Đạo diễn Ngô Quang Hải: Tình đầu đã phai

ANTĐ - Nhiều người gọi anh là “đạo diễn chiếu phim bằng mồm”. Vị đạo diễn điển trai cười và nói: Muốn gọi sao cũng được, quan trọng là tôi biết tôi là ai và tôi đang dự định làm gì.

Ngô Quang Hải, cho đến tận thời điểm này, vẫn là một “đạo diễn lạ kỳ” của điện ảnh Việt. “Chuyện của Pao” đã là một câu chuyện rất cũ. Và từ đó đến nay Ngô Quang Hải chưa kịp có thêm một bộ phim nào mới dù rằng lịch họp của anh vẫn bận, vẫn triền miên.

Những bộ phim tiếp theo của tôi sẽ dữ dội hơn rất nhiều

- Cuộc sống của anh dạo này có gì mới hơn không?

- Nhiều thứ mới chứ, ví dụ như cuộc sống của tôi đã chuyển hẳn từ Hà Nội vào Sài Gòn và tôi đang bắt đầu lại với một nhịp sống mới, tái cơ cấu lại công ty, gặp gỡ các nhà đầu tư, lên các đề án làm phim mới, kết nối lại những mối quan hệ cũ sau một thời gian gián đoạn cũng như tạo thêm nhiều mối quan hệ mới. Đó là tất cả những gì mới đang diễn ra trong cuộc sống của tôi.

- Vậy nhưng lâu lắm rồi anh chưa có một bộ phim mới?

- Thời gian dành cho phim ảnh của tôi đã chiếm một phần lớn thời gian lớn trong cuộc đời và tôi rất áy náy vì một phần lớn thời gian tôi đã trì trệ. Nếu có nói khác đi thì ẩn dưới mặt hồ phẳng lặng là những đợt sóng ngầm dữ dội và tôi như những đợt sóng ngầm đó, đang chuẩn bị một cách cẩn thận nhất, âm thầm nhất cho ngày xuất hiện trở lại.

- Ý anh là những tác phẩm tiếp theo của anh sẽ dữ dội và choáng váng hơn?

- Chắc chắn là vậy.

- Và nó sẽ không còn là những tác phẩm đèm đẹp, duy mỹ hình thức kiểu như “Chuyện của Pao”?

- Tôi vẫn nghĩ rằng các bộ phim phải có tính xã hội cao cho dù bạn có làm theo thủ pháp nào đi chăng nữa. Bên cạnh tính xã hội, tất nhiên, sự duy mỹ là điều cũng phải có để mang đến một tác phẩm có thẩm mỹ cao. Thẩm mỹ không chỉ là những khung hình đẹp, nếu đẹp, sến đúng nơi đúng chỗ sẽ rất hay, ví dụ như bộ phim “Những cây cầu ở quận Madison” chẳng hạn. Ngoài ra, tôi thích được làm những bộ phim có kết cấu đối lập trắng đen như kiểu Black Swan hoặc là sự lật nhào về cốt truyện ở cuối phim như Shutter Island. “Chuyện của Pao” là phim đầu tay nên tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào nó.

- Nói gì thì nói, đẹp sến lộng lẫy hoặc ngồn ngộn những khuôn hình đẹp đi nữa thì một bộ phim vẫn cần nhất là có ngôn ngữ điện ảnh riêng. Trong khi đó, ngay cả anh và một số nhà làm phim khác vẫn cứ cung cấp cho khán giả những bộ phim “đẹp để đó” chứ chẳng ấn tượng gì, chẳng ám ảnh một chút nào...

- Tôi không phủ nhận câu hỏi của anh nhưng theo tôi, ở mỗi bộ phim, sử dụng thủ pháp, gia giảm chúng như thế nào để khán giả bị cuốn vào cũng là một yếu tố mà đạo diễn nên biết. Tôi thấy hiện nay có những người làm phim bị lạm dụng, cố đưa nó vào để gây ấn tượng nhưng chưa chắc khán giả đã đồng cảm. Với tôi, bộ phim hay nhất là bộ phim giản dị nhất. Từ năm nay tới sang năm, tôi sẽ làm 2 đến 3 bộ phim.

Tôi đã ngượng, đã xấu hổ về nhận thức mù mờ của mình

- Anh nói nghe mâu thuẫn nhỉ! Những ngày đầu tập tành làm phim, anh đã theo Trần Anh Hùng với trường phái châu Âu, sau đó anh lại đi theo Phillip Noyce về phong cách làm phim Hollywood và giờ anh phủ nhận tất cả! Vậy anh là ai trong cái mớ mâu thuẫn đó?

