“Đánh thức” những làn điệu quan họ cổ

ANTĐ - Một CD toàn những bài quan họ cổ là vốn quý của các thế hệ đi trước truyền lại cho đời sau. Theo nhà thơ Nguyễn Phan Hách – thi sĩ trưởng thành từ miền quan họ Bắc Ninh, việc ra mắt album “La rằng” là một tín hiệu rất đáng mừng, cũng là cách lấy lại công bằng cho nghệ sĩ. 

Một canh hát quan họ cổ tại làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

Ước mơ giản dị

Những nghệ sĩ ấy là Vũ Tự Lẫm, Minh Phức, Lệ Ngải… Họ đều sinh trưởng trong những gia đình có truyền thống nghệ thuật, như nghệ sĩ Tự Lẫm người làng văn hiến Trang Liệt thuộc thị xã Từ Sơn. Còn đôi liền chị hát cặp với nhau có tiếng mấy chục năm qua - Minh Phức và Lệ Ngải là chị em trong họ ở làng Ngang Nội - làng quan họ gốc thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Du. 45 năm trước, khi Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh được thành lập (tiền thân của Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh ngày nay), họ từ bỏ ruộng đồng, chuyên tâm vào nghệ thuật và trở thành những thành viên thế hệ đầu, có nhiều công lao gây dựng đoàn. Theo ông Nguyễn Phan Hách, họ ở cùng đoàn với Thúy Hường, Thúy Cải, tài năng không kém nhưng người thì nổi như cồn, kẻ thì gian nan lận đận.

Năm 1969 và những năm đầu thập kỷ 70 thế kỉ trước, các nghệ sĩ đoàn quan họ lăn xả vào thực tế. Họ đi xuống các làng quan họ gốc, “ba cùng” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm - với gia đình các nghệ nhân quan họ kỳ cựu, những người chứa trong mình ăm ắp vốn liếng dân ca quan họ cổ. Cũng với hình thức học tập, lưu giữ truyền khẩu truyền thống, may mắn thay họ đã dày công học hỏi, lưu giữ được vốn liếng bài bản quan họ cổ phong phú của nhiều làng quan họ gốc, trong đó có những bài ít khi xuất hiện trong biểu diễn, sinh hoạt ca hát quan họ hiện nay. Bây giờ, các nghệ nhân cao tuổi ngày ấy đều đã về trời thì những gì họ được truyền lại càng trở nên quý giá, không chỉ là tài sản của riêng họ mà là của cả một nền văn hóa. Chính vì thế, từ lâu các nghệ sĩ mơ ước có được một ấn phẩm quan họ cổ, kỷ niệm cuộc đời hoạt động nghệ thuật, cũng là để tự động viên mình trên hành trình bảo tồn vốn cổ. Theo liền chị Lệ Ngải, “chúng tôi ăn dầm ở dề hàng tháng trời, chép tay hàng trăm tờ giấy, vì hồi đó chúng tôi làm gì có máy ghi âm ghi hình. Nếu chúng tôi không hát lại, thì những câu quan họ ấy muôn đời vẫn chỉ ở trong danh mục”.

Món quà quý giá

Khi biết được ước mơ giản dị này của các nghệ sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - Phó trưởng Ban Biên tập NXB Âm nhạc rất hào hứng động viên cổ vũ. Ngặt nỗi điều kiện nhà xuất bản cũng hạn chế, tìm kiếm một dự án được tài trợ thật không dễ. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ đều đã nghỉ công tác từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Dù đời sống khó khăn, họ vẫn kiên trì, lặng lẽ giữ gìn những vẻ đẹp văn hóa của quan họ cùng kỹ thuật thể hiện tinh tế. Hòa mình trong đời sống văn hóa, lễ hội để vừa mưu sinh, các nghệ sĩ vừa lấy không khí dân gian để nuôi giữ những câu hát cổ. Ngặt nỗi một sản phẩm âm nhạc cho ra tấm ra món cần đến kinh phí sản xuất hàng trăm triệu đồng. Nghệ sĩ thì lấy đâu ra nguồn vốn để đầu tư. 

Nhưng một cơ duyên đã đến khi anh ba Đình Vũ - người làng quan họ gốc Đào Xá, học trò của các nghệ sĩ, cũng là người lặng lẽ luyện nghề bấy nay, vận động được một số nơi quen biết để có một khoản tạm gọi là vừa đủ. 

Họ thống nhất chọn 10 bài quan họ cổ: “Tứ hải giao tình”, “Duyên phận phải chiều”, “Phùng quan xuân hội”, “Chim kêu gióng giả”, “Thơ thẩn tìm ai”, “Bóng quế giãi thềm”, “Xuông hời”, “Lênh đênh duyên nổi phận bèo”, “Hương gối đầu ghềnh”, “Lấy gì làm thú giải phiền”... để đưa vào CD đặc biệt này. Theo liền chị Minh Phức, đây là “những bài quan họ rất cổ, giờ nếu không ghi lại, truyền lại sẽ mai một. Bằng việc ra mắt album quan họ cổ này chúng tôi mong muốn có thêm nhiều giọng hát trẻ trở lại với cội nguồn, để những giá trị văn hóa của ông cha tiếp tục được trao truyền”.

CD “La rằng” chính thức ra mắt với sự đỡ đầu của NXB Âm nhạc, là món quà quý giá cho người yêu mê những làn điệu quan họ. Và, thành quả ban đầu này là cơ sở để các nghệ sĩ và những bạn bè thân thiết, có thể tiếp tục dự định và chờ đợi những ấn phẩm hay dự án tiếp theo cho quan họ cổ. Đây mới chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng quan họ mà các nghệ sĩ đang giữ gìn bằng tất cả niềm say mê và những tháng năm thanh xuân của mình.