Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Làm phim bằng lòng yêu nước!

ANTĐ - Những ngôi mộ gió không tên, cũng không có hài cốt bên trong, chỉ là những ụ cát nhỏ nằm ẩn mình trong các làng chài ven biển sẽ được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đưa vào bộ phim truyện với tiêu đề “Mộ gió”.

Từ kịch bản của một Cảnh sát biển

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể cách đây vài tháng, khi nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã tìm đến ông với lời gợi ý làm phim từ kịch bản của một chiến sĩ Cảnh sát biển được cử đi học lớp tại chức ở trường Điện ảnh, ông đã rất tò mò. Và quả thực, sau khi đọc kịch bản này, ông chỉ có một suy nghĩ duy nhất là phải bắt tay vào chỉnh sửa ngay để có thể sớm đưa phim đến ngày khai máy. 

Phim xoay quanh câu chuyện về những ngư dân ngày ngày đối mặt với công việc vất vả, gian khổ và cũng đầy hiểm nguy nhưng vẫn hết lòng yêu biển và chưa bao giờ vơi khao khát bám biển ra khơi. Đó là câu chuyện về một chàng trai làng chài bị ông nội buộc phải giữ lời thề sẽ không đi biển chỉ vì bố của anh đã bị chết mất xác trong một chuyến ra khơi gặp bão. Song vị mặn mòi của sóng nước cùng tình yêu vô bờ dành cho biển đã thôi thúc anh bằng mọi giá phải ra khơi một chuyến, không phải với tư cách ngư dân mà với ước mơ trở thành Cảnh sát biển để có thể bảo vệ họ. Cũng với ý tưởng này, chuyện phim không chỉ có tình yêu lớn lao của những người dân chài dành cho biển mà còn có cả tình cảm lứa đôi mặn mà sâu sắc của những chàng trai, cô gái làng chài dành cho nhau. 

Đặc biệt, đúng như tên gọi của phim, câu chuyện về những ngôi mộ gió cũng sẽ được kể lại bằng ngôn ngữ điện ảnh một cách tỉ mỉ, chân thực và đầy xúc động, trong đó có việc tái hiện phong tục đắp mộ gió của người dân chài cho những người ra khơi mà thân xác nằm lại ngoài biển, mãi mãi không trở về. Và hơn cả, những ngôi mộ gió chiêu hồn ấy còn gợi nhắc người ta nhớ về lớp lớp hùng binh ra khơi trấn giữ Hoàng Sa năm xưa. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, phim cũng sẽ nhắc đến những ngôi đền thờ Cá Ông vốn đã trở thành tín ngưỡng lâu đời của người dân biển, gắn liền với nét văn hóa của đời sống người dân nơi đây. Đó là câu chuyện về loài cá lớn khi gặp người bị nạn trên biển sẽ cứu sống đưa lên bờ, vì vậy mà những người dân chài tôn thờ đây là loài cá thần, mỗi khi ra biển bắt được loài cá này, dù to nhỏ lớn bé thế nào đều thả ra hoặc nếu cá không còn sống thì sẽ mang về chôn cất cẩn thận trong những ngôi mộ ở nghĩa trang đền Cá Ông. 

Quyết tâm làm bằng được

“Mộ gió” được Cục Điện ảnh xếp vào dòng phim miền núi hải đảo nên kinh phí sản xuất cũng ở mức cực kỳ khiêm tốn, vào khoảng 400 triệu đồng. Dù vậy, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tâm sự ông vẫn quyết tâm làm đến cùng và làm hết sức mình. Vị đạo diễn gạo cội cùng nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và nhiều người trong êkip từ phó đạo diễn đến họa sĩ, quay phim… đã quyết định sẽ không nhận bất cứ khoản tiền thù lao nào từ việc làm bộ phim này. Ngược lại, mỗi người đều cố gắng kêu gọi vận động thêm kinh phí xã hội hóa để làm phim với mong mỏi có thể làm nên những thước phim đầy đặn, chân thực và xúc động nhất. 

Không chỉ bó hẹp về kinh phí, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ ông còn phải đối diện với một thử thách rất lớn khác, đó là thời gian. Phim dự định sẽ hoàn thành trong vòng một tháng để có thể kịp chiếu ra mắt trong ngày truyền thống Hải quân trên Biển Đông vào dịp 5-8 sắp tới và sau đó công chiếu trên cả nước trong tuần phim riêng về biển đảo. Cũng bởi vậy mà đạo diễn “Ma làng” cho biết, ông sẽ phải quay đến đâu là dựng phim, lồng tiếng và làm âm thanh đến đó. Dù nhiều khó khăn nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khẳng định cả đoàn làm phim đều quyết tâm làm bằng được vì tất cả đều làm bằng lòng yêu nước. 

Có một điều thú vị là diễn viên nào khi tham gia dự tuyển đều bị đạo diễn Nguyễn Hữu Phần hỏi có bị say sóng không, có biết bơi không và có biết đánh võ không. Sở dĩ vậy bởi rất nhiều cảnh quay trong phim được thực hiện trên biển, trong đó có cả những pha đấu võ ở dưới nước mà nếu bị say sóng, không biết bơi và không biết võ thì diễn viên không thể nào đảm nhận được. Vị đạo diễn tài ba tâm sự, lần quay “Cảnh sát hình sự” ở Thuận An, Huế, anh quay phim to cao lực lưỡng lắm mà vừa ra đến biển thì nằm lăn ra tàu vì say sóng khiến ông dở khóc dở cười, đành phải vác máy tự quay. Vì thế lần này làm “Mộ gió”, ông phải tuyển cả diễn viên lẫn quay phim rất kỹ, thậm chí còn phải tính đến cả phương án dự phòng.