- Việc này thực chất ra không mâu thuẫn và nếu để nói tôi là ai thì tôi nói tôi muốn được làm phim độc lập với phim nghệ thuật, đó là một sai lầm. Điều tôi nhìn thấy ở họ - những nhà làm phim độc lập - là mong muốn bất tận làm ra những bộ phim dù là lớn hoặc nhỏ, mong muốn đi tất cả các LHP, gặp gỡ các nhà sản xuất để đưa ra những ý tưởng mới cho sản phẩm tiếp theo. Tôi mới chỉ có một bộ phim và nó chưa nói lên được điều gì. Tôi cũng đã dành hơn 10 năm trong đời mình để mò mẫm theo đuổi nghề này, có những lúc chẳng biết đâu đúng đâu sai, điều mà mãi về sau tôi mới hiểu là thực ra chẳng có đâu đúng chẳng có đâu sai, chỉ là quan niệm của anh, đặt vào bối cảnh, hoà hợp xã hội mà thôi. Tại sao phim Mỹ lại khiến tất cả mọi người xem, phim Ấn Độ chỉ người Ấn Độ xem, phim Trung Quốc cũng vậy, phim Pháp thì ngoài khán giả trong nước thì còn có giao lưu văn hoá. Tôi cũng đã tham gia những buổi giao lưu văn hoá như thế trong các năm 2006, 2007 và 2008. Những chuyến đi đó khiến nhận thức của tôi thay đổi dữ dội và tôi rất là ngượng với cái nhận thức mù mờ của mình về trạng thái không rõ ràng. Một đạo diễn dù có học cao hiểu rộng đến mấy mà làm những bộ phim đánh động vào những LHP quốc tế, thu hút sự chú ý của quốc tế thì tôi cũng không đánh giá cao bằng những người làm phim đánh động vào xã hội.

- Anh đang bênh, ca ngợi đồng nghiệp ở mảng phim truyền hình vì đó cũng là công việc hiện nay của anh sau “Chít và Pi”, “Theo dấu hương tình” và sắp tới là “Tam giác vàng”? Anh đang lấy ngắn nuôi dài?

- Nói thật là buồn chẳng biết làm gì thì thà làm cái gì còn hơn không, sản xuất cho vui, suy cho cùng ở tuổi này, giờ này, với tôi thì vui là quan trọng nhất, làm được cái gì hay cái đó. Làm phim cả đời, yêu cái gì không giấu được, đối với tôi truyền hình hay điện ảnh không quá quan trọng. Những bộ phim truyền hình tôi làm là những dự án đặt hàng của các tập đoàn, có sẵn và tôi đến nâng điểm nó lên, cao hơn một chút. Nếu nó là ý tưởng của tôi điều hành sản xuất từ A đến Z thì nó khác.

- Cụ thể hơn, rõ ràng hơn, anh nhận phim truyền hình là để kiếm tiền?

- Làm để vui. Nếu vui mà vẫn đảm bảo được cuộc sống của mình thì tại sao không nhỉ! Nếu tôi làm dự án riêng các chương trình truyền hình thì khác, lúc đó tôi sẽ đưa ra quan điểm của mình về mọi mặt.

- Anh có thấy anh đang ngược với xu thế của đồng nghiệp là người ta đi từ truyền hình lên nhựa chứ không anh từ điện ảnh xuống truyền hình như anh cả?

- Tôi thích thú vì tôi chưa từng được làm những điều khác đã làm. Thậm chí, tôi còn thích làm phim ngắn cơ. Mặt khác, tôi thích nói chuyện với những nhà làm phim trẻ - những người thuộc về underground - tôi thấy họ rất giỏi và tôi quyết tâm tập hợp họ lại. Hiện nay tôi đang giữ liên hệ với một bạn bên Hàn Quốc, một người bên Canada, bên Đức một người. Họ trẻ tuổi, biết ngoại ngữ, có sức mạnh, nhìn nhau là hiểu nhau muốn gì và chúng tôi đồng nhất về quan điểm sáng tạo và thẩm mỹ. Tôi hy vọng với những nhân tố như vậy có thể tạo ra được một đội ngũ sản xuất phim có chất lượng cao.

- Đó là câu chuyện ở tương lại, còn hiện tại, tôi vẫn băn khoăn rằng anh có phải là một đạo diễn nằm ngoài quy luật đời sống điện ảnh nước nhà hay không? Anh thành danh với một bộ phim nghệ thuật nhưng sau đó lại không thấy bất cứ một hãng phim nào mời anh hoặc anh cộng tác cùng họ - giống như những đồng nghiệp khác của anh như Bùi Thạc Chuyên hoặc Nguyễn Võ Nghiêm Minh chẳng hạn. Họ - những hãng phim tư nhân - không hào hứng với anh hay anh đã từ chối họ?

