Đạo diễn - NSƯT Bùi Cường: "Ngày trẻ, ngoại hình tôi… hơi bị được!"

ANTD.VN - Chạm ngưỡng tuổi thất thập, NSƯT Bùi Cường vẫn mải miết vào Nam ra Bắc với phim trường. Gia tài của “anh Chí Phèo” trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” không chỉ có những vai diễn mà còn gần 100 tập phim truyền hình do ông làm đạo diễn. “Cà phê sáng Chủ nhật” của ANTĐ có dịp gặp người nghệ sĩ tài hoa này tại nhà riêng của ông nằm trên phố Đội Cấn - căn nhà từ hàng chục năm nay vẫn được biết đến là một trong những tiệm may đo và cho thuê áo dài đầu tiên ở Hà Nội.

Tuổi thơ mồ côi cha và sống xa mẹ…

- PV: Chào NSƯT Bùi Cường, dạo này ông có vẻ rảnh rang?

- NSƯT Bùi Cường: Tôi cũng vừa mới rảnh chút thôi bởi vừa hoàn thành bộ phim truyền hình dài 19 tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rập rạp từ đầu năm ngoái đến nay cũng hơn một năm mới quay xong, giờ đang làm hậu kỳ rồi chờ ngày lên sóng. 

- Từng làm không ít phim nhưng đây có vẻ như bộ phim “đánh đố” ông rồi?

- Đúng đấy! Chưa có bộ phim nào mà tôi mất thời gian dài như thế, gian truân vất vả cũng nhiều, mưa gió bão bùng cũng quay. Nhưng đây cũng là bộ phim mà tôi tìm thấy nguồn động lực rất lớn để thực hiện, dù sao tôi cũng là con nhà liệt sĩ, bố mẹ và mọi người trong gia đình thời xưa một lòng đi theo Cách mạng, theo Bác Hồ. Bố tôi còn là liệt sĩ, ông ôm bom ba càng lao thẳng vào xe tăng địch và hy sinh từ khi tôi còn trong bụng mẹ. Vì thế mà làm bộ phim này, tôi như được tiếp thêm “lửa” từ truyền thống và tinh thần ấy của gia đình.

- Vậy là ông mồ côi cha từ nhỏ?

-  Phải, nỗi thiệt thòi của tôi là dù làm nhiều phim nhắc đến tình cha con nhưng bản thân thì chưa được một lần được nhìn thấy và gọi tiếng “bố”. Sau này cả khi đã trưởng thành, đôi khi tôi vẫn thấy hơi tủi thân vì sự thiếu hụt đó. Tôi được nghe kể bố tôi là người rất thông minh, trông còn đẹp trai, xưa ông làm về y tế nhưng rất mê văn nghệ. Tôi nghĩ mình may mắn được thừa hưởng ít nhiều “gene” đó từ ông mà nhờ đó mà có cơ hội sống và làm những việc mà ông chưa làm được. Tôi tự nghiệm thấy thế!

- Hình như tuổi thơ ông cũng không được ở gần mẹ?

- Đúng vậy, ngày trước mẹ tôi cũng mê tín, nghe người ta nói tuổi của tôi với tuổi của mẹ “xung” nhau nên khi tôi mới 5-6 tuổi, nhà ở Thường Tín (Hà Tây cũ) nhưng bà phải nuốt nước mắt đem gửi tôi làm con nuôi ở nhà một người bạn trên phố Tô Hiến Thành (Hà Nội). Không có cha, lại sống xa mẹ nên tôi khóc suốt.

Tôi vẫn nhớ mỗi lần mẹ tôi ra thăm là tôi lại đòi mẹ, ôm mẹ khóc thét lên như cháy ruột, mẹ tôi phải trốn chỉ vì sợ đem tôi về sống cùng nhỡ lại mất nốt tôi. Từ đó cho tới khi lớn, tôi sống lang thang ở nhiều nhà lắm, từ nhà chị gái đến nhà họ hàng. Còn mẹ tôi cũng ở vậy nuôi con đến tận cuối đời.

- Ngày ấy có bao giờ vì còn nhỏ, không hiểu chuyện gì mà ông giận mẹ không?

- Không, ngay cả sau này khi lớn lên tôi cũng chưa bao giờ có suy nghĩ giận mẹ cả. Mẹ tôi hiền mà thương người lắm. Đúng là đôi lúc tôi có tủi thân với suy nghĩ sao số mình nó buồn vậy, người ta sinh ra có cha, mình thì chẳng có cha, mẹ lại không được ở gần.

Thế nhưng cũng vì sự tủi thân ấy mà từ bé tôi đã quyết tâm sau này lớn lên nhất định phải làm được việc gì chứ không để cuộc sống của mình lôm côm được. Tôi càng thương mẹ nhiều hơn khi bắt đầu hiểu về tình yêu đôi lứa và con người. Thương nhất là khi tôi có cuộc sống tương đối ổn định thì bà lại không còn nữa. May là sau khi lập gia đình, tôi đón mẹ lên ở cùng nên cũng được ở gần bà một thời gian. Dù vậy, mỗi lần nghĩ đến mẹ, tôi lại chảy nước mắt. 

