Đào Anh Khánh lại... nổi loạn

ANTĐ - Đào Anh Khánh lại “điên” nhưng lần này là “điên” trong hội họa, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ mà ngay chính tác giả cũng thú nhận “50 năm theo đuổi, tôi vẫn thấy mình nhỏ bé”. Cái sự “quái”, “lập dị” vẫn thấy ở các màn trình diễn của Đào Anh Khánh lại tiếp tục đi vào tranh của anh bằng những sắc màu nguyên chất, rực rỡ đến nhức nhối và mờ ảo. 

Đào Anh Khánh lại... nổi loạn ảnh 1“Núi hát biển nghe” - Đào Anh Khánh

“Điên” một cách nhẫn nại

Lâu nay, Đào Anh Khánh nổi tiếng “điên”. Mỗi khi, anh chuẩn bị ra mắt chương trình mới, bạn bè và người yêu nghệ thuật lại “nín thở” chờ đợi. Lần này, tại triển lãm hội họa đầu tiên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, Đào Anh Khánh tiếp tục thể hiện độ “điên” khi bày kín 2 phòng triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bằng… 500 bức tranh, trong khi một họa sỹ chỉ bày vài chục bức trong triển lãm cá nhân đã là nhiều. Kèm với đó, Đào Anh Khánh còn “khuyến mãi” thêm cho mỗi người đến với phòng tranh của anh bằng một cái ôm thật chặt và không quên cảnh báo, “ai đến triển lãm sẽ không thoát được vòng ôm ấm áp của tôi”. 

Đi từ phòng tranh này đến phòng tranh khác tại triển lãm “Trần” của Đào Anh Khánh, người xem như vừa đi qua 2 cực của Trái đất. Một phòng rực rỡ, chói lọi các sắc màu nguyên chất, náo nức như ngày hội còn ở phòng bên kia, tất cả màu sắc lại bị dìm xuống, mờ mờ, ảo ảo. Ở đó, người thưởng lãm có thể nhận thấy Đào Anh Khánh đang thoát xác trong những vũ điệu ma mị, đầy bạo liệt của màu sắc và mảng miếng. Đào Anh Khánh vẽ mà như anh đang trình diễn hết mình trước sự dõi theo của hàng trăm con mắt, nhưng đó là thế giới ảo của mình anh, một thế giới chứa đựng những mâu thuẫn, đối lập và sự cực đoan đến điên loạn, những cặp đôi như dữ dội-bạo liệt và mộng mị-mơ huyền đứng tách bạch nhau. 

Với nhiều người, vẽ là sự sẻ chia, đối thoại thì vẽ với Đào Anh Khánh lại là sự nổi loạn với chính mình. Không có ai thách đố, “đơn thương độc mã” trước tấm toan trắng, vậy mà, Đào Anh Khánh đã theo đuổi cuộc chơi của màu sắc tới vài chục năm. Điều đó đủ thấy, “gã điên” này kiên trì và nhẫn nại đến nhường nào. Bí quyết đó là, Đào Anh Khánh luôn cảm thấy không bằng lòng, tranh vừa vẽ ra có đẹp đến mấy thì anh lại nhanh chóng rơi vào… cái sự chán.  Anh lại tự đánh vật với chính mình để đi tìm cái mới và sự phủ định của chính anh trong tranh. Cũng nhờ điều này, Đào Anh Khánh đã duy trì được tình yêu trong hội họa bấy nhiêu năm. 

Kẻ mộng du trong thế giới thực

Đào Anh Khánh vẽ, ấy là cái lạ khi phần lớn mọi người đều biết đến anh với tư cách là một nghệ sỹ trình diễn nổi loạn. Nhưng kỳ thực, anh theo đuổi hội họa từ ngày còn bé tí tẹo. Đào Anh Khánh đã từng công tác trong ngành công an nhưng vẽ là thứ năng lượng tiềm ẩn khiến anh chấp nhận rủi ro và lao mình vào cuộc chơi của nghệ thuật. Được trở lại với niềm đam mê, Đào Anh Khánh cảm nhận được sự tuôn chảy trong tiềm thức, cầm cây bút lên không phải gồng mình, nhẹ bẫng để mặc suy nghĩ điều khiển đôi tay. 

Anh đã từng theo nhiều khuynh hướng nghệ thuật khác nhau để rồi ngộ ra mình phù hợp với siêu thực hơn tất thảy. Ở đó, Đào Anh Khánh được phép mộng mị, viễn tưởng trước cuộc sống hiện thực. Một cuộc sống trong hiện thực như cỏ cây, nhảy múa, tình yêu nhưng được mơ mộng hóa để người xem thoát ra khỏi thế giới đang tồn tại. Ở cả hội họa và trình diễn, Đào Anh Khánh đều muốn đẩy cảm xúc đến bến bờ của sự mạo hiểm. Tranh của anh cũng có chất điên, sự nổi loạn chứ không hề lãng mạn. Chẳng thế, người ta mới gọi anh là gã “điên” của làng mỹ thuật Việt Nam. Bất chấp những cái biệt danh mà người đời gán cho mình, Đào Anh Khánh vẫn quyết làm đến cùng để thoát khỏi con đường đi đã mòn, con đường đã có quá nhiều người cày xới. 

Triển lãm lần này là lời chia tay của Đào Anh Khánh với người yêu nghệ thuật và hẹn gặp lại năm 2019. Anh sẽ tiết giảm các hoạt động trình diễn đến mức thấp nhất để tập trung thời gian và sức lực cho dự án nghệ thuật lớn nhất trong cuộc đời-dự án nghệ thuật đương đại và thiên nhiên mang tên “Thung lũng Gầm trời” với các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt có quy mô tại Lương Sơn, Hòa Bình.