Đảo Okinawa của ai?

ANTĐ - Trong bài báo được đưa lên tờ People's Daily (Nhân dân nhật báo) của Trung Quốc ngày 8-5, hai học giả Trung Quốc đã viết, “bây giờ là thời điểm thích hợp để xem xét lại vấn đề lịch sử chưa được giải quyết đối với quần đảo Ryukyu" - cách gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Okinawa của Nhật Bản!?
Đảo Okinawa của ai? ảnh 1
Máy bay của quân đội Mỹ cất cánh từ căn cứ trên đảo Okinawa


Senkaku chưa đủ, thêm Okinawa

Bài báo với nội dung nên xem xét lại chủ quyền của Nhật Bản trên đảo Okinawa, nơi Mỹ xây dựng căn cứ quân sự lớn, cho rằng, Trung Quốc có thể có quyền đối với khu vực Ryukyu, bao gồm cả Okinawa, khi mà hai cường quốc châu Á này vốn đang vướng vào một cuộc tranh chấp về lãnh thổ.

Okinawa là một quận nằm ở cực phía nam của Nhật Bản, bao gồm nhiều hòn đảo. Nơi đây có 1,4 triệu người dân Nhật Bản sinh sống và là nơi đặt tới 3/4 căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, trong đó có nhiều căn cứ không quân và hải quân quan trọng. Mỹ trang bị vũ khí tối tân và quy mô lớn đến mức Okinawa được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm” của Mỹ. Hiện nay, có khoảng trên 50.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở Nhật.

Hai nước đã leo thang “cuộc chiến ngôn từ” liên quan đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong những tháng gần đầy, trong bối cảnh quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang hết sức căng thẳng do những tranh chấp về chủ quyền tại đây. Các tàu lớn của Bắc Kinh thường xuyên có mặt, tuần tra quanh khu vực quần đảo Tokyo đang kiểm soát, gây sự lo ngại về khả năng bùng nổ xung đột vũ trang.

Đặt vấn đề về quyền của Nhật Bản đối với Okinawa có thể nhằm mục đích nâng cao vị thế của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp đang diễn ra trên Biển Hoa Đông, ông Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Hồng Kông cho biết. “Tôi nghĩ rằng đây là chiến tranh tâm lý”. Ông nói thêm: “Điểm chính là gây áp lực đối với Tokyo để chính quyền Nhật Bản buộc phải có những nhượng bộ đối với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư”, ông Willy Lam nhận định.

Đây không phải lần đầu tiên phía Trung Quốc lớn tiếng đòi chủ quyền trên khu vực này. Có điều, động thái lần này được cho là hành động đáp trả lại việc Mỹ ngày càng tỏ ý ủng hộ Nhật Bản hơn trong các tranh chấp xung quanh Senkaku bằng những tuyên bố cụ thể.

Nhật Bản nổi giận 

Ngay ngày hôm sau 9-5, Nhật Bản  đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Phát ngôn viên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản - Chánh văn phòng nội các Nhật  Bản - Yoshihide Suga đã bày tỏ sự tức giận, miêu tả bài báo đó là “thiếu suy nghĩ”. Khẳng định hòn đảo này thuộc chủ quyền của Nhật Bản, Tokyo đã bày tỏ lập trường chính thức của nước này với Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao chính thức. 

Tokyo tuyên bố sẽ phản đối mạnh mẽ nếu bài báo đó thể hiện lập trường chính thức của Trung Quốc, hãng tin Kyodo cho biết. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã khẳng định, bài báo trên tờ People’s Daily là quan điểm riêng của tác giả với tư cách là nhà nghiên cứu.