- Thùy Tiên và Rapper Wean trải nghiệm công việc nhân viên gác tàu
- Phim kinh dị về "ma cà rồng" từng được 4 đề cử Oscar khởi chiếu tại Việt Nam
- Trung Ruồi tiết lộ thời đi "casting" 20 lần thì cả 20 lần đều...trượt!
![]() |
“Cơn giông” được xem là một trong những tác phẩm văn học tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của cố nhà văn Lê Văn Thảo. Với văn phong gần gũi, cách kể chuyện mộc mạc nhưng sinh động, tác phẩm để lại xúc cảm mạnh mẽ trong lòng người đọc khi làm nổi bật được tính cách, lối sống của người dân Nam Bộ, qua đó đề cao lòng nhân ái, nghị lực sống và khao khát được yêu thương ẩn sâu bên trong mỗi con người. “Cơn giông” từng giành giải B mảng văn xuôi giải thưởng do Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng và năm 2003 (cũng là giải cao nhất vì lần đó không có giải A), sau đó giành giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2006.
Trước khi nhà văn Lê Văn Thảo qua đời, phía Hãng phim Giải Phóng đã liên hệ với ông xin được chuyển thể tiểu thuyết “Cơn giông” thành phim điện ảnh và được ông đồng ý. Sau nhiều năm chắp bút và chỉnh sửa, kịch bản phim do nhà biên kịch Ngô Hoàng Giang thực hiện đã hoàn thiện và được Cục Điện ảnh phê duyệt đầu tư sản xuất. Trước đó, Hãng phim Giải Phóng cũng từng chuyển thể tác phẩm “Hai người lính” của nhà văn Lê Văn Thảo thành phim “Ba người đàn ông”. Lần đó, bộ phim này cũng được giao cho đạo diễn Trần Ngọc Phong dàn dựng và đã giành giải đặc biệt của Ban giám khảo "Liên hoan phim Việt Nam 2001".
![]() |
Lần thứ 2 được giao phó việc dàn dựng dự án phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Lê Văn Thảo, đạo diễn Trần Ngọc Phong tâm sự, anh rất xúc động bởi thời điểm cây viết tài ba này còn sống, anh từng bày tỏ với ông về ý định đưa “Cơn giông” lên màn ảnh rộng và được ông hào hứng ủng hộ. Chỉ tiếc là đến lúc có thể biến ý định đó thành hiện thực thì ông lại đã đi xa. Nói thêm về tác phẩm điện ảnh “Cơn giông”, đạo diễn Trần Ngọc Phong cho biết, thay vì chọn tên mới cho phim khác với tên tác phẩm văn học, êkip sản xuất quyết định giữ nguyên tên “Cơn giông” vì nhận thấy tựa đề đó đã chứa đựng đầy đủ nội dung và thông điệp mà cả cuốn tiểu thuyết lẫn bộ phim muốn gửi gắm. Đó là trong cuộc đời mỗi người đều gặp phải những “cơn giông” của số phận, chỉ cần biết cách vượt qua thì mọi thứ sẽ êm đềm trở lại, sau cơn giông trời lại sáng.
Đạo diễn Trần Ngọc Phong tiết lộ, sau khi đi khảo sát ở nhiều nơi, cuối cùng êkip sản xuất quyết định chọn bối cảnh quay tại huyện Cần Giờ, nơi còn lưu giữ được những cánh rừng phòng hộ sinh quyển ngập mặn một cách khá nguyên sơ. Dù việc ghi hình tại đây vẫn phải phục dựng không gian sống từ nhà đến chợ song khó khăn này đã được đoàn làm phim nỗ lực khắc phục. Cũng theo đạo diễn Trần Ngọc Phong, một trong những cái khó khi quay “Cơn giông” ở Cần Giờ là do các con sông rạch ở đây gần biển nên nước rút rất nhanh. Đến nỗi nhiều bận khi đang quay dở thì nước rút hết khiến cả êkip bị mắc kẹt giữa bãi bồi, phải chờ suốt mấy tiếng đồng hồ khi thủy triều lên, nước lớn thì mới di chuyển được vào bờ.
![]() |
Nhớ lại, đạo diễn phim "Cơn giông" kể, khi thực hiện một cảnh quay nói về chuyện trồng rừng ở bãi sình nổi lên giữa sông Lòng Tàu, chiếc cano đưa anh ra giữa sông để cầm loa chỉ đạo diễn xuất cho mấy chục diễn viên quần chúng. Khi đoàn phim đang say sưa quay thì bất ngờ nước rút, anh em ở gần bộ thì vội vàng lội vào được, còn đạo diễn bị kẹt lại trên chiếc cano ở giữa sông giữa trời nắng chang chang, không có nước để uống, không có mái che và phải mất mấy tiếng đồng hồ sau chờ nước lên lại thì mọi người mới có thể dùng xuồng ghe nhỏ chèo ra để đưa anh quay vài bờ.
Nói thêm về dàn diễn viên tham gia diễn xuất trong phim, đạo diễn Trần Ngọc Phong chia sẻ, ngay từ đầu êkip sản xuất đã thống nhất với kinh phí đầu tư khiêm tốn từ nguồn tài trợ của ngân sách Nhà nước thì phải vừa làm vừa tính, cân đối sao cho hợp lý. Thế nên phim không có sự xuất hiện của các “ngôi sao” đình đám mà là những gương mặt quen thuộc và các diễn viên trẻ tài năng như: Trung Dũng, Thạch Kim Long, Thủy Phạm, Quách Tĩnh, Lê Huỳnh…Phim bấm máy trong bối cảnh cả êkip nín thở khi dịch Covid-19 ập đến, phải chờ hết dịch đợt 1 mới có thể tranh thủ thực hiện. Vì vậy quá trình quay cũng rất khẩn trương và nhanh chóng, trong vòng khoảng 1 tháng để nước rút làm hậu kỳ. Sau khi hoàn thiện và ra mắt, phim giành 3 giải thưởng quan trọng gồm: "Phim điện ảnh xuất sắc" của Hội Điện ảnh TP. HCM; giải "Cánh Diều Vàng" của Hội điện ảnh Việt Nam và mới đây là giải "Thành tựu Văn học Nghệ thuật TP.HCM"
Tiểu thuyết “Cơn giông” của cố nhà văn Lê Văn Thảo xoay quanh câu chuyện lấy bối cảnh những năm đầu thập niên 80, một cậu bé tên Bằng bỗng dưng trở thành trẻ mồ côi sau khi cả gia đình bị chết trong một cơn giông. Bằng sau đó được một lão già ham cờ bạc nhặt được và nhận làm con nuôi. Sóng gió liên tiếp ập đến cuộc đời cậu bé, từ những năm tháng tuổi thơ cơ cực đến khi trưởng thành lập gia đình, Bằng bị đồng tiền tha hóa và trở thành kẻ ham chơi, ham nhậu nhẹt, đàn đúm, vào tù ra tội. Sau cùng, nhân vật này cũng trở thành một con người hoàn toàn khác khi gặp được những tình cảm chân chất, mộc mạc của người dân đất Mũi.