Đạo diễn Việt Tú sợ nhất là khái niệm nghỉ hưu

ANTĐ - Chỉ cần gọi tên những chương trình nghệ thuật đình đám như: Nhật thực I, Bữa tiệc của các tín đồ, Tổng đạo diễn hình ảnh cho SEA Games 22, Đạo diễn sân khấu “Sao Mai điểm hẹn”, Con đường âm nhạc, Đẹp Fashion Show, Đạo diễn Hoa hậu Việt Nam 2010, Đại nhạc hội “Lung linh sắc Việt”, Series “Không gian âm nhạc” (Music Space)… đã đủ để minh chứng độ “hot” của đạo diễn Việt Tú. Một ngày đầu tháng 10, 22 câu hỏi được đặt ra để khám phá “gã” đạo diễn ưa phá cách này. 

1. Người nghệ sỹ tồn tại được trong lòng khán giả phụ thuộc vào điều gì?

- Vào chính người nghệ sỹ đó. Danh tiếng, hình ảnh của một người nghệ sỹ không chỉ được xây dựng qua một chương trình, một tác phẩm thành công, mà nó đòi hỏi cả một quá trình vận động và thành công liên tục và… liên tục.  

2. Quan điểm làm việc của anh?

- Làm hết sức, chơi hết mình và hưởng thụ cuộc sống tối đa có thể. Tôi đã từng là người nghĩ mình có thể chết vì công việc. Nhưng cuối cùng tôi phát hiện ra rằng, đối với con người ta không bao nhiêu là đủ, nếu không hưởng thụ cuộc sống ngay từ khi còn trẻ, thì đến già những điều đó phỏng có ích gì. Tôi ước mơ mình đủ sức khỏe và minh mẫn để làm việc và đi đây đi đó đến lúc chết, vì tôi sợ nhất là khái niệm nghỉ hưu.

3. Anh ra - vào thế giới nghệ thuật hào nhoáng, làm thế nào để cân bằng nó với cuộc sống?

- Thực ra, sự hào nhoáng là một phần của công việc mà tôi đang làm. Có nhiều người nói rằng nhìn tôi trên báo và ngoài đời (những lúc tôi không làm việc) không có gì liên quan tới nhau cả. Có những người gặp tôi trong bộ dạng quần sóc, áo phông, đi dép lê ăn phở vỉa hè hàng sáng ở khu phố cổ nói với tôi rằng tôi trông giống một ông đạo diễn nào đó “cao to” (Cười), mặc một bộ vest rất đẹp trên một tờ tạp chí lớn, nếu quả thực như vậy tôi nghĩ mình đã thành công trong việc tách bạch  con người của cuộc sống và công việc thành hai cá thể riêng rẽ.

4. Chừng 5, 6 năm trước anh có nói rằng chưa cần căn ke đến chuyện cơm-áo-gạo-tiền; còn bây giờ đã cảm thấy cần thật nhiều tiền để thỏa chí làm nghệ thuật hay chưa?

- Không căn ke và không cần là hai khái niệm khác hẳn nhau. Trong con người tôi chưa bao giờ mất đi động lực làm việc để có được một cuộc sống đàng hoàng nhờ công việc của mình. Tôi có một nhu cầu hưởng thụ cuộc sống có thể nói là lớn, và tôi làm việc cật lực cho những nhu cầu đó để không phải dựa dẫm xin xỏ ai cả.

5. Và vẫn thích được khen, mất ngủ vì bị chê?

- Trong nghệ thuật, quan trọng nhất là phải có cảm xúc, khi vẫn còn vui buồn với những lời khen chê nghĩa là lúc đó những cảm xúc vẫn còn sống trong bạn. Sợ nhất là vô cảm, hay cũng không vui, mà dở cũng không buồn. Lúc đó làm cái gì cũng tệ hại lắm. Tôi chưa bao giờ tìm cách giấu đi cảm xúc vui buồn của mình, chỉ cố gắng kiểm soát để nó không ảnh hưởng tới kế hoạch đường dài của mình thôi.