Đạo diễn - NSƯT Bùi Cường: "Ngày trẻ, ngoại hình tôi… hơi bị được!" ảnh 2Nghệ sĩ Bùi Cường và vợ

Bén duyên phim ảnh nhờ công… vợ!

- Trở lại với việc bén duyên phim ảnh, điều gì khiến chàng trai 25 tuổi ngày ấy quyết định thi vào trường Sân khấu - Điện ảnh khi đã tốt nghiệp Trung cấp Điện, đi làm ở một nhà máy?

- Chắc tại “máu” văn nghệ có sẵn trong tôi đấy. Hồi đó tôi đi làm cũng hay sinh hoạt văn nghệ ở cơ quan nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp cả. Mọi chuyện thay đổi khi một cậu em chơi cùng bảo với tôi về việc trường Sân khấu - Điện ảnh đang mở khóa đào tạo diễn viên và cậu ấy muốn thi nên nhờ tôi nghĩ dựng giúp một tiểu phẩm.

Khi chỉ còn một ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ, tự dưng tôi nghĩ sao mình không thử đi thi nhỉ. Lúc ấy tôi cũng ngại vì tự thấy mình “cứng” tuổi rồi nhưng cô người yêu bấy giờ (hiện giờ là vợ) động viên: “Để em nộp hồ sơ cho” nên mới liều một phen xem sao. Run rủi thế nào tôi trúng, còn cậu em kia lại trượt. Vừa vào lớp, tôi đã bị các bạn đặt cho biệt danh “Cường già” là vì thế.

- Vậy thì ông phải cảm ơn người bạn đời của mình rồi?

- Đúng thế, tôi phải cảm ơn cô ấy về điều đó. Mình chỉ thập thò, không dám cầm hồ sơ đến nộp vì ngại. Sau tôi nghe vợ kể lại là lúc đi nộp hồ sơ, người ta hỏi nộp cho ai, cô ấy còn nói dối là: “Đi nộp cho em cháu”. Chuyện hài hước thế đấy! (Cười)

- Thế bao lâu kể từ sau câu chuyện hài hước ấy, hai người nên duyên vợ chồng, thưa ông?

- Lâu lắm, vài năm sau khi tôi học xong ở trường Sân khấu - Điện ảnh cơ, vì ngày đó trường có quy định không được kết hôn trong thời gian đang học, ai mà kết hôn là bị đuổi học ngay nên chúng tôi cứ yêu nhau vậy thôi. Thời bấy giờ tình cảm là thứ gì đó lớn lao và thiêng liêng lắm, cô ấy là người Hà Nội, lại là người phụ nữ “công, dung, ngôn, hạnh” nữa, tôi còn biết ơn vợ mình vì sự chờ đợi đó. Tính ra chúng tôi quen nhau từ năm 1969 mà tới năm 1977 mới kết hôn.

- Sao ngày ấy ông quen được người vợ bây giờ, tài thế?

- Hồi trước tôi cũng được lắm đấy, công bằng mà nói ngoại hình hơi bị… được (cười). Bạn sẽ bất ngờ nếu nhìn thấy ảnh của tôi hồi trẻ. Đến tôi bây giờ nhìn lại còn thấy ngỡ ngàng nữa là. Đùa vậy thôi, tôi với cô ấy quen nhau qua một người bạn chung. Mà cô bạn chung này tôi còn đem lòng quý mến trước vợ cơ (cười), thế nào mà gặp vợ tôi, dần dần tôi thấy trong ánh mắt của cô hình như có vẻ cảm mến mình và rồi yêu lúc nào không biết.

Nói thật ngày xưa khi biết nhau, tôi nghèo, lại không có nhà cửa gì, sống với vợ chồng chị gái ở căn nhà tuềnh toàng phía sau ga Hàng Cỏ, còn gia đình cô ấy lại tương đối khá giả. Lúc quen cô ấy, tôi không dám nói nhà mình ở đâu, thế mà sau cô ấy tìm hiểu qua một người bạn của tôi rồi tìm đến. Tôi hỏi cậu bạn kia thì cậu ấy bảo: “Chị xui”. Lúc cô ấy tìm đến, tôi cũng ngượng lắm đấy. Trước đó, tôi vẫn nghĩ cặp nào đến được với nhau vì tình cảm thì quá tốt, mà đúng là tới mình thì thấy tốt thật.  

- Không “môn đăng hộ đối”, chuyện tình của hai người có gặp phải rào cản nào không?

- Tất nhiên tôi cũng ít nhiều bị rào cản từ phía gia đình cô ấy nhưng sau cùng vẫn vượt qua được. Nghĩ lại cũng hài, chúng tôi cưới nhau xong nhưng vẫn đứa nào ở nhà đứa nấy vì lúc đó tôi vẫn ở nhờ nhà chị gái, chưa lo được nhà riêng. Cỡ một năm sau thì tôi dồn tiền tích góp được từ việc bán buôn đủ thứ, rồi mẹ tôi cho một ít, mua được căn buồng nhỏ, lúc ấy vợ chồng mới thực sự gọi là ở chung.

