Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử Công an nhân dân”

Đánh thức một thời hào hùng

ANTD.VN - Sau 3 năm triển khai, cuộc vận động sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật Công an nhân dân đã tiếp nhận hơn 5.000 kỷ vật của thân nhân các gia đình liệt sỹ, các nhân chứng lịch sử, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ, chiến sĩ... Phía sau mỗi kỷ vật được trân trọng trao tặng là biết bao câu chuyện cảm động về cuộc sống một thời chiến đấu và hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ Công an nhân dân. 

Đánh thức một thời hào hùng  ảnh 1Các sĩ quan hưu trí TP Hà Nội và những kỷ vật hiến tặng
cho BTC Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND”

Nhiều kỷ vật vô giá

Cuộc vận động sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND do Bộ Công an phát động từ tháng 9-2012 với mục đích tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về truyền thống cách mạng vẻ vang của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Việc sưu tầm các kỷ vật có ý nghĩa đặc biệt nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau, nhất là khi các thế hệ chiến sĩ trực tiếp tham gia vào các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đã có nhiều người hy sinh và nhiều người đến nay cũng đã tuổi cao, sức yếu.

Với ý nghĩa nhân văn và cao cả, cuộc vận động nhận được sự ủng hộ của nhiều đơn vị thuộc lực lượng công an như Câu lạc bộ Sĩ quan Công an hưu trí Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật CAND, Công an các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Báo An ninh Thủ đô... Bên cạnh đó, cuộc vận động còn nhận được sự ủng hộ to lớn của các doanh nghiệp như Tập đoàn Vingroup, Ngân hàng Vietinbank và các đơn vị ngoài ngành Công an.  

3 năm qua, Ban tổ chức cuộc vận động đã tiến hành sưu tầm tại gần 300 đơn vị trong và ngoài lực lượng công an, vận động tổ chức được 11 đợt tiếp nhận và triển lãm kỷ vật lịch sử CAND tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt, đợt tiếp nhận tại TP.HCM đã thu hút gần 17.000 lượt khách tham quan. Tính đến thời điểm hiện tại, cuộc vận động đã sưu tầm, tiếp nhận được hơn 5.000 kỷ vật. Trong đó, có nhiều kỷ vật được xem như vô giá, gắn liền với lịch sử Công an nhân dân Việt Nam. Có thể kể như chiếc đèn pin - một chiến lợi phẩm của cán bộ Ban An ninh T4 (tiền thân Công an TP.HCM) Đào Văn Nỏn thu được và sử dụng từ năm 1967-1975; chiếc ống nhòm do ông Nguyễn Tuấn - Trưởng Ban chuyên án K36 thu được của gián điệp biệt kích nhảy dù xuống Sơn La năm 1965; bộ dụng cụ cắt tóc của cán bộ hậu cần sử dụng trong thời kháng chiến... 

Đánh thức một thời hào hùng  ảnh 3Các kỷ vật được lưu giữ tại Bảo tàng CAND

Đằng sau mỗi chiến công

Những kỷ vật đã in màu thời gian, sẽ kể cho người xem câu chuyện về những người chiến sĩ công an quả cảm, đã sống và chiến đấu quên mình vì nhân dân, vì đất nước. Và ở đó, người xem còn thấy được một chặng đường lịch sử hào sảng, vẻ vang nhưng cũng đầy gian truân của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Từ chiến lợi phẩm thu được trong các trận chiến đấu, những người chiến sĩ công an đã tận dụng, sửa chữa cho phù hợp với thực tế chiến đấu thời kháng chiến. Một chiếc đĩa nhôm tự tạo từ mảnh đạn pháo của đồng chí Trần Văn Hiệu, nguyên cán bộ Ban An ninh huyện Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị thời kháng chiến chống Mỹ, đã cho thấy sự khéo tay, sáng tạo của các chiến sĩ công an. Và rất nhiều các vật dụng khác được hiến tặng cho cuộc vận động lần này đều chứng tỏ khả năng vận dụng và biến đổi tình thế, biến khó khăn thành thuận lợi của những người lính công an. 

Hòa bình lập lại, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng ở thời điểm ấy, Công an Việt Nam đã chứng tỏ được bản lĩnh và sức mạnh của một trong các lực lượng bảo vệ Đảng và Nhà nước đắc lực. Các chuyên án được lập ra đã đập tan âm mưu đen tối và thâm độc của các thế lực thù địch.

Một chiếc đài bán dẫn đơn sơ đã được Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an sử dụng phục vụ đấu tranh chuyên án CM12 là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng đã qua. Chiếc đài ấy đã theo Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn trong suốt thời gian diễn ra một trong các chuyên án nổi tiếng nhất của lực lượng công an, phá tan tổ chức gián điệp, biệt kích do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu, đưa vũ khí và tiền giả vào Việt Nam nhằm phá hoại an ninh quốc gia và lật đổ chính quyền.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, chiếc đài đã được hiến tặng cho cuộc vận động với mong muốn, các thế hệ mai sau sẽ hiểu hơn về câu chuyện đằng sau mỗi chiến công. Đó chính là sự mưu trí, dũng cảm và cả máu, nước mắt của những người chiến sĩ công an nhân dân đã đổ xuống để giữ yên bình quê hương, xóm làng. 

Trong thời gian diễn ra cuộc vận động, nhiều chương trình giao lưu - nghệ thuật, Cuộc thi viết “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” đã được tổ chức, góp phần lan tỏa ý nghĩa sâu rộng và tốt đẹp của chương trình. Sau 3 năm triển khai, cuộc vận động đã thành công ngoài mong đợi, sưu tầm và lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị lịch sử, văn hóa.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND kiến nghị: “Để phát huy kết quả tốt đẹp của cuộc vận động, các đơn vị chức năng cần tổ chức tốt hoạt động bảo quản và tuyên truyền phát huy giá trị kỷ vật đã được sưu tầm. Đồng thời, các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền vận động các tổ chức và cá nhân sưu tầm, hiến tặng kỷ vật phản ánh thành tựu và cống hiến của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ công an và nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”. Từ hơn 5.000 hiện vật được sưu tầm, Bảo tàng CAND, số 1 Trần Bình Trọng đã tuyển chọn và trưng bày 400 kỷ vật tiêu biểu, nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách về lịch sử Công an nhân dân Việt Nam.