Đào “quan chức”

ANTĐ - Có nhiều cách chơi đào, song chẳng có cách nào giống cách nào. Người duy tâm mà chơi đào thì coi cây đào thế vận mệnh nằm ở trong đó.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Ông Đỗ Văn Hà, nhà ở cụm 4, phường Nhật Tân, là chủ vườn đào lâu năm cho biết: “Hầu hết những cây đào thế loại “hoành tráng” đều đã có chủ từ những năm trước. Khách chơi có người mua đứt, có người thuê, song những ai đã “chung thân” với cây nào rồi thì Tết đến họ lại muốn có cây mình đã từng chơi…”

Mỗi gốc đào thế ông Hà cho thuê từ 5-10 triệu đồng một vụ Tết

Nói thế không cũng không phải là tất cả, bởi có người thì thích đổi thay, xuân này chơi cây lớn, xuân sau chơi thế đào khác. Nghề trồng đào cổ thụ hay nghề chơi cây cảnh cũng giống như làm dâu trăm họ. Chủ vườn phải bằng mọi cách sao cho vừa lòng người chơi thì mới kiếm ăn được từ nghề mình làm. Chính vì sự khó tính và kỳ công của nhiều người chơi, mà ông Hà hay những người trồng đào thế đều vất vả.

Vườn đào nhà ông Đỗ Văn Hà có khoảng 50 gốc, từ đào thất thốn đến đào cổ thụ. Cây nào giá cũng cao ngất. Nhưng mấy năm nay, không mấy khi bị ế ngay cả cây đào giá mới nghe thôi người dân bình thường cũng thấy “chóng mặt”. Bởi vì 70- 100 triệu đồng chi cho một gốc đào chơi Tết thì không phải ai cũng dám bỏ tiền ra chơi. Ông Hà bảo, nhìn chung những gốc đào này lại có thị trường riêng, đó là các “đại gia” không mê đào nhưng muốn mua đào để làm quà biếu tặng.

 Vườn đào Nhật Tân có một số cây đào đặc biệt. Đó là cây đào mà ông Hà gọi là đào “quan chức”. Bởi người chơi từ một tỉnh ở miền Trung, nhân một dịp Tết cách đây 4 năm chơi đào của ông thì sau đó đã gặp may mắn, được thăng chức và chuyển ra Hà Nội nhận nhiệm vụ ở vị trí cao hơn. Từ thú chơi đào và sự trùng lặp ngẫu nhiên nào đó, bỗng  cây đào đã trở thành “vị thần may mắn” đưa chủ nhân thuê nó lên ngôi vị mới. Thế nên đã có những người vốn đã duy tâm họ càng duy tâm hơn, bởi nhiều người thường hay quan niệm về điều may mắn xuất phát từ thú chơi hợp mình.

Một cây đào đã có chủ nhân "chung thân" từ nhiều Tết nay

Nghề chơi cũng lắm công phu. Vì đam mê hay vì lẽ riêng nào đó. Người chơi và người trồng đào đều trở thành “nô lệ” của nó. Ông Hà bảo: “Vị khách này thăm hỏi cây đào còn hơn cả người thân. Cắt tỉa theo kiểu gì cũng đều phải chịu sự chỉ đạo của ông hết. Có lần một cành nhỏ bị khô lá, chủ nhân trách móc tôi đến khổ”. Những khách chơi đào theo kiểu duy tâm bây giờ không phải là hiếm. Là cây nhưng người chơi coi tương đương như con người. Họ quan niệm cây chơi xuân mà khô héo thì coi như sự đen xui. Chính vì thế mà chủ vườn đã “dính” vào những vị khách kỹ tính như này cũng không phải là sướng, song chỉ vì kèo với khách rồi thì phải theo lao mà thôi.

Thuê đào thế

Đào “quan chức” ảnh 3
Những gốc đào rừng cổ thụ tràn về sẽ làm đồng hóa dào Nhật Tân  xịn


Thuê đào chơi Tết thành trở thành nghề từ vài năm gần đây. Chứ trước đây, hiếm khi ai bỏ tiền ra thuê cái đẹp thì giờ đây chủ yếu cách này là phổ biển ở vườn đào vào mỗi dịp Tết. Từ dịch vụ thuê đào đã nảy sinh ra nhiều cách gian lận khác nhau gây tiếng xấu cho thú chơi đào Tết. Nhiều chủ vườn đào đã hợp đồng giá với khách thuê hoặc bán đứt. Khi chơi hết Tết chủ cây gửi về vườn chăm sóc lấy công, nên đã sinh ra những thủ thuật không đáng có từ một số chủ vườn. Ví như cây đào thế đã có khách thuê rồi, nhưng có vị khách khác trả giá tươm hơn thì chủ vườn tự ý “nhượng” lại cho vị khách mới. Sau đó tìm những lý do thương lượng hoặc thuyết phục chủ nhân cũ chuyển thế khác, cây khác. Chính vì vậy, đã có những người thuê cẩn trọng hơn, họ đã thuê rồi thì nếu có chuyện cây chết hoặc đổi thế phải báo chủ nhân thuê nó đến để kiểm chứng. Người cẩn thận hơn còn chụp ảnh cây mình chơi đối chứng để tránh tình trạng báo mất trộm hoặc đào chết đột ngột.

Một gốc đào "đại" cổ thụ được ông Hà ghép rất công phu

Xu hướng thuê đào, chơi đào cổ thụ ở Nhật Tân mấy năm trở lại đây gần như trở thành cơn lốc “thu phục” đào rừng từ miền núi về Hà Nội. Bởi ở Nhật Tân, để có được cây đào Nhật Tân “xịn” thành cổ thụ là đáng quý, song xu thế của thị trường lại không cho phép người trồng đào dồn công sức thời gian dài mà hiệu quả ít. Điều đó có thể thấy được những vườn đào Nhật Tân bạt ngàn những gốc đào rừng cổ thụ đang được ươm trồng để lấy thân ghép thế. Cuộc xâm thực của đào ngoại lai giờ đây đang dần đồng hóa và làm mất đi những vườn đào Nhật Tân chính hiệu. Và những cây đào cổ thụ trên rừng đưa về Nhật Tân cũng chỉ mang theo trên mình một đoản mệnh trên ở vùng đất mới lạ mà thôi.

  (Còn nữa...)