Dạo Đà Lạt bằng… hỏa xa

ANTĐ - Với tôi những chuyến đi gắn với đoàn tàu hỏa khắp Bắc Trung Nam đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Toa tàu lắc lư, những miền đất nước dần mở theo tiếng còi tàu khiến tôi chìm trong những điều thú vị này đến sự ngạc nhiên khác.

Tàu hỏa chạy bằng hơi nước - đặc trưng của Đà Lạt

Cũng vì mê tàu hỏa mà chuyến vào Đà Lạt, nghe nhắc nhiều đến đoàn tàu cổ chạy bằng hơi nước đưa du khách thăm thành phố, nên tôi quyết đi cho bằng được. Tiếng còi “rúc” lên báo hiệu tàu chuẩn bị khởi hành rồi xình xịch chầm chậm rời ga. Tàu chui qua cầu, vượt qua những khu dân cư, leo dốc và “treo” mình trên đỉnh đồi cao. Những biệt thự tuyệt đẹp ẩn hiện sau những rặng thông xanh, hồ Than Thở với huyền thoại “đồi thông hai mộ”, rừng “ái ân” hiện dần cảnh mặt hồ nước trong xanh in bóng ngàn thông reo trong gió. Tàu vừa ôm cua theo triền dốc rồi lại qua những dãy nhà kính trồng hoa, trồng rau sạch và các vườn rau xanh tươi đủ loại, nào là atisô, dâu tây, khoai tây, bắp cải, cà rốt...

Đoạn đường 7km vừa hết là đến “ga” Trại Mát. Đây là trạm dừng để tham quan chùa Linh Phước. Trước đây có người còn gọi là chùa Rồng, vì trong hoa viên cạnh chùa có một con rồng được xây dựng bằng ve chai rất độc đáo. Đặc biệt, có chiếc chuông đồng lớn nhất Đà Lạt nặng tới 8,5 tấn được treo trong bảo tháp. Nhiều món ăn đặc sản như mì Quảng do con cháu những người dân Điện Bàn (Quảng Nam) vào Đà Lạt những năm 1930 chế biến, hoặc những tô bún bò xứ Huế kèm đĩa rau xanh, giá cả rẻ đến không ngờ hoặc những bó hoa, mớ rau, dâu tây... tươi rói phục vụ du khách.

Nói đến tàu hỏa cổ mà không chấm phá vài nét trong toa tàu thì thật thiếu sót. Toa tàu rất ấm, được bọc gỗ. Mỗi toa như những căn phòng cổ đang chuyển động chầm chậm, chầm chậm. Hơn một giờ đồng hồ trong toa, nhấm nháp thời gian, nhẩn nha ngắm Đà Lạt qua ô cửa, chợt thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng, cuộc sống thi vị hơn.

Nhà ga xe lửa Ðà Lạt tọa lạc vị trí trung tâm Thành phố Đà Lạt, cách Hồ Xuân Hương 500m về hướng Đông, phương tiện giao thông thuận tiện. Nhà ga Đà Lạt xây dựng từ năm 1932 và hoàn tất năm 1936, công trình do hai kiến trúc sư Moncet và Revéron thiết kế. Kể từ khi các toa tàu được phục chế theo nét cổ cách đây hơn 2 năm, hành trình tàu hỏa chạy bằng hơi nước như đưa du khách trở về gần hơn với không khí những năm 30 của thế kỷ trước khi đoàn tàu chạy trên tuyến Phan Rang - Tháp Chàm lên Đà Lạt. Cũng từ đó, việc khám phá Đà Lạt trên tuyến đường ray đã đem đến nhiều cảm xúc cho du khách hơn.