Đào tạo nguồn nhân lực giáo dục: Ít giáo viên, khó tìm việc

ANTĐ - Vốn được đánh giá cao với vai trò quyết định chất lượng nguồn nhân lực nhưng ngành sư phạm đang đứng trước nguy cơ khó đáp ứng yêu cầu này bởi thực tế chất lượng đầu vào thấp, khó kết nối đầu ra...

Lo ngại chất lượng giáo viên

Nhiều sinh viên sư phạm phải bỏ nghề vì không xin được việc

Ngành sư phạm đang ngày càng giảm sức hút đối với thí sinh so với các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng hay công nghệ mặc dù không phải đóng học phí... Một trong những nguyên nhân là các cử nhân sư phạm ra trường bị “ế” hàng loạt. Theo ông Phạm Minh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Vinh, tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không kiếm được việc làm phổ biến ở hầu hết các địa phương. Bà Đoàn Thị Minh Công, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương cũng cho biết ở Hải Dương, sinh viên sư phạm ra trường rất thừa, nhiều người tốt nghiệp loại khá vẫn không tìm được việc làm. Một nguyên nhân rất thực tế khiến ngành sư phạm không tuyển được đầu vào chất lượng cao, theo ông Phạm Minh Hùng là vì thu nhập của giáo viên hiện nay quá thấp so với mặt bằng chung nên học sinh giỏi không chọn thi ngành sư phạm, dẫn tới chất lượng đào tạo không thể yêu cầu cao.

Chất lượng đào tạo thấp, rõ nhất là đào tạo giáo viên mầm non. Bà Đoàn Thị Minh Công lo ngại trước tình hình giáo viên mầm non đang rất thiếu ở nhiều địa phương. “Nhiều học sinh tốt nghiệp THPT không thi hoặc thi trượt ĐH được xét tuyển bằng học bạ để đào tạo trung cấp mầm non, một tháng học từ 7-10 ngày, sau hai năm tốt nghiệp 100%. Sau đó lại được liên thông lên ĐH, CĐ với thời gian 2 - 3 năm rưỡi, một tháng lại học vài buổi và ra trường có bằng ĐH nhưng chuẩn nghề nghiệp, năng lực đứng lớp rất hạn chế” - bà Đoàn Thị Minh Công phân tích. 

Còn theo bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Hiệu trưởng ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, không chỉ giáo viên mầm non mà việc đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học cũng cần được xem xét lại bởi nếu trẻ học tốt từ mầm non, tiểu học thì lên cấp trên các em sẽ theo quán tính mà phấn đấu, giáo viên chỉ cần uốn nắn thêm.


Đổi mới công nghệ đào tạo sư phạm 

Ngoài đào tạo trên giảng đường, việc thực hành cũng rất quan trọng, nhưng sự kết hợp với các trường học để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập cũng còn nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc cho biết, việc kiến tập, thực tập cần thiết nhưng hiện nay phần lớn trường ĐH phải thương thuyết với các trường phổ thông, trên cơ sở tình thầy trò, giúp đỡ lẫn nhau chứ không có quy định trách nhiệm của trường đối với sự nghiệp đào tạo giáo viên. Việc cử tất cả sinh viên của các trường sư phạm xuống trường phổ thông cùng một thời điểm để thực tập cũng không phù hợp, gây áp lực cho các trường. 

Nhận định về phương pháp đào tạo ngành sư phạm hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận phương pháp hiện nay vẫn duy trì theo truyền thống, chưa thay đổi, còn nặng về dạy kiến thức khoa học, chưa coi trọng phương pháp. Theo PGS.TS Hoàng Văn Cẩn, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, các trường vẫn nghiêng nhiều về các môn học mà chưa chú trọng tới việc tăng cường rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, trang bị các kiến thức về tâm lý học sinh, kỹ năng sống... 

Trước nhiều ý kiến phản ánh về bất cập trong đào tạo ngành sư phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ GD-ĐT và các trường cần sớm xây dựng đề án hiện đại hóa công nghệ đào tạo tại các trường sư phạm. Bên cạnh đó, hàng năm Bộ GD-ĐT cần có chương trình đánh giá chất lượng của giáo viên từ cấp học mầm non đến phố thông trung học. Phó Thủ tướng đề nghị, trong tháng 9-2011, Bộ GD-ĐT phê duyệt và ban hành Quy hoạch và phát triển nhân lực cho toàn ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020 để các trường nắm được định hướng đào tạo, sử dụng nhân lực ngành sư phạm.