Đào tạo lại bác sĩ để tăng y đức

ANTĐ - Đó là suy nghĩ từ chính những cán bộ, chuyên gia tâm huyết của ngành y tế. Vấn đề y đức dù đã được nói đến rất nhiều và cũng đã được cải thiện trong thời gian qua, nhưng mỗi khi đề cập đến nhóm ngành này vẫn gây bức xúc cho người trong cuộc.

Chế độ đãi ngộ chưa thật phù hợp nên vấn đề y đức là một trong những thách thức lớn

(ảnh minh họa)

Luật hóa cũng không xong

Tại hội thảo “Y đức và những thách thức trong bối cảnh hiện nay” do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với BV Bạch Mai tổ chức ngày 6-3, TS. Trần Hữu Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng hội Y học việt Nam cho rằng, trong cơ chế hiện nay, người thầy thuốc có nhiều “quyền lực” nên dễ dẫn đến tha hóa. Thực tế thì dư luận đã có những ý kiến về việc y đức bị xói mòn. Chính vì vậy, điều cần thiết là phải đưa y đức vào luật, cụ thể hóa thành luật.

TS. Thăng cho biết thêm, hiện Tổng hội Y học đang nghiên cứu, xin ý kiến Bộ Y tế và soạn thảo để đưa những nội dung quy định về y đức vào chung với Luật Khám chữa bệnh. Theo đó, sẽ quy định những điều khoản, chế tài cụ thể xử phạt các hành vi vi phạm y đức như thông đồng với hãng thuốc để kê đơn sai; đặt stent động mạch vành quá mức chỉ định; xét nghiệm không cần thiết, vi phạm quy chế hành nghề…

Tuy nhiên, nếu vấn đề y đức có được đưa vào luật đi chăng nữa thì việc thực hiện cũng không dễ, hơn nữa cũng chưa giúp giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Đại diện cho Bộ Y tế, TS. Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, đưa y đức vào luật rất khó khăn vì phải có chuẩn mực, khi vi phạm thì phải có các chế tài cụ thể. Theo ông Long, đạo đức đưa vào quy định rất khó vì nó là phạm trù được điều chỉnh bằng dư luận xã hội. Mặc dù vậy, trong phạm vi thẩm quyền của mình, Bộ Y tế có thể đưa ra biện pháp thực hiện được trong thời gian trước mắt là đưa nội dung y đức vào khung giảng dạy trong các trường học.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân Việt Nam phân tích dưới một góc độ khác. Ông cho rằng, y đức còn phụ thuộc vào trình độ của bác sĩ và chỉ khi trình độ y bác sĩ được nâng cao thì mới hạn chế sai sót về chuyên môn cũng như y đức. “Chính tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp do trình độ bác sĩ kém, khiến tính mạng bệnh nhân lâm nguy, thậm chí tử vong… nhưng lại không chịu nhận trách nhiệm, tìm cách thoái thác bệnh nhân” - bác sĩ Thái lấy ví dụ.

Thay đổi cách đào tạo

Đánh giá nguyên nhân của sự xuống cấp y đức, GS.TS Trần Quỵ, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, quá tải BV trầm trọng là nguyên nhân dẫn tới nhiều hệ lụy và nếu cứ diễn ra tình trạng 4-5 người/giường bệnh thì rất dễ vi phạm y đức. Tuy vậy, bên cạnh việc giải quyết vấn đề giảm tải BV để giảm bớt áp lực cho người thầy thuốc, GS.TS Trần Quỵ cũng cho rằng, nếu y đức được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường đào tạo về y khoa, cán bộ cũng như sinh viên y khoa được đào tạo thường xuyên, liên tục về y đức cũng như chuyên môn… thì chắc chắn trách nhiệm của người thầy thuốc sẽ được nâng cao, y đức sẽ được cải thiện.

TS. Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc BV E Trung ương thẳng thắn chỉ ra, chúng ta đã rao giảng quá nhiều về y đức mà thực hiện thì còn ít. Với những sinh viên y khoa, học trong trường 6 năm chưa đủ, bác sĩ cần phải được đào tạo lại, cả về trình độ lẫn thái độ ứng xử với người bệnh. Tương tự, bác sĩ Phạm Đức Thịnh, Giám đốc BV Hồng Ngọc (Hà Nội) nêu quan điểm: “Nghề y phải học, học mãi, phải thường xuyên cập nhật, tiếp thu kiến thức mới. Riêng về thái độ đối với bệnh nhân, cũng phải học cách ứng xử. Trước bệnh nhân, thầy thuốc phải biết kìm nén cảm xúc cá nhân, không nên để nó ảnh hưởng tới quan hệ với người bệnh…”.

Mặc dù ngành y tế đã phát động thực hiện “Quy tắc ứng xử” trong hệ thống các BV, cơ sở y tế trên toàn quốc nhưng đây đó người bệnh vẫn phàn nàn trước thái độ ứng xử chưa đúng mực của y, bác sĩ. Hy vọng với quyết tâm cũng như các giải pháp quyết liệt của ngành y tế và các cơ quan chức năng liên quan, trong thời gian tới vấn đề y đức của y bác sĩ sẽ không còn khiến bệnh nhân phải phiền lòng.

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ 15-4

Liên Bộ Y tế - Tài chính vừa ký Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước. Theo đó, liên Bộ quyết định từ ngày 15-4-2012 sẽ chính thức áp dụng mức viện phí mới vừa được Chính phủ phê duyệt, bãi bỏ khung giá một phần viện phí đang áp dụng hiện nay. Như vậy, từ 15-4 tới, sẽ có 447 dịch vụ y tế và giá ngày, giường bệnh tại các cơ sở y tế công lập được điều chỉnh tăng (chỉ có 5 dịch vụ giảm giá), trong đó khoảng 70% số dịch vụ kỹ thuật tăng giá khoảng 5 lần so với hiện hành, dịch vụ tăng cao nhất là 20 lần. Đặc biệt, với các dịch vụ còn quy định viện phí tối thiểu - tối đa, chênh lệch giữa hai mức chỉ từ 3.000-30.000 đồng.