"Đánh thức" thảo dược Việt

ANTĐ - 38 tuổi, từ bỏ vị trí Phó Tổng Giám đốc của một tập đoàn chuyên nhập khẩu và phân phối thuốc tân dược cùng mức lương tiền tỷ một năm, Phan Văn Hiệu đã chọn cho mình một đường đi khó, đưa những loại cây thuốc xưa nay vẫn quen thuộc trong vườn nhà như cây nghệ, cây gừng, cây gấc… trở thành những sản phẩm có giá trị.

Dược sĩ Phan Văn Hiệu (giữa) cùng các đồng nghiệp tại HTX Nông dược Tinh Hoa, Hoành Bồ, Quảng Ninh

Giấc mơ về cây thuốc vườn nhà

Tôi biết Phan Văn Hiệu cũng đã lâu. Rảnh rỗi chúng tôi gặp nhau rồi ngồi cà phê tản mạn đủ chuyện trên trời dưới biển. Thi thoảng, tôi cũng hay than phiền chuyện bệnh tật, từ dạ dày đến trào ngược, rồi mất ngủ kinh niên… Lạ cái, những lời khuyên về bệnh tật, về sử dụng thuốc của Hiệu toàn dẫn tôi về với những thứ cây cỏ quen thuộc mà ngày xưa, vườn nhà tôi có khi chẳng phải trồng, chúng tự mọc tốt um.

Lạ nữa là, hễ cứ động vào chuyện thuốc Nam, Hiệu nói như “lên đồng”, nào hoạt tính, nào công dụng… rồi bao giờ cũng dẫn câu nói nổi tiếng của Tuệ Tĩnh Thiền sư ra như kim chỉ nam cho con đường mà mình đang theo đuổi: “Nam dược trị Nam nhân” (nghĩa là dùng thuốc Nam trị bệnh cho người nước Nam). Thú thật, cũng có vài lần tôi nghi ngờ, vì rõ ràng thuốc Tây, cái thứ thuốc mà từ viện lớn đến viện bé, thậm chí cả thế giới người ta đang sử dụng thì cái cây, cái lá đó có uống vào người cũng chỉ như “voi uống thuốc gió”. Thế rồi, đằng đẵng thuốc men cùng vòng quay đau lại đỡ, đỡ lại đau, Hiệu chỉ cười: “Thôi nghe tôi đi”. Tôi nghe và Hiệu đã đúng!

Sinh ra và lớn lên ở Hưng Yên, vùng quê có truyền thống trồng cây thuốc Nam. Có lẽ, những bài thuốc vườn nhà của bà, của mẹ đã ngấm sâu vào máu chàng trai ấy. Để rồi sau này, khi tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội, từng từ chối cơ hội được giữ lại trường làm giảng viên, từng mất 10 năm dày công góp phần tạo dựng nên một công ty chuyên nhập khẩu, phân phối thuốc tân dược, nhưng rồi Phan Văn Hiệu vẫn cứ từ bỏ, chỉ để thực hiện ước mơ: Sưu tầm, gìn giữ và phát triển những sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ những vị thuốc, cây thuốc dược liệu trong nước.

Năm 2013 là thời điểm dược sĩ Phan Văn Hiệu khởi đầu chặng đường gian nan. Đồng hành cùng anh, dược sĩ Nguyễn Trường Thành, cũng từng là sinh viên xuất sắc cùng học thời đại học. Và rồi hai chàng trai đã sáng lập ra Công ty Dược Mỹ phẩm CVI cùng nhiều loại thuốc ra đời chỉ từ cây nghệ.

Đường đi khó không nản 

Từ bỏ công việc với mức lương nhiều người mơ ước, dược sĩ Phan Văn Hiệu bắt đầu dấn thân khởi nghiệp bằng con đường phát triển từ những loại dược liệu thế mạnh của Việt Nam. Với số vốn ít ỏi và nguồn lực hạn chế, kinh nghiệm về những bài thuốc, cây thuốc Nam dù đã được học trong trường, nhưng đến khi “vấp” thực tế mới ngộ ra mình còn nhiều điều chưa biết. Lại thêm, thời điểm đó, trong nước có khá nhiều các công ty dược định vị sản xuất thuốc từ cây thuốc Nam và đã khẳng định được vị thế, thương hiệu sản phẩm.