6. Sau những chương trình nghệ thuật anh hay rơi vào tâm trạng nào?

- Tôi có một người bạn trong công việc, mà ở ngoài đời tôi coi như một người anh. Tôi học được ở anh ấy rất nhiều, mà điều cơ bản nhất, là phải bình thản trước mỗi thành công, bình thản thực sự, có như vậy thì khi thất bại đến, mình cũng mới đủ bình thản để đối diện và vượt qua nó. Tôi vui sướng và hạnh phúc mỗi khi hoàn thành một công việc mà khách hàng tin tưởng, vì lúc đó tôi biết mình sẽ có được một cơ hội tiếp theo. Mỗi khi bắt tay vào một dự án mới, tôi luôn coi mình là một người mới đang đối diện với những thách thức và vận hội mới.

7. Anh đã bao giờ “đánh bạc” với công việc của mình?

- Không nên đẩy bản thân, khách hàng, ê-kíp của mình vào tình trạng 5 ăn 5 thua. Tôi luôn cố gắng kiểm soát tối đa những gì rủi ro có thể xảy ra với một chương trình.  

8. Anh nói cách anh sống là không bao giờ để bị “rơi” trong mọi thứ: công việc, gia đình, bạn bè… Nói là vậy nhưng không dễ, thực lòng anh đã từng “rơi” hay mất niềm tin?

- Chính vì đã từng “rơi” nên tôi hiểu được giá trị của những giá trị anh đã nêu trong câu hỏi này. Đối với tôi, khoảng thời gian khủng hoảng đó thực sự đáng nhớ, tôi học được nhiều điều cơ bản, căn cốt của cuộc sống từ thời gian này.

9. Anh có phải là mẫu đàn ông toan tính?

- Sống ở trên đời nếu không toan tính (theo nghĩa tích cực) sẽ không đi được đường dài, chẳng ai thích sống hay làm việc với một người hồn nhiên, vô tổ chức cả.

10. “Việt Tú” giờ đây như một giấy thông hành bảo đảm cho sự thành công của những chương trình nghệ thuật lớn, anh có ngại khi chia sẻ bí kíp?

- Cám ơn đã cho tôi biết điều này, tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó, trong trường hợp này, cái tên mang lại cho tôi cả niềm “Tự hào” lẫn “Sức ép”. Tôi luôn cố gắng hướng đến hai chữ “Thành công” vì tôi hiểu đó là cơ hội duy nhất để có thể đi tới tận cùng những ĐAM MÊ trong công việc và cuộc sống.

11. Nghệ thuật - Thương mại - Cuộc sống: 3 phạm trù trên va đập vào bản thể anh ra sao?

- Không nên phân biệt giữa Nghệ Thuật và Thương Mại, vì đây là hai yếu tố không thể tách rời. Nhưng nên tách bạch giữa Nghệ Thuật và Cuộc sống thực tế, vì không thể có một cuộc sống yên bình nếu mang công việc vào cuộc sống riêng của mình. Tôi rất sợ những người mà nghệ sỹ tới mức mặc kệ những người xung quanh trong đó có cả những người thân yêu nhất chỉ để chìm đắm trong thế giới của riêng mình.

12. Con người anh có sự nhượng bộ trong nghệ thuật?

- Nói đúng hơn là sự “hợp lý”, kinh nghiệm dạy cho tôi thấy rằng, nếu muốn thành công thì cần đặt mình vào vị trí đối tượng mà mình sẽ phục vụ ở đây là khách hàng và khán giả. Nghệ thuật sẽ không có ý nghĩa gì nếu bạn làm ra thứ nghệ thuật đó chỉ dành cho riêng mình.

13. Hãy kể về sự lãng mạn trong cuộc sống của anh?

- Tôi đã từng tiêu đến đồng tiền cuối cùng mình kiếm được vào những chuyến đi rong ruổi khắp nơi trên thế giới chỉ để đổi lấy vài chục phút được xem những vở diễn nghệ thuật để biết mình thực sự là ai trong thế giới rộng lớn này. Tôi không biết phải định nghĩa điều đó là gì và cũng không dám đặt ra những tên gọi cao siêu cho những khoảng khắc đó. Tôi chỉ luôn cố gắng sống hết mình với bản thân và công việc.

14. Điều gì trong cuộc sống “đánh” mạnh nhất vào tiềm thức của anh?

