"Đánh thức" hương vị trà Việt

ANTD.VN - “Trà ướp hương sen tưởng quen thuộc nhưng làm rất dụng công. Nếu như làm lâu quá thì hương sen sẽ bay đi mất. Còn nếu làm nhanh thì gạo sen bị giập nát, trà bị ôi oai” - nghệ nhân trà Nguyễn Việt Hùng, quán quân của cuộc thi “Tea Master Cup Việt Nam 2016” chia sẻ về việc đánh thức những hương vị trà truyền thống, tưởng chừng đã bị lãng quên trong đời sống hiện đại.

Nếu như rượu là đặc trưng văn hóa phương Tây thì người phương Đông tự hào về văn hóa trà. Ở Việt Nam, trà có mặt trong mọi sinh hoạt hàng ngày từ tiệc tùng, cưới hỏi, ma chay… từ vỉa hè, quán nước cho đến những nơi sang trọng, kiểu cách.

Trà và sen kết thành tri kỷ 

Không chỉ là giao đãi, thưởng trà đã được nâng tầm thành nghệ thuật, thành nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Từ nhiều năm nay, nghệ nhân Nguyễn Việt Hùng đã dành nhiều công sức để nghiên cứu và chế biến các loại trà truyền thống. Bước vào không gian trà của anh nằm ở con phố Vĩnh Phúc, người yêu trà như được trở về với không gian tĩnh tại và thả hồn với chén trà thơm nghi ngút.

Theo anh Nguyễn Việt Hùng, từ một loại nguyên liệu trà, người ta có nhiều phương pháp chế biến khác nhau như Bạch trà, Lục trà, Ô Long trà, Hồng trà, Hoàng trà, Phổ Nhĩ trà. Mỗi phương pháp lại đi liền với các kỹ thuật phơi, sấy, ủ… khác nhau, phù hợp với từng khẩu vị của mỗi người. 

Vừa giảng giải về các loại trà, anh Nguyễn Việt Hùng vừa chậm rãi pha chế món trà ướp hương sen. Đây chính là công thức đã mang về cho anh chiến thắng tại cuộc thi “Tea Master Cup Việt Nam 2016”. Theo anh Hùng, trà ướp hương sen tuy ai cũng biết nhưng nó lại được chế biến rất kỳ công: “Buổi sáng sớm lấy sen, phải nhanh chóng đưa sen về, tách lá sen ra khỏi bông sen để lấy gạo sen ra. Nếu như làm lâu quá thì hương sen sẽ bay đi mất. Còn nếu làm nhanh thì gạo sen (hạt trắng ở đầu nhị sen) bị giập nát, trà bị ôi oai, lên men nhanh, dễ bị hỏng”.

Vì sen chỉ nở vào tháng 6, tháng 7 nên chỉ duy nhất một thời điểm này trong năm mới có thể ướp được trà này. Không giống như những người khác, để ướp trà, anh phải kỳ công chọn loại chè Shan tuyết cổ thụ, mọc ở độ cao trên 1.800m ở những vùng núi cao Hà Giang như Hoàng Su Phì, Tây Côn Lĩnh, Vị Xuyên…

“Những búp chè ở đây thường to, mập mạp, cánh lớn. Vị trà rất mạnh do phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của vùng núi cao. Một ở trên núi cao, một dưới đồng bằng, làm thế nào để chúng hòa quyện lại không phải đơn giản. Có người ướp trà sen coi trà là chủ, sen là khách. Có người coi hương là chính, trà là phụ. Còn tôi coi trà và sen là tri kỷ, trong trà có sen, trong sen có trà” - nghệ nhân Nguyễn Việt Hùng chia sẻ. 

Nghệ nhân trà Nguyễn Việt Hùng

Tinh hoa trà Việt

Theo anh Nguyễn Việt Hùng, người Việt vốn quen uống và ưa chuộng trà xanh (lục trà), tuy nhiên, có rất nhiều trà trong kho trà truyền thống như Bạch trà, Hồng trà, trà Thiệt Tước… gần như đã bị lãng quên. 

Trà Thiệt Tước xưa kia là trà quý chỉ dùng tiến vua, cánh trà nhỏ se lại như lưỡi con chim nên được gọi là Thiệt Tước. Trà được làm từ những búp chè non của vùng Tân Cương (Thái Nguyên), pha ra có mùi thơm như cốm non, nước xanh nhẹ, uống một ngụm nhỏ cũng đủ để vị ngọt vấn vít trong cổ họng. Hồng trà thì có vị thanh mát, ngọt ngào như hương thảo mộc, được coi như một loại cây thuốc quý, tốt cho tim mạch.

Tuy nhiên, theo nghệ nhân Nguyễn Việt Hùng, nói đến vị trà nguyên thủy nhất phải kể đến Bạch trà. Sở dĩ như vậy bởi Bạch trà được coi là phương pháp đầu tiên trong các phương pháp chế biến trà. Trà được làm từ những đọt non trên cùng của cây chè cổ thụ, được phơi trên phên tre từ 5-7 ngày để khô tự nhiên. Do phương pháp chế biến đơn giản nên loại trà này giữ được hương vị tinh túy nhất.

Trà pha ra có màu xanh ánh vàng, mùi thơm thanh khiết, vị ngọt sâu lắng. Bạch trà thì sau một năm vẫn là trà, ba năm là thuốc, còn bảy năm là châu báu. Nói như vậy bởi dược tính của Bạch trà rất cao, có khả năng chống lão hóa, tăng cường tuần hoàn não, giảm mỡ máu... Bởi thế vài năm trở lại đây, thứ trà này được nhiều người ưa chuộng trở lại, được những người sành trà coi là một thú chơi tao nhã trong ngày Tết. 

“Ở Việt Nam có rất nhiều vùng trà được thiên nhiên ưu đãi. Trong tôi chưa có nước nào có nhiều cây chè cổ thụ như Việt Nam. Đây là vốn quý không phải ở đâu cũng có. Tôi hy vọng rằng với những công việc của những người như chúng tôi thì nguồn tài nguyên đó sẽ không bị lãng phí và người Việt sẽ tìm đến với hương vị truyền thống, để trà Việt Nam có vị trí xứng đáng trên bản đồ trà thế giới” - nghệ nhân Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.