Đạo diễn Phan Đăng Di: Làm "Chàng dâng cá…" không lo về tiền

ANTD.VN - Sau khi công chiếu thành công tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo 2019 (TIFF 2019), tập phim Việt Nam “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” của đạo diễn Phan Đăng Di sẽ phát sóng trên kênh HBO Asia lúc 21h tối hôm nay (10-11). Nhân dịp này, đạo diễn Phan Đăng Di có cuộc trò chuyện về tác phẩm mới của anh cũng như những dự định sắp tới.

- Phóng viên: Cảm giác của anh như thế nào lúc trở lại Tokyo dự TIFF 2019 và giao lưu với khán giả Nhật khi “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” được công chiếu?

- Đạo diễn Phan Đăng Di: Tôi đến Tokyo dự TIFF 2019 khá vui vì ngoài ra mắt tập phim “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” nằm trong serie phim Food Lore (Truyền thuyết về ẩm thực) do HBO Asia sản xuất thì còn muốn tìm hiểu thêm về thị trường và khán giả Nhật. Đây là bước thăm dò cho dự án phim “Thủy Nguyệt” (cảm hứng từ một truyện ngắn cùng tên của Ysunari Kawabata) mà tôi dự định quay tại nước này trong vài năm tới.

Tôi đã có 2 buổi giao lưu khán giả tại TIFF 2019 cùng đạo diễn Erik Matti (Phillippines) và trả lời nhiều câu hỏi từ khán giả Nhật về chuyện làm phim, về lý do tại sao chọn một nhà hàng Nhật ở TP.HCM làm bối cảnh quay chính… Tôi cũng “thú nhận” với khán giả là mình không sành về ăn uống, nấu nướng nên đã nhờ cậy đến các chuyên gia ẩm thực tư vấn, hỗ trợ. Còn về phim thì tôi muốn kể một câu chuyện tình hiện đại thông qua các món ăn.

- Vì sao anh nhận lời làm tập phim “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” do HBO Asia sản xuất và cảm hứng để anh viết kịch bản phim về đề tài ẩm thực này?

- Không có cảm hứng nào đặc biệt đâu. Người ta (HBO Asia - PV) mời tôi làm và đặt tôi viết luôn kịch bản với một chủ đề định trước. Tôi cũng đang cần việc, thế là ngồi xuống viết thôi. Đó thực sự là một quy trình bình thường chứ không phải chờ đến cảm hứng nào cả.

Ở thời điểm hiện tại, tôi làm phim như là một công việc thông thường. Nghĩa là làm đều đặn, tổ chức sản xuất có khoa học. Làm như vậy thì mọi người xung quanh tôi đều có việc, đặc biệt là các bạn diễn viên xuất thân từ “Gặp gỡ mùa Thu” (chương trình thường niên diễn ra từ năm 2013 đến nay dành cho các nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên trẻ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ về nghề và dự án làm phim của mình - PV) có thêm dịp để làm phim. Tôi muốn ekip “Gặp gỡ mùa Thu” đều đặn ra sản phẩm và sống được với phim mình làm.

Đạo diễn Phan Đăng Di: Làm "Chàng dâng cá…" không lo về tiền ảnh 1Cảnh trong phim “Chàng dâng cá, nàng ăn hoa” (Ảnh: TIFF/HBOAsia)

- Serie phim Food Lore (Truyền thuyết về ẩm thực) do HBO Asia sản xuất khá tiêu biểu cho chuyện hợp tác làm nhiều tập phim (omnibus) giữa các nhà làm phim châu Á với nhau. Là người tham gia, anh được lợi ích gì?

- Có việc làm, có chút thu nhập, lúc làm phim thì không phải lo lắng về… tiền nên dễ chịu lắm. Công tác tổ chức sản xuất giữa các bên cũng tốt nên việc quay phim cứ thế trôi chảy. Mọi thứ đều sáng rõ, minh bạch từ đầu và đúng thời điểm. Nói chung đây là một hệ thống sản xuất khiến mình sẽ… tăng cân vì không phải lo lắng gì cả.