Xác định phải đi một con đường khác biệt, tạo giá trị sản phẩm bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ. Bằng cách kết nối các nguồn lực có sẵn thành một chuỗi giá trị, trong đó CVI đóng vai trò trung tâm.

Rồi cơ duyên đưa đẩy, hai chàng trai đồng sáng lập công ty bắt đầu “phải lòng” cây nghệ.  Phan Văn Hiệu chia sẻ: “Sở dĩ quyết định chọn cây nghệ là bởi, giá trị của cây gia vị này đã được cả thế giới thừa nhận, thị trường thế giới cũng đã có một số sản phẩm chiết xuất từ tinh nghệ.Kinh nghiệm dân gian cả nghìn năm nay ghi nhận nghệ có tác dụng đối với bệnh dạ dày, gan mật, làm đẹp da, chống sẹo nám, tàn nhang.Nghĩa là, nó có giá trị phổ quát về công dụng nên chẳng phải đi chứng minh gì cả, chỉ còn có việc là làm sao đưa ra được một sản phẩm tiên tiến, tiện ích, giá hợp lý và dạng bào chế để đạt được tác dụng cao nhất, đồng thời có cơ hội phát triển thành một dòng sản phẩm từ nghệ với nhiều công dụng khác nhau. Đấy cũng là tiêu chí để chúng tôi chọn cây gừng, cây gấc và một số cây dược liệu thế mạnh khác”. 

Xác định tập trung vào cây nghệ, nhưng công nghệ nào giải quyết bài toán về dạng bào chế hiện đại giúp nâng tầm giá trị cây nghệ? Trên thế giới công nghệ Nano đã được áp dụng để sản xuất các sản phẩm từ nghệ từ khá sớm, giúp tạo ra giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả của các sản phẩm từ nghệ, nhưng tại Việt Nam chưa hề có công nghệ bào chế Nano Cucurmin. Nhập nghệ nano từ Hàn Quốc về quá đắt đỏ, giá khi đó là 1.500 USD/kg nguyên liệu. Vậy là phải dừng lại và rà soát, chẳng nhẽ thế giới người ta có, còn Việt Nam thì không có đề tài nào nghiên cứu?

Rồi trời cũng chiều lòng người, được sự giúp sức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, dược sĩ Phan Văn Hiệu đã tiếp cận được một đề tài nghiên cứu về Nano Cucurmin, đề tài này đã nghiệm thu thành công từ năm 2010 nhưng vẫn cất ngăn kéo. Ngay lập tức, toàn bộ bản quyền đã được chuyển giao, tròn 6 tháng sau - tháng 10 năm 2013, sản phẩm Nano Cucurmin ra đời từ củ nghệ vàng, ngay lập tức được bầu chọn là một trong 10 thành tựu khoa học công nghệ tiêu biểu của năm.

“Đánh thức” di sản nghìn năm 

Sau những ngày tháng miệt mài đi tìm những công trình nghiên cứu về cây thuốc Nam, Phan Văn Hiệu kể trong tiếc nuối, hóa ra có vô vàn những công trình nghiên cứu về cây thuốc và nguyên liệu làm thuốc của Việt Nam mà những nhà khoa học đi trước đã dày công thực hiện. Nhưng tiếc thay, phần lớn những đề tài khoa học đó sau khi nghiệm thu xong đã bị cất vào… ngăn kéo. Phần vì chưa có duyên để gặp được những người đồng chí hướng, phần nữa mới chỉ dừng ở mức nghiên cứu cơ bản, chưa có nghiên cứu ứng dụng, hoặc mới chỉ dừng ở việc thăm dò tác dụng dược lý, chiết xuất hoạt chất, phải đầu tư thêm hướng nghiên cứu ứng dụng trong điều trị bệnh.

Lại cũng có khi, đề tài nghiên cứu hay, kết quả tốt, đã được áp dụng tại cơ sở điều trị, bệnh viện… nhưng cơ chế chuyển giao lại không có, hoặc là mâu thuẫn giữa cơ quan chủ quản và tác giả. Vì thế, đường đi của các công trình nghiên cứu ứng dụng thành các sản phẩm thương mại hóa đưa ra thị trường bị ách lại ngay từ đầu, không có cơ hội để đến được với cộng đồng. Đó là sự lãng phí chất xám không thể đo đếm được.

