Đạo diễn trẻ loay hoay tìm cơ hội

ANTĐ - Mỗi năm, trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho “ra lò” hàng chục đạo diễn kể cả chính quy và tại chức. Đó là chưa kể đến con số tương tự từ các trung tâm đào tạo nghệ thuật với những lớp học nghề đạo diễn. Tuy nhiên, ngoại trừ một số tân đạo diễn là “con nhà nòi” ngay sau khi tốt nghiệp đã được thử sức tại các Đài truyền hình hay các hãng phim lớn nhỏ, số còn lại vẫn loay hoay tìm cơ hội làm phim.

Vũ Lâm đã tự mày mò và tìm được chỗ đứng riêng cho mình trên con đường

trở thành đạo diễn

Hiền Ly là cựu sinh viên lớp Đạo diễn truyền hình K30 - trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Vì quá yêu thích những bộ phim của đạo diễn người Hồng Kông (Trung Quốc) - Châu Tinh Trì mà cô gái cá tính này đã quyết tâm thi đỗ vào lớp đạo diễn để nuôi mộng trở thành một đạo diễn của những bộ phim mang phong cách riêng. 

Sau 4 năm đại học, dù tốt nghiệp với tấm bằng khá nhưng Hiền Ly vẫn không tìm được công việc phù hợp với chuyên môn của mình. Để khỏi quên nghề, Hiền Ly đi theo các đoàn làm phim để làm thư ký trường quay hoặc công việc biên tập viên truyền hình. Dù đó không phải công việc đúng với chuyên môn nhưng Ly vẫn cho rằng mình là một người may mắn vì: “Ít ra mình vẫn được làm nghề, còn nhiều người sau khi tốt nghiệp không biết làm gì đã phải rẽ sang một hướng hoàn toàn khác”.

Hiền Ly không phải là trường hợp cá biệt của những sinh viên chuyên ngành đạo diễn của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có tâm trạng hoang mang bởi không biết bản thân mình sẽ chứng tỏ năng lực ở đâu. Trừ một số ít đạo diễn trẻ cá tính và tài năng đã khẳng định được bản lĩnh và tư duy nghệ thuật ngay khi còn học ở trong trường thì phần nhiều các đạo diễn trẻ hiện nay sau khi ra trường đều có tư tưởng xin vào các công ty truyền thông để làm những công việc tương tự như nghề đạo diễn.

Trên thực tế, không có một nhà đầu tư nào dám giao phim cho đạo diễn trẻ. Thương hiệu cá nhân luôn là một từ khóa an toàn với các nhà đầu tư và họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mời những tên tuổi như Dũng Khùng hay Victor Vũ chỉ đạo nghệ thuật chứ không thể mạo hiểm với một đạo diễn trẻ chưa có tên tuổi. Vậy thì, cơ hội nào cho những đạo diễn trẻ? 

Rất may, trong thời điểm công nghệ Internet, các nhà làm phim trẻ chỉ cần có một kịch bản, một tư duy mạch lạc, dám nghĩ dám làm và sau đó sẽ chọn cách phát hành phim trên các kênh online. Trên thực tế đã có rất nhiều đạo diễn trẻ thành danh từ việc phát hành những tác phẩm của mình lên kênh Youtube. Có thể kể đến nữ đạo diễn Luk Vân với “Hà Nội, em yêu anh”, đạo diễn Phượng Vũ với “Sao tao gọi mày không nghe máy”, Hoàng Art với “Chát đêm”…

Đạo diễn Vũ Lâm - người từng dàn dựng nhiều sản phẩm video ca nhạc cho các nghệ sĩ nổi tiếng như “Giữ lại hạnh phúc” của Thu Phương, “Phố Không mùa” của Bùi Anh Tuấn, “ Cao nguyên đá” của nhóm Rock Ngũ Cung chia sẻ, vì quá đam mê nên Vũ Lâm đã bỏ ngang khi đang học tại trường Kinh doanh và Công nghệ để theo nghề đạo diễn. Suốt 4 năm đại học, Vũ Lâm đã phải tự lăn lộn mày mò với tất cả các êkip làm phim để được học và làm nghề.

Tuy nhiên, cũng phải sau gần 10 năm theo nghề, Vũ Lâm mới được giới chuyên môn ghi nhận về năng lực sáng tạo và được nhiều khán giả yêu thích những sản phẩm video ca nhạc mà anh thực hiện. Vị đạo diễn trẻ này thừa nhận: “Sau gần 10 năm theo nghề, tôi nhận ra bạn chỉ nên đến với nghề này nếu như bạn yêu nó vô điều kiện và nói thật, nghề đạo diễn chỉ đem lại cho bạn một cuộc sống tạm ổn nếu như bạn không quá tham vọng”. 

Có thể nói, đối với những đạo diễn trẻ, cơ hội không phải không có, chỉ có điều để khẳng định được mình, họ cần phải nỗ lực rất nhiều và quan trọng là kiên định với con đường mà mình đã chọn.