Đánh tráo những bức họa nổi tiếng, kiếm lời hàng triệu USD

ANTĐ - Một nhân viên phụ trách bảo trì các tác phẩm trưng bày trong một học viện nghệ thuật có uy tín ở thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc đã đánh cắp 143 bức tranh, thay vào đó bằng những tranh do ông ta chép lại, thu lợi bất chính hàng triệu USD.
Đánh tráo những bức họa nổi tiếng, kiếm lời hàng triệu USD ảnh 1

Con hổ - một bức tranh của Tề Bạch Thạch, người có tranh bị Xiao đánh tráo

Tráo tranh lấy tiền mua căn hộ

Tại phiên tòa xét xử hôm 20-7, Xiao Yuan, Trưởng ban lưu trữ của Viện hàn lâm nghệ thuật Quảng Châu khai nhận, ông ta nảy ra ý định đánh cắp tranh khi bắt đầu dự án số hóa bộ sưu tập của nhà trường vào năm 2003. “Vào thời điểm đó, khi lần đầu tiên nhìn thấy, tôi nhận ra rằng  nhiều tác phẩm nguyên gốc đã bị thay bằng tranh giả, nhưng tôi không nói cho ai biết. Tôi đã bị lòng tham cám dỗ. Những người trước có thể đánh tráo tranh, bây giờ tôi có chìa khóa, tôi cũng có thể làm được điều đó”, Xiao khai tại tòa. 

Xiao cho biết, ông ta mang những bức tranh gốc về nhà vào dịp cuối tuần khi thư viện đóng cửa, sau đó thay chúng bằng tác phẩm do mình tự vẽ. Việc đánh tráo tranh của Xiao chỉ dừng lại vào năm 2006 sau khi bộ sưu tập được chuyển tới cơ sở mới của trường. Vụ việc được đưa ra ánh sáng sau khi một cử nhân của Học viện nghệ thuật Quảng Châu nhận ra một bức tranh bán đấu giá tại Hồng Kông có dấu của trường và báo cảnh sát. 

Các công tố viên cho biết, Xiao đã tự mình sao chép tranh lụa hay tranh thư pháp và đã bán đi 125 bức tranh gốc trị giá 34 triệu NDT (khoảng 5,5 triệu USD) tại các phiên đấu giá từ năm 2004-2011. Số tiền này được Xiao dùng để mua căn hộ và các tác phẩm nghệ thuật khác. 

Trong số những bức họa  bị Xiao sao chép và bán lại tranh gốc có tác phẩm  của 2 họa sĩ nổi tiếng Trung Quốc ở thế kỷ 20 là Tề Bạch Thạch và Trương Đại Thiên. Khi khám xét nhà của Xiao, cảnh sát đã phát hiện và thu giữ 18 bức tranh bị anh ta đánh cắp có tổng trị giá ước tính lên tới 77 triệu NDT (11 triệu USD). Bị cáo 57 tuổi này nói rằng, các nhà đấu giá từ chối bán chúng vì cho rằng những bức tranh này là giả. 

Hối hận thì đã muộn

“Trong quá trình điều tra, lực lượng công an cho tôi xem các tấm ảnh chụp những bức tranh sao chép của mình. Tôi nhận ra một số phải thay vì chất lượng của chúng quá tồi tệ”, Xiao nói trong một đoạn video quay diễn biến phiên tòa được đăng tải trên mạng internet. “Tôi đã sai. Tôi không nên làm như vậy. Tôi đã để lại tiếng xấu cho trường”, Xiao hối hận. 

Xiao nói rằng tại học viện kể trên, các giáo sư và sinh viên có thể mượn tranh như mượn sách ở thư viện. Công ty bán đấu giá China Guardian của Trung Quốc đã xác nhận rằng Xiao Yuan là một trong những nguồn cung ứng tác phẩm nghệ thuật. Hiện tòa án chưa đưa ra mức án đối với Xiao.

Các vụ bê bối về hàng giả, hàng nhái thường xuyên xảy ra trên thị trường nghệ thuật và các bảo tàng Trung Quốc. Năm 2013, chính quyền tỉnh Hà Bắc đã ra lệnh đóng cửa một viện bảo tàng chứa toàn đồ giả, trong đó có một chiếc bình chạm trổ được cho là niên đại từ đời nhà Thanh (1644-1911).