Đánh thuế theo thời gian sở hữu bất động sản, liệu có khả thi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính sách thuế nhằm điều tiết, chống đầu cơ bất động sản là cần thiết, nhưng chính sách thuế cần đi kèm với sự minh bạch về dữ liệu bất động sản, tính đồng bộ giữa chính sách thuế và quản lý đất đai.

Trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đã đề xuất có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân (TNCN) từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước. Mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu, xác định phù hợp, phản ánh được thực trạng hoạt động của thị trường bất động sản.

Theo cơ quan soạn thảo, đề xuất này nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng, để có mức độ điều tiết hợp lý, tránh tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.

Giá bất động sản bị đẩy cao do đầu cơ, lướt sóng

Giá bất động sản bị đẩy cao do đầu cơ, lướt sóng

Hiện chính sách thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản tại Việt Nam không phân biệt theo thời gian nắm giữ. Thu nhập chịu thuế từ mua bán nhà, đất được xác định là giá chuyển nhượng từng lần, với thuế suất 2%.

Đề xuất đánh thuế theo thời gian nắm giữ của Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh giá nhà ở tăng không ngừng. Theo cơ quan soạn thảo, chính sách này có thể thực hiện giống một số quốc gia trên thế giới nhằm tăng chi phí và giảm sức hấp dẫn của việc đầu cơ.

Theo Bộ này, kinh nghiệm cho thấy một số nơi còn áp dụng thuế với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản căn cứ theo tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại nhà, đất. Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao và ngược lại.

Cụ thể, tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán. Sau 2 năm, mức thuế suất giảm còn 50% và sau 3 năm là 25%.

Tại Đài Loan (Trung Quốc), giao dịch bất động sản thực hiện trong 2 năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 45%. Trong 2-5 năm, thuế suất là 35%, trong 5-10 năm thuế suất 20% và sau 10 năm là 15%.

Tại Việt Nam, đa phần các chuyên gia cũng cho rằng việc áp dụng chính sách thuế nhằm điều tiết thị trường bất động sản là cần thiết, song sẽ phải nghiên cứu kỹ về tính thời điểm cũng như chính sách cụ thể ra sao.

Hồi cuối năm ngoái, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo tình hình giá bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Đoàn giám sát của Quốc hội cũng kiến nghị sớm hoàn thiện công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất.