, một chuyên gia người Mỹ đang nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam nhận định: “Với chương trình ĐTTT chuẩn, mức độ tham gia và chất lượng học tập của từng học viên trong môi trường trực tuyến được đánh giá, phân định một cách rạch ròi hơn nhiều so với trong môi trường truyền thống. Các giảng viên chỉ can thiệp vào một cuộc thảo luận của học viên khi thật sự cần thiết. Còn lại, học viên được tạo điều kiện thuận lợi tối đa để phát triển và trình bày các ý tưởng.


…nhưng dở cũng không ít

Do loại hình ĐTTT mới xuất hiện ở nước ta nên còn ít về số lượng và yếu về chất lượng. Cán bộ giảng dạy còn thiếu và chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ giờ  online trực tiếp giữa giáo viên và học viên còn thấp, thậm chí có nhiều học viên chưa có hoặc chưa biết sử dụng máy vi tính, mạng internet. Tình trạng một số trường phát triển quy mô quá nhanh song chất lượng đào tạo không được đổi mới và cải thiện cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít người còn băn khoăn, hoài nghi về chất lượng ĐTTT.

Bạn Nguyễn Thu Hồng - sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Hà Nội chia sẻ: Năm 2008, để ôn luyện tiếng Anh, tôi đã mua đĩa và thẻ tham gia học tiếng Anh trực tuyến trên mạng theo quảng cáo từ một trang web. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi và một số bạn học sinh đã phát hiện ra mình bị lừa mua phải những đĩa bài giảng sao chép, lắp ghép kém chất lượng. Không chỉ có vậy, chất lượng các bài giảng rất kém, bởi người đăng tải bài viết không đủ trình độ chuyên môn cần thiết”.

Ông Nguyễn Tất Đạt - Giám đốc Quản trị mạng Công ty Pacific Travel cho rằng: “Để chấm dứt tình trạng website trực tuyến không đảm bảo chất lượng hoặc bị lợi dụng để kiếm lợi bất hợp pháp, các cơ quan chức năng cần kiểm tra chất lượng của các website này trước khi cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, việc kiểm định tính chính xác của các khoá học và bài giảng trực tuyến cũng cần được thực hiện thường xuyên để đảm bảo quyền lợi cho người học. Ngoài ra, người học trước khi quyết định tham gia bất kỳ một khóa học ĐTTT nào cũng phải kiểm tra kỹ về độ uy tín và chính xác của các khóa học này, chỉ mua thẻ học từ các đại lý được đăng tải trên website, không nên mua đĩa bài giảng hay đăng ký khóa học từ các tổ chức, cá nhân không được các website đó trực tiếp ủy quyền hay bán trôi nổi ngoài thị trường. Mỗi cá nhân cũng cần sử dụng các biện pháp để bảo mật tài khoản của mình khi tham gia các khóa học online như không chia sẻ tài khoản, đăng ký hòm thư hợp lệ, thận trọng bảo mật mật khẩu”…