Đảo Sardinia (Italia): Mafia đang thao túng ngành năng lượng tái tạo

ANTĐ - Nổi tiếng với những vùng đồng bằng tươi tốt cùng nguồn nước trong xanh màu ngọc bích, Sardinia đã chớp lấy cơ hội để thúc đẩy kinh tế phát triển bằng cách chuyển hóa những tháng có nắng nhiều nhất thành năng lượng xanh.
Đảo Sardinia (Italia): Mafia đang thao túng ngành năng lượng tái tạo ảnh 1

Thực trạng

Ở Tây Bắc của Sardinia, đang được trồng các loại cây cho năng lượng sinh khối, trong khi trên các ngọn đồi ở trung tâm của hòn đảo, nhiều tuốc-bin cao lớn thuộc một trạm phong điện lớn thứ 2 Italy đang quay trong gió. Với tỷ lệ thanh niên trong vùng thất nghiệp hơn 50%, nhiều người dân hy vọng chính sách ưu đãi phát triển năng lượng xanh quốc gia này sẽ không chỉ tháo gỡ cho những gia đình đang gặp khó khăn về kinh tế, mà còn thu hút các công ty đến từ mọi miền trên đất nước Italy cùng nhà đầu tư đa quốc gia sẽ đến Sardinia đầu tư, tạo ra công ăn việc làm.

Nhưng theo một số tổ chức hoạt động hỗ trợ phát triển nông thôn, vấn đề đã nảy sinh khi cho đến nay địa phương được hưởng rất ít lợi ích từ các công ty năng lượng. Nhiều doanh nghiệp đang bị cáo buộc lập khống các quỹ. 

Công tố viên Sardinia, ông Mauro Mura từng cảnh báo, mafia đang xâm nhập vào ngành công nghiệp năng lượng sạch, làm tê liệt các nhà máy sản xuất năng lượng tái sinh để kiếm lợi lớn từ các khoản trợ cấp dành riêng cho nông dân, trong khi không hề sản xuất bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào.

Theo ông Pietro Porcedda - một nhà hoạt động xã hội, các công ty năng lượng Trung Quốc đã đút túi lợi nhuận 20 năm từ chính sách trợ cấp và bán năng lượng cho Tập đoàn Enel. “Thay vào đó tiền ra khỏi đất nước, nó không hề được tái đầu tư ở đây. Và 60 chỗ làm việc từng hứa với chúng tôi? Chỉ có 4 người đang được làm việc ở đấy”, ông Porcedda cho biết thêm.

Có sự “nhúng tay” của mafia

Cơ quan thực thi pháp luật của Liên minh châu Âu (Europol) đã nêu những mối quan ngại vào năm 2013 rằng: “Mafia Italia đang đầu tư ngày càng nhiều vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là các trang trại điện gió, để kiếm lời từ các khoản tài trợ tài chính của Liên minh châu Âu cho các nước thành viên, cho phép chúng rửa tiền bẩn vào các hoạt động kinh tế hợp pháp” - nội dung được đưa ra trong báo cáo của Europol sau khi cơ quan này phân tích các hoạt động tài chính của 4 băng nhóm mafia Italia. 

Đầu năm 2015, chính phủ Italia đã tịch thu được số tài sản của mafia lớn nhất trong lịch sử, trong đó có hàng chục công ty năng lượng tái tạo với tổng trị giá hơn 1,6 tỷ USD. Trước đó, cảnh sát Italia cũng đã tịch thu khối tài sản khổng lồ trị giá đến 1,9 tỉ USD từ doanh nhân Vito Nicastri (57 tuổi), hay còn gọi là “Vua năng lượng gió”.

Ông ta thâu tóm được một trong những lãnh địa năng lượng gió và mặt trời lớn nhất Italia. Khối tài sản khổng lồ của “Vua gió” Nicastri - bao gồm 46 công ty, hàng chục tài khoản ngân hàng, nhiều biệt thự hoành tráng, du thuyền và siêu xe. Theo cáo buộc của cảnh sát, khối tài sản khổng lồ của Vito Nicastri có được là do thực hiện các vụ tống tiền, buôn bán ma túy, và làm ăn bất hợp pháp với trùm mafia Matteo Messina Denaro.

Các công tố viên Italia hiện đang nỗ lực điều tra sự dính líu của mafia trong các dự án năng lượng tái tạo từ đảo Sardinia đến vùng Apulia miền Nam Italia. Công tố viên Teresa Maria Principato cho biết: “Băng đảng Cosa Nostra đang cố gắng thu thập kiến thức về các lĩnh vực mới như là năng lượng tái tạo đang trở thành ngành kinh doanh lợi nhuận cao do được nhà nước trợ cấp. Mafia đang phủ trùm bóng tối lên công nghiệp năng lượng tái tạo của chúng ta”.

Do khu vực năng lượng tái tạo đòi hỏi phải có kiến thức khoa học cao cho nên mafia chủ yếu chỉ đóng vai trò trung gian trong bóng tối - tổ chức các hợp đồng, tìm mua đất, lo liệu các giấy phép cần thiết từ chính quyền cũng như tranh thủ các hợp đồng xây dựng. Kết quả là, sự dính líu của mafia trong khu vực kinh tế năng lượng sạch đã ngấm ngầm phá hoại sự cạnh tranh hợp pháp.

Ngoài ra, theo các công tố viên, mafia còn lợi dụng môi trường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch để rửa tiền bẩn thu được từ các nguồn bất hợp pháp khác như là buôn lậu ma túy và vũ khí. “Mafia đang làm bại hoại nền kinh tế Italia bằng việc xâm nhập vào các doanh nghiệp hợp pháp, làm thị trường trở nên kém minh bạch hơn và tạo nên một môi trường tham nhũng cho giới quan chức” - Michele Polo, Giáo sư kinh tế học Đại học Bocconi ở thành phố Milan, nhận định.