- Thực ra tôi muốn chủ động, tôi đã nhận được một số kịch bản tại một số vị trí cao tại một số tập đoàn truyền thông nhưng tôi không nhận lời vì tôi khó chịu lắm. Phim là một thực thể không thể tách rời của xã hội bằng cái kiến thức, nhiệt huyết của mình tôi muốn cống hiến gì đó cho ĐIỆN ẢNH (Ngô Quang Hải nhấn mạnh chữ Điện ảnh phải viết hoa). Tôi không nằm trong nhà nước, cũng chẳng hãng tư nhân nào cả nên điều đó là dễ hiểu. Từ quan sát cá nhân, tôi thấy những phim gần đây đang đi lạc lối, một số quan điểm về phim thái quá, một số phim “cũ người mới ta”, thế giới khai thác hết rồi thì với chúng ta mới tinh. Theo như nghiên cứu của những người viết kịch bản thì cách đây 10 - 15 năm thì hơn 100 kịch bản thì mới chọn được 2 để làm phim và hiện nay là hơn 200. Từ đó có thể thấy có được 1 kịch bản hay khó như thế nào. Những nhà làm phim gần đây thì đánh vào sự tò mò của khán giả. Tôi hi vọng trong thời gian tới, điện ảnh và truyền hình Việt Nam sẽ thay đổi, hi vọng có nhiều nhà phê bình đúng nghĩa. Điều đó cần có một quá trình bởi rõ ràng gần đây điện ảnh Việt Nam có nhiều bất cập, không có sự đồng nhất. Chính vì thế 4 - 5 năm không hoạt động sâu của tôi cũng có cái ích.

Đạo diễn Ngô Quang Hải: Tình đầu đã phai ảnh 3

Tôi không còn quan tâm đến những người cũ nữa

- Anh đam mê điện ảnh đến độ quên cả giấc mơ về con cái mà anh đã từng thổ lộ sau cuộc chia tay với cuộc hôn nhân đầu tiên?

- Sớm hay muộn thì mọi chuyện cũng qua rồi. Đối với tôi có con hay không có con cũng không còn quá quan trọng, tôi vẫn có thể nhận con nuôi. Điện ảnh là đam mê lớn nhất đời tôi, bất kể ai xúc phạm điện ảnh là xúc phạm tôi cho dù là người thân. Số trời cho, không dám nói trước điều gì, đạt đến một phần thôi cũng đã là hạnh phúc rồi, có người vừa đạt được hạnh phúc thì chết luôn vì trời cho thế thôi. Tôi có cơ may được gặp một thiền sư phái Mật tông Tây Tạng trên chiếc thuyền nhỏ ở Hạ Long. Nhìn thấy thầy cứ trầm ngâm ngồi nhìn biển trời tôi hỏi thì vị sư đó nói những người sống ở đây thật may mắn, được ưu đãi bởi thiên nhiên, được sống hài hoà là điều quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi người.

- Vậy có bao giờ anh nhìn lại, trách mình đã không đủ sức lôi kéo họ hoặc đã tìm hết cách để níu kéo mà không được để rồi bên cạnh anh bây giờ chẳng còn người phụ nữ nào dám hi sinh cho anh nữa?

- Không, bởi vì khi mình còn nhìn về điều gì thì nó sẽ là màng chắn của mình với nhận thức sâu hơn, rộng hơn. Tôi tôn trọng quá khứ dù rằng cuộc sống của mình còn nhiều lỗi lầm lắm. Cớ gì mình phí thời gian vào những chuyện đã đi qua, nghĩ về những điều tiêu cực trong cuộc sống. Đôi khi người ta phải tách ra khỏi cuộc sống.

- Vậy, với anh bây giờ, phụ nữ là không cần thiết hoặc nếu có, họ sẽ chỉ là những vật trang trí cần thiết và vừa đủ?

- Luôn cần thiết vì luôn cần sự cân bằng với một người phát triển bình thường. Cha tôi vừa mất hơn 100 ngày, day dứt lớn nhất trong tôi 100 ngày qua và trước đó nữa là đáp lại mong mỏi của ông. Nó có thể day dứt tôi nhưng cũng qua rất nhanh. Có người hỏi tôi là sao cứ lao về phía trước đầy nguy hiểm, ai sẽ dừng tôi lại, ai sẽ níu tôi lại. Tôi nói rằng tôi tự dừng tôi và tự níu tôi lại khi cần thiết.

- Anh nói anh cân bằng nhưng tôi thấy rõ ràng anh và những người cũ của anh không thể là bạn sau mọi chuyện đổ vỡ. Anh không đủ rộng lượng hay sao?

- Tôi luôn muốn tất cả mọi người đều còn là bạn của mình. Tôi không muốn dành thời gian cho những việc không cần thiết nữa, những người nào chưa hiểu hoặc bây giờ chưa hiểu, hoặc ngày mai, hoặc năm sau hoặc 10 năm sau thì họ ngộ ra, tất nhiên điều đó còn phụ thuộc vào nhận thức của họ về chuyện đó. Có thể hơi lâu nhưng cũng chẳng sao vì tôi đâu còn quan tâm nữa. Tôi không thể đạo đức giả, cuộc sống của tôi không cho phép tôi nghĩ nhiều về điều đó dù có thể họ còn gây phiền hà cho tôi.

- Xin chân thành cảm ơn anh!