Đào nương cuối cùng của giáo phường ca trù Khâm Thiên biểu diễn trong "Khúc ca xuân"

ANTD.VN -Năm nay đã 87 tuổi, đào nương hiếm hoi còn sót lại của giáo phường ca trù Khâm Thiên, nghệ nhân Phó Thị Kim Đức rất có thể sẽ có mặt trong chương trình nghệ thuật “Khúc ca xuân”. 

Cầu nối liền mạch của 5 thế hệ ca trù

Nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức có thể coi là đào nương cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên (Hà Nội) xưa. Bà được đào tạo theo đúng lề lối cổ truyền, là chiếc cầu nối liền mạch của 5 thế hệ ca trù liên tiếp trong gia đình, từ thế hệ cụ Trưởng Bảy và Phó Thị Yến với dòng ca trù khuôn ấp nổi danh, đến thế hệ người cha là quản ca giáo phường Khâm Thiên cùng các cô chú trong dòng họ, và thế hệ của bà cùng anh trai, tiếp sau là các thế hệ con cháu được bà truyền dạy trong gia đình, thông qua các lớp học do bà tự tổ chức. Các lớp học này đã được học trò của bà yêu quý đặt tên “Giáo phường Ca trù Kim Đức” với tâm niệm tiếp nối truyền thống gia đình và gìn giữ bộ môn nghệ thuật độc đáo quý giá của Việt Nam. 

Nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức

Với mong muốn giữ lại nghề của cha ông, giữ lại một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, hơn 20 năm qua, bà đã dành thời gian để đúc kết, khuôn khổ và truyền dạy các bài bản ca trù. Sự ra mắt của giáo phường ca trù Kim Đức với tên gọi “Kim Đức ca quán” đặt tại 21/52 Tô Ngọc Vân – Quảng An –Tây Hồ - Hà Nội, có thể coi như nhà hát ca trù chuyên nghiệp đầu tiên tại Hà Nội, được tạo dựng bởi NSƯT Phó Thị Kim Đức với sự tài trợ của Cty TNHH Sân khấu Việt và nghệ sỹ Nguyễn Nhất Lý. Chương trình biểu diễn ca trù “Khúc ca xuân” được coi như dấu mốc đầu tiên trong năm 2018 của giáo phường ca trù Kim Đức.

Hát và biểu diễn ca trù theo lề lối cổ truyền

Nghệ sỹ Nhất Lý đã dành riêng cho “nhà hát ca trù” một không gian cổ xưa. Ở đó, chỉ có ánh đèn dầu lờ mờ trong mỗi đêm diễn, tiếng tom chát và tiếng ca trù hòa quyện trong các khúc ca mùa xuân. Trong không gian ấm áp đó, khán giả sẽ như trở về Hà Nội của những năm đầu thế kỷ 20. Các học trò của nghệ nhân Kim Đức sẽ biểu diễn hát lót cửa đình, hát Bắc Phản, hát nói, hát mưỡi, ngâm thơ cổ… Điểm chung trong những tiết mục ấy là sự khuôn thước, chuẩn mực, được nghệ nhân Kim Đức truyền dạy cho các học trò theo đúng lề lối xưa. BTC chương trình cho biết, dự kiến, nghệ nhân Kim Đức sẽ trực tiếp biểu diễn tuy vậy, điều này còn phụ thuộc vào sức khỏe của bà.

Đêm diễn "Khúc ca xuân" sẽ mở cửa chào đón những người yêu mến ca trù

Nghệ nhân Kim Đức là con gái quản ca Phó Đình Ổn của giáo phường ca trù Khâm Thiên nức tiếng Hà Nội đầu thế kỷ 20. Bà bắt đầu học hát từ năm 7 tuổi, đến năm 13 tuổi bắt đầu ra nghề. Thời chiến tranh loạn lạc, ca trù không còn đất sống, Kim Đức phải vất vả tìm nghề mưu sinh. Năm 1960, bà được nhận vào làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, trở thành nghệ sĩ có giọng ngâm thơ và hát chèo quyến rũ được nhiều người nghe đài ái mộ. Dù vậy, ít ai biết Kim Đức có gốc gác ca trù cha truyền con nối.

Đêm diễn mở cửa tự do

Sau khi về hưu (năm 1986), bà trở lại với ca trù, dành nhiều thời gian nghiền ngẫm tư liệu. Nghệ nhân từ chối mọi lời mời giảng dạy và biểu diễn “cấp tốc” vì cho rằng việc học ca trù cần nhất cái tâm sáng và sự kiên trì khổ luyện, không lướt nhanh, học ẩu. Để khỏi thất truyền, bà chỉ nhận dạy một vài học trò và phần lớn trong số ấy đều là con cháu trong gia đình bà. Nghệ nhân Kim Đức hy vọng, khi nhà hát ca trù đã đi vào hoạt động thường xuyên, giáo phường Kim Đức sẽ có thể tổ chức những buổi biểu diễn ca trù mà ở đó, người nghe sẽ đến mua và đặt thẻ tre thưởng, theo đúng cách mà các ca quán ca trù ngày xưa đã làm. 

Tại đêm diễn “Khúc ca xuân” diễn ra vào tối ngày 20-1-2018, giáo phường ca trù Kim Đức sẽ mở cửa chào đón những người yêu mến nghệ thuật ca trù.