Đào tạo 100 chuyên gia về chính phủ điện tử

ANTD.VN - Theo ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hoá (Bộ TT-TT), chương trình đào tạo 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử sẽ tạo thành một mạng lưới tham gia từ Trung ương đến địa phương, để từ đó tương đương tri thức của 10.000 chuyên gia công nghệ thông tin.

Khởi động chương trình đào tạo cán bộ nòng cốt cho Chính phủ điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa khởi động chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử.

Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, muốn triển khai nhanh Chính phủ điện tử thì cần có chuyên gia nòng cốt về chính phủ điện tử. Tuy nhiên, các khoá đào tạo về Chính phủ điện tử trước đây thường được tổ chức riêng lẻ, không thường xuyên, học viên tham dự mỗi khoá lại khác nhau.

Vì vậy, đến nay chúng ta chưa có đội ngũ chuyên gia nòng cốt đủ năng lực triển khai Chính phủ điện tử ở các bộ, ngành, địa phương.

"Để khắc phục vấn đề nêu trên, Bộ TT-TT quyết định triển khai chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia hạt nhân về Chính phủ điện tử tại các Bộ, ngành, địa phương"- ông Nguyễn Thành Phúc nói. 

Chương trình đào tạo này nhằm trang bị cho các học viên kiến thức chuyên sâu về CNTT, những bài học hay về triển khai Chính phủ điện tử trên thế giới và Việt Nam.

Mỗi học viên sẽ được tham gia chương trình đào tạo thống nhất, thường xuyên, liên tục trong nhiều năm, để trở thành những chuyên gia về Chính phủ điện tử ở từng Bộ, ngành, địa phương đủ sức giải quyết những vấn đề đặt ra.

"100 chuyên gia tham gia đào tạo sẽ tạo thành một mạng lưới tham gia Chính phủ điện tử từ trung ương đến địa phương, để từ đó tương đương tri thức của 10.000 chuyên gia CNTT. Đây chính là lợi ích lớn nhất mà chương trình đào tạo đem lại"- ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh.

Các bộ, ngành, địa phương đều cam kết ít nhất trong 3 năm tới không chuyển công tác các cán bộ tham gia để họ phát huy vai trò của mình.

Theo Cục trưởng Cục Tin học hóa, đối tượng nòng cốt tham gia khóa đào tạo này là: Trưởng phòng CNTT của các Sở TT-TT; Giám đốc Trung tâm CNTT-TT của các Sở TT-TT; Trưởng phòng ứng dụng CNTT của các cơ quan chuyên trách về CNTT như Cục CNTT của Bộ Y tế hay các Trung tâm CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ. 

Về chương trình đào tạo, một số nội dung sẽ được đào tạo trực tiếp; còn lại phần lớn là đào tạo trực tuyến e-learning hoặc trực tuyến qua cầu truyền hình.

Các bài giảng của chương trình đào tạo này đã sẵn sàng chia sẻ lên trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử tại địa chỉ egov.mic.gov.vn để các cơ quan, đơn vị có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong quá trình tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.