Đạo diễn Trần Văn Thủy: Con người trước tiên phải tử tế

ANTĐ - Đất nước đã trải qua 30 năm đổi mới, bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy cũng ngần ấy tuổi. Sức hấp dẫn của bộ phim không nằm ở thủ pháp nghệ thuật đặc biệt mà nằm ở điều cốt lõi trong mỗi con người, mỗi xã hội, đó là những việc làm tử tế. Nhân dịp này, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả của bộ phim chấn động một thời.

Đạo diễn Trần Văn Thủy: Con người trước tiên phải tử tế ảnh 1Hình ảnh trong bộ phim “Chuyện tử tế”

- PV: Nhớ lại khoảng thời gian chưa kịp gỡ lệnh cấm chiếu “Hà Nội trong mắt ai” , đạo diễn  tiếp tục cho ra mắt bộ phim tài liệu thứ hai “Chuyện tử tế” chấn động không kém. Động lực nào khiến ông tạo ra những “quả bom” như vậy?

- Đạo diễn Trần Văn Thủy: Lời đầu tiên, không phải khách sáo, nhưng tôi xin cảm ơn Báo An ninh Thủ đô đã quan tâm tới đề tài  này. Tôi có cái ngại ngần chính đáng khi nói về bộ phim quá nhiều lần. Bất kỳ cái gì hay đến đâu, hấp dẫn đến đâu nhưng nếu cứ nói đi nói lại cũng thành phản cảm. Nhưng trước tình cảm của Báo An ninh Thủ đô, tôi sẽ một lần nữa nói về “Chuyện tử tế”.

Đạo diễn Trần Văn Thủy: Con người trước tiên phải tử tế ảnh 2

Đất nước đã trải qua 30 năm đổi mới, bộ phim tài liệu “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy cũng ngần ấy tuổi

Cũng xin nói trước, nếu ai đó đọc được những lời của tôi thì xin hiểu cho, tôi không muốn đăng đàn diễn thuyết, nhưng trước nghĩa lớn, tình cảm lớn, cho phép tôi được bày tỏ đôi điều. Cách đây hơn 30 năm, tôi bắt đầu làm bộ phim. Lúc đó, công cuộc đổi mới chưa bắt đầu, tình người đùm bọc lẫn nhau còn nồng ấm. Tôi thực hiện hoàn toàn theo linh tính mách bảo chứ không nghĩ ngợi sâu sắc, tôi cũng không phải  người có thể dự đoán được nhu cầu của xã hội hay các vấn đề xã hội đặt ra. Nhưng đến thời điểm này, tôi mừng vì trong cuộc đời làm nghề của mình đã có chút đóng góp với xã hội, với cuộc đời. 

Đạo diễn Trần Văn Thủy: Con người trước tiên phải tử tế ảnh 3

- Ông đã vượt qua khoảng thời gian “căng như dây đàn” ấy bằng cách nào?

- Phải có thần kinh thép mới vượt qua được khoảng thời gian đó. Nhiều người tiên lượng tôi sẽ sớm bị bắt khi ném vào xã hội 2 “quả bom” như “Hà Nội trong mắt ai” hay “Chuyện tử tế”… Tôi thực hiện 2 bộ phim này như ma làm. Mẹ tôi đã khóc khi biết chuyện và bà bảo: “Sao em rể con cũng làm phim tài liệu, nhưng nó còn mang được trứng gà, trứng vịt về. Còn con cứ như đi buôn bạc giả”.

