Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Phải gắn với việc làm

ANTĐ - Xung quanh mục tiêu đào tạo nghề cho hơn 5 triệu lao động nông thôn trong giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 1956 đã được Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Ngọc Phi (ảnh) đã trao đổi với báo chí tại Hội thảo Nâng cao chất lượng công tác truyền thông thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 do Tạp chí Lao động - Xã hội phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức mới đây.

Đào tạo nghề phải chú trọng chất lượng. Ảnh minh họa

- PV: Từ đầu năm tới nay hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đạt được mục tiêu, vậy chúng ta có đặt ra vấn đề bằng mọi giá phải hoàn thành chỉ tiêu hay không?

- Ông Nguyễn Ngọc Phi: Chiêu sinh trong các trường đào tạo nghề hiện nay chưa đạt yêu cầu là do con em chúng ta chưa được thông tin nhiều nên chọn học nghề còn ít. Một vấn đề nữa là việc gia hạn thời gian chiêu sinh tới tháng 12 nên học sinh vẫn đang chờ nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 vào đại học, cao đẳng trước khi bước vào học nghề nên số lượng còn rất thấp. Đến thời điểm này nhiều trường chưa đạt chỉ tiêu. Chính sách đào tạo nghề chưa tuyên truyền được nhiều cho nên gia đình cũng như chính bản thân các em sau khi tốt nghiệp THCS, THPT rồi vẫn chưa mặn mà với học nghề. 

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa đạt yêu cầu, chỉ tiêu. Chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp này. Có 2 nguyên nhân, thứ nhất do kinh tế khó khăn nên thực hiện phân bổ nguồn vốn chậm. Tới tháng 6-2012 mới được thực hiện nên nhiều địa phương bị động trong đó chưa có nguồn bố trí. Thứ hai nhiều địa phương cũng lúng túng trong đánh giá. Vì đối tượng đào tạo nghề là lao động nông thôn nên phải rút kinh nghiệm. 

Theo tôi, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ không quá chú trọng vào số lượng mà sẽ siết chặt quản lý về chất lượng, không đào tạo tràn lan, đào tạo ra phải có việc làm. Mục tiêu là người lao động có kiến thức, có kỹ năng về sản xuất, làm sao để năng suất lao động cao hơn thì thu nhập sẽ cao hơn. 

- Không phải ai học xong nghề cũng tìm được việc làm, ông có đánh giá gì về thực trạng này? 

- Trong đề án 1956 của Chính phủ đã nêu rõ, đào tạo ai phải được nấy gắn với việc làm. Hướng tới có 2 cách, một là đào tạo theo đơn đặt hàng, thứ 2 là cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải dự báo được việc làm của người lao động. Một xã đào tạo lớp chăn nuôi thì phải xác định chăn nuôi gì, gia súc hay gia cầm, xác định thời gian học bao lâu, học về có làm ở địa phương được không thì phải có dự báo. Chính quyền xã phải vào việc cùng với huyện quy hoạch ngành nghề đào tạo để người dân biết và đăng ký học. 

Các doanh nghiệp phải đặt hàng dạy nghề với các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn. Ví dụ tại Nghệ An có doanh nghiệp tư nhân, dạy nghề cho hàng nghìn người đồng thời bao tiêu sản phẩm, nguyên liệu mang tới tận nhà cho người dân, sản phẩm ra bao nhiêu tiêu thụ hết. Nhưng cũng rất nhiều địa phương không làm tốt điều này khiến người dân không tin dạy nghề, triển khai học nghề kém mặn mà. 

- Theo ông vai trò của doanh nghiệp trong việc tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn cần được xác định như thế nào? 

- Đây là một vấn đề rất quan trọng, ví dụ làng nghề, nghệ nhân có quyền đào tạo nghề, doanh nhân có quyền đào tạo nghề miễn là có phương pháp sư phạm. Còn doanh nghiệp có điều kiện vẫn được đào tạo nghề theo cơ chế đăng ký đặt hàng với xã, với huyện. Việc ký kết này giúp kiểm soát đầu vào của người học, kiểm soát được thi chứng chỉ nghề, lúc đó cấp phát kinh phí theo cách này tránh được việc học nghề kiểu “đánh trống ghi danh” đang diễn ra hiện nay.