- Sự trung thành. Tôi luôn đánh giá cao điều này và luôn mong muốn điều đó ở những người thân xung quanh mình.

15. “Chẳng có gì vĩ đại trên thế gian này lại có thể được làm nên nếu không có lòng đam mê, anh nghĩ sao?

- Không có gì trên đời này lại đến một cách dễ dàng cả. Vì vậy, ĐAM MÊ, theo quan điểm của tôi cũng là một hình thức thử thách dành cho những người được sinh ra với một số phận để tạo ra một điều gì đó đặc biệt hoặc vĩ đại.

16. Khoảnh khắc quyết định thay đổi cuộc đời anh ở đâu?

- Tôi nghĩ có lẽ đó là khoảnh khắc mà mẹ tôi đưa ra quyết định rằng: Tôi không thể đi buôn xe máy với bố tôi được, cũng không thể vào làm diễn viên của đoàn múa rối nước chỗ mẹ tôi được mà “phải” vào học trường Sân khấu Điện ảnh cho dù có phải là sinh viên dốt nhất. Tôi nghĩ mình luôn phải cảm ơn mẹ vì quyết định này.

17. Câu nói: “Sự tinh tế sẽ đến từ những điều giản dị nhất” của anh, phải chăng sự đơn giản đã trở thành kinh điển trong nghệ thuật?    

- Chúng ta không được quên, mọi sản phẩm xa xỉ phẩm tinh tế nhất trên thế giới từ quá khứ đến hiện tại đều được đóng mác “Handmade” (thứ công cụ đơn giản nhất) nếu đem so với những thứ máy móc được lập trình tinh xảo nhất trên thế giới này.

18. Để đi đến thành công, anh đã phải đánh đổi hay trả giá những gì?

- Tôi chưa phải đánh đổi hay trả giá bất kỳ điều gì cho những thành công đã đạt được. Và tôi cảm thấy mình may mắn vô cùng về điều đó.

19. Nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người Italia Alberto Moravia nói rằng: “Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải là điểm đến”; anh đã bao giờ nghĩ tới đích trên con đường đã chọn?

- Chỉ tới khi bạn dừng lại bạn mới biết mình thực sự đã và đang ở đâu trên con đường của mình. Tôi không bao giờ định ra đích đến cho mình mà chỉ cố gắng đi được xa nhất trên con đường mà mình đã chọn.

20. Trò chuyện tôi thấy anh hay trích dẫn các điều răn dạy của đạo Phật, anh tìm thấy trong đấy những gì cho bản thân mình?

- Đến được với đạo Phật đối với tôi là một cơ duyên. Về bản chất, tôi nghĩ mình sinh ra đã là một Phật tử rồi chứ không phải chờ tới lúc được thầy cho lên chùa và làm lễ để nhận Pháp danh. Khi còn bé, bà nội tôi là người dạy tôi rất nhiều về nhân quả, mẹ tôi dạy tôi rất nhiều về đạo lý, về cách cư xử giữa con người với con người. Tôi tin vào nhân quả, và hiểu rằng gieo gì thì sẽ gặt đấy. Tôi tin rằng đạo Phật đã cho tôi cuộc sống này và tôi luôn biết ơn Đức Phật về tất cả những gì mình đang có được.

21. Vậy điều gì sẽ làm nên sự thăng hoa của anh?

- Tôi nghĩ “thăng hoa” được sinh ra một cách tự nhiên chứ không phải theo cách “nhân tạo” .

22. Việt Tú của đời thực đã từng bị đánh gục bởi sắc đẹp và trí tuệ của một cô gái?

- Tôi đã có không chỉ 1 mà 5 người người phụ nữ như vậy xung quanh mình, bà nội tôi (đã mất) là một người phụ nữ đẹp của Hà Nội thời Pháp thuộc; mẹ và vợ tôi là hai người phụ nữ mà nếu không có sự chăm sóc và giúp đỡ của họ chắc chắn tôi sẽ không thể có được ngày hôm nay. Hai cô con gái tôi là những món quà mà tạo hóa đã ban tặng. Tôi nghĩ mình không có lý do gì để không hài lòng về những gì mình đang sở hữu.