Theo Phan Văn Hiệu thì sự lãng phí, thậm chí đó còn là “tội ác” nếu ngay từ bây giờ chúng ta không cùng chung tay để giữ lại di sản nghìn năm của cha ông nằm trong những bài thuốc dân gian, kinh nghiệm gia truyền của các ông Lang, bà Mế, những tri thức sử dụng thuốc Nam trong đời sống hàng ngày của người dân. Chuyện kiến thức dân gian bị mai một chẳng cần phải lấy ví dụ đâu xa. Chỉ quãng độ hơn 10 năm trước, tại các hệ thống y tế, đặc biệt là trạm xá thường có một vườn trồng cây thuốc Nam với đủ loại từ tía tô, húng quế, sài đất, bông mã đề, cỏ tranh, dấp cá… chữa đủ các bệnh từ tiêu hóa cho đến sài đẹn, nói chung là các bệnh lý thông thường.

Giờ hiếm hoi lắm mới có trạm y tế giữ được vườn thuốc, nhưng cũng chỉ là để cho có chứ không có cơ hội sử dụng. Phan Văn Hiệu tiếc nuối ví von: “Giống như sử thi ấy, giờ không còn ai nghe nữa thì lối kể sử thi cũng mất”. Một vài năm nay, Phan Văn Hiệu chăm đi, lúc ngược Tây Bắc, lúc xuôi miền Trung Tây Nguyên.

Càng đi càng thấy thú vị, sưu tầm học hỏi được nhiều bài thuốc hay, quen với nhiều cây thuốc quý, lần thì lại được một ông Lang ở Lào Cai bày cho bài thuốc chữa xoang, lạ nhưng hiệu quả. Lúc lại được bà Mế bày cho loại lá chuyên dùng chữa sỏi thận hoặc cơ xương khớp, bài thuốc gan, thuốc dạ dày… Tuy vậy tất cả mới đang chỉ dừng lại ở sưu tầm, khảo cứu và tìm hiểu tác dụng, tìm hiểu nguồn nguyên liệu mà chưa có cơ hội ứng dụng.

Cũng là chuyện tủi thân khi hơn 1.000 năm nay, thuốc Nam của ta phải đứng cạnh “người khổng lồ” thuốc Bắc của nước láng giềng. Trong khi thuốc của họ được thiết kế chặt chẽ theo nguyên lý Đông y, có kiểm chứng lý luận âm dương ngũ hành, tương sinh tương khắc giữa các thành phần, thì thuốc Nam của ta vẫn chỉ dừng ở kinh nghiệm dân gian, tri thức bản địa. Nói theo một cách đầy buồn bã thì thuốc Nam vẫn là thuốc của nhà nghèo. Hỏi dược sĩ Phan Văn Hiệu, có bao giờ nản không vì con đường đang đi còn nhiều khó khăn thì anh đáp: “Còn ngùn ngụt ý tưởng trong đầu nên không có chỗ cho sự nản”.

Ý tưởng đó là công ty của anh phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai đề tài nâng cao giá trị của cây ba kích tím, trong đó ứng dụng công nghệ Nano để sản xuất. Ý tưởng đó là biến gừng, một gia vị trên mâm cơm của người Việt thành một thức uống dưỡng sinh tăng cường sức đề kháng, cải thiện chứng dương hư, giúp tẩy chất độc trong cơ thể.

Ý tưởng còn là đưa gấc - loại quả gần như chỉ có ở Việt Nam từng được mệnh danh “quả đến từ thiên đường” trở thành một vị thuốc có khả năng chống ung thư và làm đẹp hoàn toàn “Made in Vietnam”; hay ý tưởng kết hợp cùng với nhóm các đồng nghiệp, phát triển mô hình du lịch sinh thái kết hợp chữa bệnh, trải nghiệm không gian và tri thức dược liệu bản địa, nhằm bảo tồn và truyền bá tri thức, thêm tin yêu và sử dụng các cây thuốc Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày. Để cây thuốc Việt không chỉ là tiềm năng, mà phải thực sự có vị trí xứng đáng trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người dân Việt.