Đào nương nhọc nhằn giữ ca trù

ANTĐ - Đào nương, người giữ hồn cho một chầu ca trù thuở trước luôn là người thiệt thòi nhất với những nhìn nhận khắt khe của xã hội. Thời nay, tuy cái nhìn đã khác trước, ca trù nhận được nhiều sự quan tâm và đánh giá tốt hơn nhưng các ca nương vẫn chịu thiệt thòi, theo nghề mà không thể sống bằng nghề. 

Theo ca trù thì mất nhiều thứ khác

Hơn chục năm làm đào nương ở CLB ca trù Hà Nội, Ngọc Hân được xếp vào hàng kỳ cựu trong giới ca nương. Chị đã chứng kiến sự thay đổi của ca trù trước và sau khi được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Nhưng cho đến nay, sau 3 năm ca trù được công nhận, đào nương Ngọc Hân lại phải sống bằng nghề bốc thuốc Đông y và bấm huyệt. Nguồn thu nhập từ nghề này đủ giúp chị trang trải cho cuộc sống gia đình thời khủng hoảng kinh tế. Thế nhưng, chị không thể bỏ ca trù bởi cái nghiệp đã ăn vào máu và truyền thống gia đình mấy đời nay. Mỗi lần đi biểu diễn, chị buộc dừng lại toàn bộ công việc với thu nhập kha khá để đổi lấy vài đồng tiền thù lao ít ỏi. Ngọc Hân tâm sự, nhọc nhằn của nghề đào nương không được trả giá xứng đáng với công sức bỏ ra, “đi hát ca trù mất rất nhiều thứ”. 

Đấy là với đào nương kỳ cựu còn có nghề “tay phải” để nuôi nghề “tay trái” đằng này, các đào nương mới bước chân vào nghề, ai nấy cũng đều tự biết thân biết phận chuẩn bị cho mình một nghề kiếm cơm, để dựa vào đó mà theo đuổi đam mê ca trù. Và rồi, chính sự không toàn tâm toàn ý học tập và trau dồi đã khiến cho những cuộc biểu diễn ca trù thời gian gần đây xuất hiện tình trạng hát chưa đúng, làm sai lệch nguyên bản vốn di sản của ông cha. Nhưng điều nguy hiểm hơn cả, đào nương không chuyển tải được hết cái đẹp của ca trù với giọng hát không được trau dồi và làm người nghe nhanh chóng thấy nhàm chán. Vì thế, việc đầu tư cho ca trù mà đặc biệt là các ca nương đã trở nên bức thiết và là cuộc chạy đua với thời gian với sự thưa vắng dần các nghệ nhân dân gian. 

“Có thực mới vực được đạo”

Cho dù, nghề ca nương không thể nuôi sống bản thân nhưng ca trù vẫn tìm thấy một thế hệ kế cận. Đó là con cháu các nghệ nhân, học sinh các đào nương sau một thời tìm hiểu và yêu mến ca trù đã tình nguyện xin làm người hát. Đặc biệt, CLB ca trù làng Chanh Thôn, Phú Xuyên, Hà Nội được sự đầu tư của Quỹ Ford đã thu hút được lượng lớn các em từ 13 đến 14 tuổi tham gia. Nhưng không phải CLB ca trù nào cũng may mắn như vậy, phần lớn những người đến với ca trù hiện nay đều tự bỏ tiền túi để học và biểu diễn. Số lượng người rơi rụng dần với nghề đào nương cũng chiếm một lượng không nhỏ. Vì thế, nguồn kinh phí đào tạo và tạo ra một thu nhập ổn định cho các đào nương mới đủ sức giữ chân họ ở lại với nghề một cách toàn tâm toàn ý. 

Như cái vòng luẩn quẩn, các CLB ca trù tìm mọi cách để bán vé các buổi biểu diễn, tạo nguồn thu cho đào nương nhưng lại yếu trong khâu tổ chức quảng bá nên khán giả đến thưởng thức ca trù rất ít ỏi làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những người làm nghề ả đào. Theo ca nương Phạm Thị Huệ, CLB ca trù Thăng Long do chị làm chủ nhiệm hàng tuần vẫn tạo ra một địa chỉ quen thuộc với người yêu mến bộ môn nghệ thuật này tại số nhà 87 Mã Mây nhưng có những buổi chỉ bán được một vé duy nhất, CLB vẫn tổ chức biểu diễn. Vậy thử hỏi, người làm ca trù mà đặc biệt là các ca nương còn có vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình lấy đâu ra nhuệ khí để tiếp tục cống hiến với nghề nếu như không có một Mạnh Thường Quân “chống lưng”. 

Bản thân đào nương Phạm Thị Huệ đang tham gia rất nhiều các dự án nghệ thuật có sự kết hợp giữa nghệ thuật đương đại và ca trù để tìm nguồn thu nhập và tạo ra các mối quan hệ rộng rãi, đưa các thế hệ kế cận của ca trù tiếp tục gìn giữ và phát huy nghệ thuật ca trù. Cũng giống như các bộ môn nghệ thuật khác, ca trù cần sự hỗ trợ của nhà nước để những người làm nghề yên tâm với nghiệp theo đuổi. Bởi “Có thực mới vực được đạo”, nếu cứ nói bảo tồn và phát huy mà không có thực lực thì các nghệ nhân, các ca nương cũng không có đủ sự kiên nhẫn để truyền dạy và học hỏi. 

Liên hoan ca trù Hà Nội 2012

Nhằm kiểm kê và bảo tồn các làn điệu ca trù Hà Nội cổ thuộc các loại hình Hát thờ, Hát cửa đình, Hát cửa quyền và Hát ca quán đang có nguy cơ bị mai một, Liên hoan ca trù Hà Nội năm 2012 diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-12 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với sự tham gia của CLB ca trù Hà Nội, CLB ca trù Lỗ Khê, CLB ca trù Thăng Long, CLB ca trù Chanh Thôn, CLB ca trù Thái Hà. Bên cạnh việc biểu diễn các làn điệu ca trù cổ, liên hoan lần này còn giới thiệu tới công chúng lớp thế hệ kế cận của các nghệ nhân ca trù, khẳng định các nghệ nhân ca trù đích thực. Đồng hành cùng Liên hoan ca trù Hà Nội 2012 là tọa đàm bàn về các giải pháp để bảo tồn các làn điệu ca trù cổ đất Thăng Long-Hà Nội diễn ra vào chiều 21-12.