Đạo diễn - NSƯT Bùi Cường: "Ngày trẻ, ngoại hình tôi… hơi bị được!" ảnh 3

Bức ảnh hiếm hoi chụp NSƯT Bùi Cường ngày trẻ mà ông còn lưu giữ...

- Được biết vợ ông học dược, nhưng sau lại theo nghề may cũng là do ông… “xui”?

- Đúng vậy đấy. Hồi mới yêu nhau ngộ lắm, vì khổ quen rồi nên cuộc sống cứ bắt tôi phải lo với nghĩ. Tôi bảo với cô ấy: “Hay là em đi học nghề thợ may đi, sau này cần thì mở cửa hàng”. Thời ấy nghề may và nghề cắt tóc là những nghề có thể giúp người ta tự lo được cho cuộc sống của mình. Cô ấy nghe theo nên đi học, dần dà sau này thì mở cửa hàng. Lúc mới mở chúng tôi cũng phải vay mượn khắp nơi, nhưng may mắn là chỉ sau vài tháng cô ấy làm đã có thể trả hết nợ. Thế cũng gọi là có duyên nghề.

- Ông nghĩ điều gì giúp hai người gắn bó bền bỉ với nhau gần 50 năm qua, từ lúc “tay trắng” chưa có gì đến lúc cuộc sống của vợ chồng ông “cái gì cũng có” như bạn bè đồng nghiệp vẫn nói vui?

- Tôi nghĩ nhà nào cũng thế, ngoài sự giữ “lửa” của người phụ nữ ra thì người đàn ông phải đúng nghĩa trụ cột của gia đình, từ việc bên ngoài đến việc trong nhà. Nói nôm na là sống với nhau thế nào cho tốt, cái tốt nghe đơn giản thế thôi mà lại rất khó. Tôi chưa bao giờ nặng lời với vợ đâu, có lần bực lắm thì giơ chân đá vào cái xe đạp, thế mà bà ấy đã khóc rưng rức rồi.

- Hay vì vợ ông xót… cái xe đạp đấy!

- Không, tôi đá vào lốp xe mà, ăn thua gì (cười). Nói vui thế thôi chứ lấy nghệ sĩ mà không khéo léo thì khó lắm. Tôi đóng phim, làm phim nay đây mai đó, gặp gỡ tiếp xúc với nhiều người, nhưng nghĩ đến những gì vợ mình đối xử với mình, với các con nên chẳng bao giờ có ý định không hay không phải. Hỏi vợ có ghen bao giờ không thì đương nhiên bà vợ nào cũng ghen, nhưng được cái vợ tôi không bao giờ to tiếng. Bà ấy có tâm trạng gì thì chỉ âm thầm buồn. Có lần tôi đi về thấy nhà cửa tối om, bà ấy ngồi trên ghế dán hai cái cao ở hai thái dương, ngồi im không nói năng gì, mình nhìn thấy cũng hoảng, thế nên chẳng dại làm gì để lại thấy cảnh đó. 

- Cảm ơn những chia sẻ chân thành của ông!

Đạo diễn - NSƯT Bùi Cường: "Ngày trẻ, ngoại hình tôi… hơi bị được!" ảnh 4

Chí Phèo là vai diễn để đời của NSƯT Bùi Cường

NSƯT Bùi Cường tâm sự khi được đạo diễn Phạm Văn Khoa mời đóng vai Chí Phèo, nhiều người bảo ông: “Khó thế, đóng sao được!”. Còn đạo diễn Phạm Văn Khoa giao vai này cho ông vì cho rằng ngoại hình, gương mặt và chiều cao của ông rất hợp với tướng tá… một anh lực điền.

Đóng vai này, ông luyện cách tập trung nhìn một ngón tay thành 2 ngón để tạo ánh mắt đờ đẫn, tập tướng đi dạng chân khật khưỡng, Thù lao từ vai diễn mà ông nhận được chỉ đủ để trả tem phiếu. Sau vai diễn giúp ông giành giải "Nam diễn viên chính xuất sắc" kèm theo số tiền một triệu đồng, đủ để ông đi máy bay từ Hà Nội vào TPHCM nhận giải và chiêu đãi bạn bè đồng nghiệp.

Như một “món nợ” với nhà văn Nam Cao, NSƯT Bùi Cường cho biết ông muốn làm một bộ phim tri ân cây viết tài ba này, vì thế ông đã viết xong phần kịch bản dựa vào tác phẩm “Bữa ăn cuối cùng của Lão Hạc”, lồng ghép kể cả chuyện thời xưa lẫn chuyện thời nay. “Anh Chí” của “Làng Vũ Đại ngày ấy” tự tin nếu có nhà sản xuất, ông sẽ làm được một bộ phim mang tính nghệ thuật nhưng vẫn rất thị trường và hợp thời.