Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Dám làm đến tận cùng!

ANTĐ - Với kinh phí khổng lồ, êkip làm phim nhựa “dã chiến”, 25 tập phim “Đường lên Điện Biên” tái hiện khúc tráng ca của dân tộc Việt Nam 60 năm về trước sẽ lên sóng màn ảnh nhỏ bắt đầu từ ngày 24-4, trong khung giờ Vàng 20h30 hàng ngày trên kênh VTV1.

Phim có nhiều cảnh quay thơ mộng và nhiều câu chuyện lãng mạn

Êkip làm phim “dã chiến”

Từng làm không ít phim nhựa về đề tài chiến tranh nhưng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tâm sự nếu được mời làm “Đường lên Điện Biên” cách đây 3 năm, anh không dám nhận lời. Bởi vào thời điểm đó để sử dụng kỹ xảo cho một bộ phim tốn rất nhiều tiền, thậm chí có tiền cũng không làm được vì phải mang sang nước ngoài thì hiệu quả mới cao. Đó thật sự là thách thức không nhỏ với bất cứ vị đạo diễn nào nhận “cầm trịch” một bộ phim truyền hình dài tập về đề tài chiến tranh như “Đường lên Điện Biên”. Cho đến bây giờ, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khẳng định công nghệ kỹ xảo của Việt Nam đã vượt xa nhiều nước trong khu vực và đó cũng là lý do anh tự tin nhận lời cùng êkip tái hiện trên màn ảnh nhỏ cuộc chiến đã lùi xa 60 năm nay.

Thêm một lý do khác để đạo diễn Bùi Tuấn Dũng bắt tay vào làm “Đường lên Điện Biên”, đó là có cả một êkip làm phim “dã chiến” mà nói như lời anh thì toàn là những người dám làm và làm đến cùng, đều là những “lính chiến” có đủ độ lỳ lợm và không bao giờ chịu lùi bước. Trong số đó phải kể đến những cái tên đình đám trong làng phim nhựa như: nhà quay phim tài ba Lý Thái Dũng với hàng chục thước phim chiến tranh ấn tượng, nghệ sĩ làm khói lửa tốt nhất miền Bắc hiện nay - Phan Trọng Bích, họa sĩ thiết kế gạo cội Phan Anh Tú. Đây có lẽ cũng là bộ phim truyền hình hiếm hoi có êkip sản xuất bằng cả một đoàn phim nhựa tầm cỡ với con số lên tới gần 70 người. 

Chân thực đến từng chi tiết nhỏ

Tuy không tiết lộ kinh phí sản xuất phim song theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì đây là một con số rất vô cùng. Bởi sự chịu chơi và chịu chi của nhà sản xuất mà anh cùng đoàn làm phim mới có cơ hội dựng lại trong phim hàng chục bối cảnh mà làm một bộ phim nhựa cũng không đến mức tốn kém như vậy, từ những cánh rừng đầy rẫy dây leo chằng chịt gai góc đến việc ủi phẳng những chiếc hố to như cái vực, rồi dựng lại nhiều lán trại đúng chất thời chiến bấy giờ… Thậm chí có những bối cảnh quay dù không sử dụng nhiều nhưng vẫn được dựng lại cẩn thận và tỉ mỉ.

Làm phim về chiến tranh, về 56 ngày đêm lịch sử làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng khẳng định những thước phim trong “Đường lên Điện Biên” không chỉ có bom đạn mà có cả những câu chuyện tình thơ mộng và lãng mạn. Và anh chọn phong cách lãng  mạn thay vì hiện thực để kể câu chuyện trong phim. Phim tái hiện cuộc hành trình của những chàng vệ quốc quân hào hoa rời Thủ đô đi kháng chiến cùng những cô dân công hỏa tuyến trẻ tuổi và đầy nhiệt huyết, tất cả gặp nhau ở tình yêu tha thiết với Tổ quốc. Cũng bởi vậy mà giữa không khí sục sôi chiến đâu, vẫn có những câu chuyện đẹp về tình bạn và tình yêu. Đặc biệt, cuộc sống sinh hoạt đời thường của quân và dân giữa thời chiến cũng  được đoàn làm phim tái hiện tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ, từ việc ăn cơm bằng bát làm từ gỗ, tre, gáo dừa hay chỉ đơn giản là một cây bương chẻ ra làm bát; hay có những chi tiết xúc động và thú vị như các cô dân công hỏa tuyến thường ngày ăn cơm với mắm muối, để dành dăm con cá khô cho ngày sinh nhật của mình hoặc chờ đến Tết mới dám bỏ ra ăn. 

Không đặt vấn đề lỗ lãi

“Đường lên Điện Biên” là bộ phim được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đứng ra đầu tư sản xuất và được xem là một trong số những phim trọng điểm của năm 2014. Ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng Ban Thư ký biên tập VTV tiết lộ, so với các bộ phim truyền hình thông thường khác thì kinh phí để làm một tập phim “Đường lên Điện Biên” ít nhất phải gấp 2,5 lần. Cũng bởi hiểu rõ để làm một bộ phim truyền hình về đề tài chiến tranh không hề đơn giản nên phía VTV chấp nhận đầu tư ở mức cao nhất, chịu chi số tiền không nhỏ để đầu tư từ bối cảnh, đạo cụ đến phục trang. Và cho đến lúc này, sau khi 25 tập phim đã hoàn tất thì VTV tự tin rằng đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cùng êkip làm phim đã làm được nhiều hơn những gì nhà sản xuất mong đợi. Đầu tư lớn là thế nhưng đại diện VTV cũng khẳng định nhà đài hoàn toàn không tính đến bài toán cân bằng thu - chi, thậm chí có thể chấp nhận không có nguồn thu bởi điều được nhất là có thể làm ra những thước phim lịch sử ý nghĩa có sức lay động người xem.