- Anh nghĩ gì về việc giờ đây các phim của HBO, Netfix... đường hoàng ra mắt tại rạp màn ảnh rộng ở các Liên hoan phim quốc tế? Nó mang ý nghĩa như thế nào trong sự phát triển và thay đổi của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới?

- Phim ảnh nói thật đã đi vào một thời kỳ thoái trào rồi. Người ta không nhất định phải cần một không gian rộng rãi, riêng biệt như rạp chiếu phim để háo hức hay thành kính với điện ảnh nữa, vì nó cơ bản đã xa rời hoặc mất dần cái tinh thần đó. Nó đã buộc phải thay đổi để thích nghi với thời đại vội vàng và quá nhiều thông tin này. 

Đây sẽ là thời cái gì cũng có thể xem mọi lúc mọi nơi, thậm chí xem trên các màn hình nhỏ xíu như điện thoại thông minh chẳng hạn. Và vì thế, một số định dạng phim được làm ra để thích hợp với đòi hỏi đó. Việc mang các tập phim dạng này đi trình chiếu ở các Liên hoan phim cũng chỉ là một trong các hình thức, các kênh để PR tốt thôi.

- Nhiều lần có phim được trình chiếu và bản thân anh đến giao lưu trực tiếp tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo, anh đánh giá Liên hoan phim này như thế nào và có khác biệt gì so với các Liên hoan phim khác?

- Đó là Liên hoan phim lớn nhất ở Nhật Bản, về quy mô chắc chỉ đứng sau Busan của Hàn Quốc trong khu vực châu Á thôi. Nếu như trong điện ảnh, người Hàn Quốc chú trọng đến việc mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế qua việc sản xuất ra những nội dung đáp ứng được thị hiếu toàn cầu, thì người Nhật trong một thời gian dài chỉ tập trung vào thị trường nội địa với nền tảng cả trăm triệu dân. Các Liên hoan phim tổ chức tại Nhật đều là nơi làm tốt việc kết nối điện ảnh thế giới với khán giả Nhật. Như TIFF với lịch sử 32 năm đã làm công tác quảng bá nền điện ảnh Nhật rất bài bản, chặt chẽ. Chúng ta nên nhớ rằng, Nhật vẫn là cường quốc làm phim hoạt hình số 1 châu Á.

- Nhận xét cá nhân anh về thị trường phim Việt hiện tại là gì?

- Các phim nghệ thuật, độc lập (art-house, indie) của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện tại các Liên hoan phim quốc tế quan trọng hàng đầu như Cannes, Berlin, Venice, Toronto, Locarno… và sẽ có giải thưởng sau những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà làm phim độc lập trẻ Việt Nam (nhưng vẫn chưa có cách nào “sống được” ở thị trường trong nước).

Phim thương mại thì sẽ ra rạp nhiều, nhưng chất lượng chắc sẽ đi ngang thôi, bởi chúng ta đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng để phát triển bền vững ở khu vực quan trọng nhất của nền công nghiệp điện ảnh này. Trong thời gian tới, chính sự yếu kém của nguồn nhân lực mới là mối đe dọa chính cho dòng phim thương mại Việt chứ không phải vấn đề kiểm duyệt phim, nguồn tài chính đầu tư hay bất kỳ thứ gì khác.

Đạo diễn Phan Đăng Di: Làm "Chàng dâng cá…" không lo về tiền ảnh 2Đạo diễn Phan Đăng Di tại TIFF 2019. Ảnh: Trung Nghĩa

“Tôi bận bịu quanh năm với việc gặp gỡ, tìm người, xin tài trợ cho chương trình “Gặp gỡ mùa Thu”. Để sống thì đi dạy, đôi khi làm được  phim. Nói chung là tôi đang sống một cuộc đời “nhàm tẻ” nhưng cũng ổn”.

Đạo diễn Phan Đăng Di