Đạo diễn, NSƯT Anh Tú: Khổ vì cảnh

ANTĐ - Từ khi chuyển sang làm đạo diễn, NSƯT Anh Tú đã không ít lần vò đầu bứt tai để xử lý những cảnh “nóng” trong kịch sao cho không bị…“tuýt còi”. Làm nhiều và có kinh nghiệm, với anh cảnh “nóng” giờ đây không quá khó như thời gian đầu anh mới bước chân vào nghề.

Yếu tố sex trong vở kịch “Nhà có 5 anh em trai”

đã được đạo diễn Anh Tú đưa vào nhẹ nhàng, tránh dung tục


Mang “chuyện riêng” lên sân khấu

Vở kịch nói tâm lý xã hội “Nhà có 5 anh em trai” là vở kịch gần đây nhất đạo diễn Anh Tú “buộc” phải động chạm đến… sex. Ban đầu khi đọc kịch bản của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, để làm rõ được sự bức bối trong sinh hoạt của một gia đình có tới 5 người con trai mà chỉ có duy nhất anh cả lập gia đình và các phòng chỉ ngăn cách nhau bằng tấm vách mỏng, đạo diễn Anh Tú định làm hẳn một pha thật… “nóng” trên sân khấu nhưng rồi lại phải rút lại bằng âm thanh.

Đến khi tổng duyệt, thấy có nhiều ý kiến đưa ra chê âm thanh tương đối “trung thực”, anh lại cắt bỏ tiếp và chỉ để lại vết tích thật nhẹ nhàng trên sân khấu với phông màn và cảnh đóng sập cửa lại. Vì thế, mới thấy, cả một vở diễn chỉ xuất hiện duy nhất một lớp cảnh riêng tư nhưng cũng đủ khiến cho đạo diễn của vở kịch ấy lao tâm khổ tứ thế nào. Tuy nhiên, thiếu nó, vở kịch lại thiếu đi hơi thở cuộc sống. Vậy nên, muốn hay không, đạo diễn vẫn cứ làm, còn làm sao cho hay, cho nghệ thuật thật sự là cái khó với từng đạo diễn.

Vừa khó, vừa dễ

Trải qua những vở kịch từng dàn dựng, đạo diễn Anh Tú rút ra kinh nghiệm, đụng đến chuyện nhạy cảm - rằng khó thì thật là khó nhưng dễ thì cũng thật là dễ. Ở lớp cảnh Trọng Thủy và Mỵ Châu trong vở rối cạn “Trấn cổ Loa thành”, anh đã sử dụng những chiếc nón để lên người Mỵ Châu và Trọng Thủy tạo thành hình ngôi mộ làm hình tượng cho kết cục bi thảm của mối tình.

Cùng với đó, anh còn sử dụng điệu hát xoan của Phú Thọ vào cảnh diễn này để tạo nên cảnh phòng the vừa lãng mạn vừa mơ màng và đậm chất Việt. Đây là cảnh nhạy cảm mà theo đạo diễn Anh Tú, anh đã vượt qua được cái khó và làm nên cảnh mang màu sắc văn học nhiều hơn sự trần trụi. Hơn nữa, đạo diễn Anh Tú tiết lộ, khi bắt tay vào dàn dựng, phải tiên liệu được thành phần khán giả đến với vở kịch. Có thể thấy, hầu hết các vở kịch đều có sự xuất hiện của các em nhỏ, cho dù một số ít vở kịch đã ghi lời cảnh báo ở phía cuối tấm vé “cấm trẻ em” nhưng vì nhiều lý do mà các vị khán giả nhỏ tuổi vẫn có mặt trong khán phòng biểu diễn sân khấu dành cho người lớn. Hay nói đúng hơn, anh muốn nói tới việc chuyển tải chuyện phòng the trên sân khấu cần đến tính ước lệ nhiều hơn yếu tố dung tục.

Yên ổn với lộc trời cho

Sau nhiều năm lặn lội với sân khấu, đạo diễn Anh Tú đã tự nhận cái duyên trời cho mà anh đang sở hữu. Người ta nhắc đến Anh Tú cũng là vì sân khấu, sân khấu đã mang lại cho anh tất thảy mọi thứ. Anh đã từng có thời gian nhìn thiên hạ kiếm tiền dễ như không với nghề kinh doanh mà định bỏ nghề để mở quán karaoke. Nhưng trời chẳng cho anh lộc buôn bán, sân khấu lại kéo anh về. Và từ đó đến nay, anh yên ổn với lộc trời cho dưới ánh đèn sân khấu. Niềm vui lớn nhất của anh bây giờ là dựng được những vở diễn khán giả yêu thích và đứng sau cánh gà, nhìn qua kẽ hở lớp màn nhung sự thăng hoa của diễn viên trên sân khấu.