Đánh vợ như “đòn thù” - Những vụ việc không có hồi kết

ANTĐ - Vụ việc một thanh tra kho bạc ở Hải Dương, đánh vợ đến chết vừa xảy ra khiến dư luận vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Nhưng đáng chú ý, người vợ đã chịu đựng đòn roi của chồng trong một thời gian dài mà không tìm sự trợ giúp. Dư luận day dứt, tại sao nhiều phụ nữ bị bạo lực gia đình (BLGĐ) lại cam chịu, nhẫn nhịn đến chết mà không tìm cách giải thoát cho mình? 

Đánh vợ như “đòn thù” - Những vụ việc không có hồi kết ảnh 1Triển lãm các vật dụng gây bạo lực gia đình tại Hà Nội

Bị chồng đánh còn phải tự nộp phạt

Chị Nguyễn Thị Minh (Cửa Lò, Nghệ An) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Chồng chị bị phạt 1 triệu đồng vì đánh vợ. Người chồng suốt ngày chỉ cờ bạc, rượu chè chẳng làm ăn gì nên lấy đâu ra tiền. Cuối cùng chị phải nhặt từng đồng tiền mặn chát từ bán cá ra nộp phạt cho chồng. Từ đó, chồng chị càng đánh chị nặng tay hơn. Dù chồng đánh, chị cũng cắn răng chịu đựng, chính quyền, công an có đến cũng “đuổi” quầy quậy. Lại có trường hợp, chính quyền ra lệnh “cấm tiếp xúc”, nhưng anh chồng cứ bắc loa từ xa chửi vào, cán bộ chẳng biết xử kiểu gì. Còn có chị đi đến nhà tạm lánh, nhưng “một đi” không có đường trở lại vì anh chồng nhất định cấm cửa. Nhà của anh ta, hộ khẩu của người vợ cũng chưa chuyển về, chính quyền đành bó tay… 

Trong Nghiên cứu định tính “Tiếp cận công lý trong hệ thống pháp lý đa kênh: BLGĐ đối với phụ nữ Việt Nam” của Viện Xã hội học, một công an xã Dương Phong (huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn) cho biết, việc xử phạt tiền hành vi BLGĐ đôi khi không khiến người chồng sợ mà còn khiến người vợ bị đánh thêm. “Có người chồng gây BLGĐ, chúng tôi lập hồ sơ, xử phạt 1,5 triệu đồng. Người chồng không có tiền nên điện thoại cho vợ mang tiền đến nộp phạt hộ. Khi về nhà, người chồng tiếp tục đánh vợ vì “tiếc tiền”. Từ đó, người vợ xin cán bộ không xử lý hành vi BLGĐ của chồng vì bản thân bị đánh còn phải tự nộp phạt. Đã thế lại còn bị chồng đánh nặng hơn”. Nghiên cứu này cũng cho thấy, hiện nay, Luật phòng chống BLGĐ có, Nghị định xử phạt đầy đủ nhưng các biện pháp trừng phạt lại không có hiệu quả răn đe. Như vậy, thay vì trừng phạt người gây BLGĐ thì lại trở thành rào cản ngăn trở người bị BLGĐ tìm đến sự trợ giúp.

“Đa phần các vụ BLGĐ được trình báo đều được chính quyền hòa giải hoặc khuyên răn “chín bỏ làm mười”, xuê xoa cho qua. Nhưng bạo lực không thể xuê xoa là biến mất. Thậm chí, công tác hòa giải thường quy trách nhiệm cho cả hai bên, đổ lỗi cho phụ nữ như lắm điều, vụng cư xử, lười việc nhà nên chồng khó chịu, chồng đánh. Còn đàn ông lại thường đổ cho những lỗi “khách quan” như nóng giận, do say rượu mà đánh vợ. Trong khi đó nguyên nhân chính là định kiến giới lại không được phân tích. Chính vì thế, người gây BLGĐ không thấy được lỗi của mình, còn người bị BLGĐ thì chán nản, mất niềm tin vào sự giúp đỡ của chính quyền” - bà Lê Thị Thục (Viện Xã hội học - thành viên tổ nghiên cứu) cho biết. 

Bệnh “ghét mình”

Còn chị P.T.H (Đông Anh, Hà Nội) lấy chồng 20 năm thì có đến quá nửa thời gian phải sống trong “đòn thù” dã man bằng gạch đá, tuýt nước của chồng. Có lúc chị đã chạy đến Trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) để xin trợ giúp. Nhưng Giám đốc Trung tâm tìm đến nhà để giúp đỡ thì chị lại bỏ chạy. Theo ông Nguyễn Ngọc Quyết - Trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trong số hàng chục ngàn phụ nữ bị BLGĐ được ông trợ giúp, rất nhiều phụ nữ nhẫn nhịn chịu đựng cảnh bị chồng đánh trong nhiều năm. Thậm chí, ngay cả khi được tuyên truyền về Luật phòng chống BLGĐ, được biết quyền của mình, được đề nghị giúp đỡ thì họ vẫn từ chối. “Khi bị đánh trong một thời gian dài thì người phụ nữ giống như cá nằm trên thớt, đã hoàn toàn bạc nhược cả về thể xác lẫn tinh thần, không còn dám phản kháng, cũng không còn tin rằng cuộc đời mình sẽ sáng sủa hơn” - ông Quyết chia sẻ. 

Theo ông Quyết, tâm lý chung của nhiều phụ nữ bị BLGĐ là tự trách mình, bao che cho chồng. Có người cho rằng mình “không xứng” với chồng, mình xấu xí, vụng về nên chồng ghét, chồng ngứa mắt. Có người không sinh được con trai chấp nhận cảnh chồng đi cặp bồ, sinh con với người khác. Suốt ngày sống trong u uất, buồn chán, bị hành hạ tinh thần nhưng cũng không dám phản kháng. Có người lại đổ tại rượu nên chồng mới vũ phu còn bình thường “anh ấy thương em lắm”. 

TS Đào Lệ Thu (Đại học Luật Hà Nội) phân tích, định kiến giới khiến không ít đàn ông coi thường, thiếu tôn trọng phụ nữ, coi vợ như người để mình sai khiến, điều khiển. Thái độ đó tương ứng với các hành vi như cho phép mình hành hạ, nhục mạ, đánh đập vợ mà không sợ bị trừng phạt. Còn phụ nữ thường cam chịu, sợ hãi bị trả thù, sợ xấu hổ dẫn đến việc không dám tố cáo hành vi xâm hại hoặc cho rằng mình không có quyền, mình phải chịu đựng. “Nhiều nghiên cứu và khảo sát thực tiễn đã chỉ ra rằng, thái độ nhẫn nhịn, cam chịu của phụ nữ bị bạo lực cũng như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng đối với việc giải quyết các vụ việc BLGĐ do định kiến giới (nóng tính là hành vi “chuẩn men” còn nhẫn nhịn để giữ hạnh phúc gia đình là của phụ nữ) đã khiến các vụ BLGĐ không được giải quyết” – bà Thu cho biết. 

Nghiên cứu về chất lượng tư pháp hình sự dành cho các nạn nhân của BLGĐ ở Việt Nam của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc UNODC cho thấy, 43% vụ việc BLGĐ được báo cho công an, 61% các vụ việc có báo cáo được chuyển đến hòa giải; 12% các trường hợp được báo cáo với cảnh sát dẫn đến trách nhiệm hình sự; 1% các trường hợp được báo cáo dẫn đến kết tội.