Nhưng đúng là trong huyết quản của tôi đã như vậy. Đồng nghiệp tại cơ quan nhìn tôi như con quái vật. Tôi không giải thích được cặn kẽ lý do tại sao tôi có thể thực hiện 2 bộ phim chấn động chỉ trong vài năm. Tôi là học trò của đạo diễn lừng danh Liên Xô Roman Carmen và tôi luôn hứa với thầy sẽ thực hiện những bộ phim xứng đáng với những gì đã được học tại xứ sở Bạch Dương

- Tại Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Nam… khán giả đã tổ chức các buổi chiếu phim để kỷ niệm 30 năm ngày “Chuyện tử tế” ra đời. Điều đó chứng tỏ bộ phim đã sống trong lòng khán giả…

- Tôi cho rằng, việc khán giả tự phát như vậy không phản ánh tác giả, tác phẩm đó hay hoặc dở mà cho thấy những vấn đề con người, xã hội hiện nay đang trăn trở và suy nghĩ. Đó chính là sự tử tế, là tình cảm giữa con người với con người, sự bức xúc của xã hội khi tội ác hoành hành, các hiện tượng tiêu cực ngày một nhiều, sự tha hóa, xuống cấp của đạo đức. Khi làm bộ phim, tôi không nghĩ nó  sống lâu đến như vậy dù không sử dụng thủ pháp nghệ thuật đặc biệt. Tôi chỉ sử dụng lối kể chuyện đơn thuần, nhưng tại sao nó vẫn sống dù đã 30 năm? 

Đạo diễn Trần Văn Thủy: Con người trước tiên phải tử tế ảnh 4

- Câu trả lời cho “Thế nào là sự tử tế?” mà bộ phim đi tìm, ứng với bối cảnh ngày nay nên được hiểu như thế nào, thưa đạo diễn?

- Đề tài về sự tử tế, về tính nhân văn không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều rất quan tâm. Mười mấy đài truyền hình quốc tế đã mua bản quyền bộ phim này của tôi. Những bất cập như thực phẩm bẩn, lừa lọc, dối trá, suy thoái đạo đức… thì mỗi người Việt Nam nên xem xét lại bản thân mình. So với thời điểm tôi thực hiện “Chuyện tử tế” của thời bao cấp, ngày nay, tình cảm con người đã không còn như trước, dù vật chất no đủ hơn. Nhưng mặc đẹp mãi cũng chán, ăn ngon mãi cũng chán, chỉ có quan hệ giữa người với người tốt đẹp mới giúp xã hội văn minh hơn. Người Việt Nam cần sống cho tử tế, hướng tới những điều tốt đẹp.

Đạo diễn Trần Văn Thủy: Con người trước tiên phải tử tế ảnh 5

- Trước những tiêu cực đang tồn tại, vẫn còn đó những tấm gương người tốt việc tốt trong xã hội hiện nay. Liệu có phải ông có quá bi quan?

- Tôi không đánh đồng những người tốt trong xã hội với kẻ xấu. Nhưng đúng là con người Việt Nam hiện nay rất có vấn đề khi chỉ thích nghe những điều lọt tai, những điều người khác nghĩ trùng với suy nghĩ của mình. Ngày nào tôi cũng thấy những chuyện đau lòng và có cảm giác nó sẽ không bao giờ dừng lại. Thượng đế sinh ra cho mỗi người một cái miệng, hãy để họ nói điều mà họ nghĩ. Khi nào người dân còn phản biện, còn bàn luận một vấn đề nào đó có nghĩa họ còn có trách nhiệm với xã hội với cuộc đời. 

- Với “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”, “Tiếng vỹ cầm ở Mỹ Lai”… có thể khẳng định Trần Văn Thủy là đạo diễn của nhân dân?

- Tôi may mắn đã đi đúng đường. Cả cuộc đời làm nghề, tôi đều hướng về nhân dân, về thân phận con người và không biết làm phim chính trị. Các bộ phim tôi làm đều có tư tưởng và còn nhiều bộ phim khác không biết có được chiếu khi tôi đã chết. Tôi cũng là người may mắn khi không bị bần cùng hóa, vẫn có tiền để giúp đỡ người nghèo. Trong cuộc sống, cái quý giá nhất là được làm những điều có ích cho cộng đồng, xã hội.

- Xin cảm ơn đạo diễn!