Đành tin vào ngành điện

ANTĐ - Theo đúng định nghĩa, dòng điện là dòng chảy của các điện tử. Mà điện tử thì bé tý teo, bé đến kính hiển vi điện tử còn không thể nhìn thấy thì người dùng điện dĩ nhiên cũng không thể nhìn thấy, cho nên đành nhắm mắt mà tin vào ngành điện, cụ thể là tin vào người bán điện cho chúng ta dùng hàng ngày hàng giờ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tức là EVN. 

Không có điện thì gay, trời nóng thế này, không có tý quạt máy, tý đá lạnh thì mồm há ra… Nhưng nhìn vào hóa đơn tiền điện thì nhiều nhà thất kinh, mất vía. Là bởi vì nó giống nhiều, rất nhiều hàng hóa ở nước ta, chỉ tăng mà không bao giờ giảm.

Trời lạnh cũng tăng, nóng càng tăng, giá dầu thế giới tăng thì giá điện tăng đã đành, giá dầu giảm đáy cũng vẫn tăng. Không có mặt hàng nào mà mua nhiều thì giá đắt và không thể mua điện ở đâu ngoài EVN cả vì nhà máy cũng của họ, đường dây của họ cả. Không ai cắm phích điện vào cây chuối mà điện sáng được. Mà EVN là doanh nghiệp Nhà nước, nghĩa là vận hành kinh doanh bằng vốn ngân sách, tằng tiền của… những người tiêu dùng. Chính vì vậy, điện từ bao lâu nay vẫn là nỗi ấm ức của mỗi gia đình mỗi doanh nghiệp. Tin thì vẫn tin vào EVN, nhưng cứ như tất cả những gì công bố của EVN thì chúng ta có thể vỡ tim.

Ngày 26-8, tại buổi đánh giá 3 năm thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, Cục Điều tiết điện lực (ERAV) Bộ Công thương cho biết, Giá mua điện bình quân của EVN từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm qua chỉ 1.087,3 đồng/kWh. Trong khi đó, giá bán bình quân hiện tại cho xã hội là 1.622 đồng/kWh, nghĩa là giá nhập thấp hơn gần 600 đồng so với giá bán hiện tại. Có thể nói hơi ít loại hàng hóa có được mức lợi nhuận như cái món hàng điện năng này. Nếu tính con số  sản lượng điện của EVN đạt gần 140 tỷ kWh điện năm 2014,thì lợi nhuận phân bổ cho ngành điện khổng lồ quá, không thể tính được vì nhiều số không quá.

 Nhưng ngành điện, cụ thể là EVN đã làm gì với số tiền khổng lồ ấy? Năm 2013, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn EVN. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong 2013 là 1.941 tỷ đồng, gồm: thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng hơn 392 tỷ đồng; thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các tổng công ty điện lực là 1.106, 22 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần theo EVN báo cáo là hơn 441 tỷ đồng.

Tổng cộng là trên 4.000 tỷ đồng. Đến năm 2014, lợi nhuận của toàn EVN, cũng theo Bộ Công thương, chỉ còn có 300 tỷ đồng, bằng khoảng 7% so với năm 2013. Cũng không ai chịu trách nhiệm, không ai bị kỷ luật…Những người tiêu dùng điện tự nhiên nghi ngờ. Dĩ nhiên là EVN thanh minh, lợi nhuận giảm là vì tăng đầu tư, tăng giá điện không phải vì EVN lỗ mà vì tăng đầu tư, người tiêu dùng yên tâm, tăng đầu tư thì tài sản vẫn còn đó, vẫn của người tiêu dùng… Ô kìa, thế ra EVN không hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp mà và vận hành theo cơ chế cơ quan hành chính Nhà nước? Thế này thì chắc chắn giá điện còn tăng, thế này rồi có thể có một lúc nào đó cổ phần hóa, chủ nhân của ngành điện, người tiêu dùng sẽ giật mình: Tài sản chúng ta có ở EVN không đáng là bao nhiêu.

Thôi, chắc chắn nhất, chúng tôi cần có thêm nhà bán điện để người tiêu dùng có thể chọn lựa, mà nếu tất cả đắt quá, chúng tôi sẽ chọn quạt mo. Nhưng cần phải có cơ chế thị trường, cạnh tranh trong bán điện, cạnh tranh để minh bạch hơn.