Đạo diễn Hàn Quốc và cơ duyên với những câu chuyện lịch sử Việt Nam

ANTĐ - Trong 2 năm liên tiếp (2015-2016), đạo diễn Sun Goo Jung đã đưa tác phẩm kịch múa “800 năm hẹn ước”, vở diễn nói về cuộc đời vị hoàng tử cuối cùng của vương triều nhà Lý - Lý Long Tường đến với khán giả Việt Nam. Khi tác phẩm công diễn, nhiều người đã rất ấn tượng với cách vị đạo diễn này khai thác và chuyển tải lịch sử Việt Nam. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng đạo diễn Sun Goo Jung.

Nghệ sỹ kịch nói Bùi Như Lai đóng vai hoàng tử Lý Long Tường

Linh hoạt trong "800 năm hẹn ước"

- PV: Cơ duyên nào đã đưa ông bắt tay vào dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ lịch sử Việt Nam? 

- Đạo diễn Sun Goo Jung: Trước “800 năm hẹn ước”, tôi từng dàn dựng một tác phẩm kịch múa cũng lấy cảm hứng từ chuyện lịch sử Việt Nam là “Mỵ Châu-Trọng Thủy”. Ở cả hai tác phẩm này, tôi đều bị hấp dẫn bởi cuộc đời các nhân vật và sự tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Nếu Việt Nam có câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy thì Hàn Quốc cũng có một câu tương tự như vậy.  

Còn câu chuyện cuộc đời Hoàng tử Lý Long Tường lại hấp dẫn tôi bởi tâm tư tình cảm của một vị hoàng tử luôn đau đáu hướng về Đại Việt và dù qua 8 thế kỷ thì tấm lòng ấy vẫn mãi hoài cố hương. Câu chuyện ấy còn nguyên giá trị trong bối cảnh quốc tế đang có làn sóng di cư sang châu Âu. Biết bao số phận sẽ giống như Hoàng tử Lý Long Tường, luôn mong mỏi được trở về quê hương. 

- Theo ông, cái khó trong dàn dựng các tác phẩm sân khấu có yếu tố lịch sử là gì?

- Lịch sử luôn chứa đựng những câu chuyện hay và nhiều tình tiết. Nếu cứ kể lể thông thường, rất khó đưa câu chuyện đến với khán giả. Với “800 năm hẹn ước”, ngay từ khi đọc thông tin về cuộc đời Hoàng tử Lý Long Tường, tôi đã nhận thấy sẽ không có một thể loại chính xác nào đủ sức diễn tả được những gian truân cũng như nỗi lòng của ông. Tôi đã sử dụng kết hợp nghệ thuật múa ballet, kịch nói và âm nhạc để tạo nên một vở diễn nhuần nhuyễn.

Dù là lịch sử nhưng hình thức chuyển tải phải mới và cập nhật các xu hướng của thời đại. Có những đoạn ngẫu hứng, nghệ sỹ chơi đàn piano, cello và trống Hàn Quốc cùng hòa tấu. Có đoạn, nghệ sỹ kịch nói Như Lai lại thoại trên nền nhạc của đàn bầu và đàn piano, có lúc Như Lai lại độc thoại bên các diễn viên múa ballet… Hình thức thể hiện trong “800 năm hẹn ước” tương đối linh hoạt và hiện đại nên tác phẩm không gặp nhiều khó khăn trong hành trình đến với khán giả.   

Không nên chỉ chăm chăm vào việc bán vé

- Công thức hòa trộn nhiều loại hình nghệ thuật để dàn dựng các tác phẩm đề tài lịch sử đang trở thành xu hướng của sân khấu, thưa ông?

- Không riêng các vở diễn có đề tài lịch sử, sân khấu thế giới đang nở rộ các tác phẩm dàn dựng có sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật. Những vở diễn không có biên độ giới hạn về loại hình đã thúc đẩy các nghệ sỹ sáng tạo nhiều hơn, làm việc nhóm tích cực hơn. Đặc biệt, người xem thường thích thú với các tác phẩm như thế do sự cởi mở về tư duy và tính hiện đại. Tôi được biết, ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện các vở diễn có sự hòa trộn của các loại hình nghệ thuật, tuy nhiên, đạo diễn thường không đi đến tận cùng của ý đồ nên đã khiến khán giả phải nhíu mày. 

- Với vở diễn hay như “800 năm hẹn ước”, tại sao ê kíp thực hiện lại chọn cách phát vé miễn phí mà không phải… bán vé?

- Bán vé là việc quá khó khăn với ê kíp thực hiện. Chúng tôi cần có đội ngũ marketing hùng hậu mới làm được công việc này. Do vậy, “800 năm hẹn ước” chỉ có thể phát vé mời. 

- Với Hàn Quốc, sân khấu truyền thống có sống được nhờ vào việc bán vé?

- Cũng giống như Việt Nam, sân khấu truyền thống  Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn và việc bán vé luôn là vấn đề nan giải. Tuy vậy, nhờ các quỹ văn hóa và ý thức của người trẻ, Hàn Quốc vẫn đều đặn có được các tác phẩm một cách định kỳ. Đặc biệt, trong bối cảnh giao lưu quốc tế, các nghệ sỹ trẻ Hàn Quốc luôn ý thức được việc chấn hưng nghệ thuật truyền thống. Họ đầu tư công sức để tìm hiểu về vốn cổ và phát triển thêm.

Còn nếu người trẻ chỉ chăm chăm cho việc bán vé, sẽ rất khó cho văn hóa nước nhà. Nhìn vào lịch sử phát triển của sân khấu truyền thống Hàn Quốc, tôi thấy Việt Nam khá tương đồng. Tôi tin, chỉ trong nay mai, các loại hình như chèo, cải lương, tuồng, dân ca… của Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển và làm nền tảng cho các nghệ sỹ trẻ sáng tạo và phát triển tài năng.

- Từ “Cây nỏ thần” rồi “800 năm hẹn ước”, liệu khán giả Việt Nam sẽ thêm một lần được thưởng thức các tác phẩm do ông đạo diễn?

- Tôi ấn tượng với nghệ thuật của Việt Nam, về kỹ thuật biểu diễn khá sinh động và có lợi thế về bề dày truyền thống. Còn về nhạc cụ thì rất đa dạng. Ví như cây đàn đá làm bằng chất liệu tự nhiên lại phát ra những thanh âm rất ấm áp. Tôi từng tổ chức các chương trình biểu diễn tại TP.HCM có sự góp mặt của nhạc cụ này. Tôi nghĩ, 12 năm gắn bó với Việt Nam, sự ra đời của “Cây nỏ thần” hay “800 năm hẹn ước” là quá ít. Hiện nay, tôi tiếp tục tìm kiếm thông tin và nghiên cứu để tạo nên các tác phẩm tiếp theo. 

- Xin cảm ơn đạo diễn Sun Goo Jung!