Đạo làm người

ANTĐ - Rèn luyện đạo đức là một việc làm suốt đời, từ thuở lọt lòng mẹ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Các cụ có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Người xưa đưa con đến nhà thầy đồ cũng chỉ “xin mấy chữ cho cháu nên người”. Sách mở lòng “Tam tự kinh” ví trẻ như hòn ngọc còn thô ráp phải được mài giũa mới thành ngọc đẹp. Bác Hồ đã dạy: “Chỉ có người còn trong bụng mẹ và người chết mới hết khuyết điểm” cho nên phải luôn luôn soi mình. Thế mà nhiều khi ta vô tình dạy trẻ những điều xấu lại cho là hay.

Một bà nội nựng cháu, mắng yêu: “Cha bố con chó con này…”. Đứa trẻ hồn nhiên bắt chước bà: “Cha bố bà chó con này…”. Cả nhà cười hể hả, tán thưởng cháu giỏi. Cháu chạy chơi ngã đau, bà ôm cháu rồi vờ đập đập xuống đất mắng: “Cái đất này làm ngã cháu bà, bà phải đánh chết mày”. Cháu chẳng nghĩ lỗi tại mình mà đổ tại người khác. Cứ thế thói xấu “chẳng đổi” thấm dần vào cháu bé thành một nếp khó sửa. Ngày nay người ta đã nhận thấy sự ấu trĩ đó mà loại bỏ. 

Nhà trường đang thực hiện một nhiệm vụ cao quý: “Tiên học lễ…”. Các cô giáo, những người mẹ hiền mang tâm huyết để dạy cho con trẻ chúng ta học ăn, học nói… học kính trên nhường dưới, biết yêu thương, nhường nhịn nhau, biết đến công ơn của ông bà, cha mẹ và mọi người đã cho ta cuộc sống như hiện nay. Rất tiếc một số người còn coi nhẹ… 

Bác lao công mở rộng cổng trường cho các cô cậu học sinh đi lại dễ dàng, đáng lẽ phải nói lời cảm ơn thì lại bị nhìn bằng con mắt coi thường. Thậm chí đến các bậc già lão, người cao tuổi, những điều bình thường đó cũng không nhớ. Cụ lên xe đông hành khách, các cháu thanh niên nhường chỗ cho cụ ngồi. Đáng lẽ cụ phải nói lời cảm ơn thì cụ lại nghĩ đó là quy định, mình được thế không cần cảm ơn ai. Cụ có biết đâu, trên xe khách thì mọi người bình đẳng. Các cháu vì đạo lý mà nhường thuận lợi cho người già. 

Vì coi thường những điều đạo lý nho nhỏ ấy mới dẫn đến những bạo lực trong nhà trường, bạo lực gia đình, bạo lực đường phố làm nhức nhối xã hội. Tất cả những nét đẹp văn hóa, những tấm gương đạo đức đang diễn ra hàng ngày hàng giờ ở khắp mọi nơi. Đó là những điều rất đáng mừng. Chúng ta cần nắm bắt lấy nó, xây đắp cho nó bền vững. Biến nó thành lẽ sống thường trực ở mỗi chúng ta, xã hội ta sẽ mãi là một vườn hoa sắc màu đẹp của mùa xuân, nếu chúng ta rèn tốt “đạo làm người”.