“Đánh thức” Flamengo giữa lòng Hà Nội

ANTĐ - Hiếm có ban nhạc nào ở Việt Nam kiên trì theo đuổi và chơi nhạc Flamenco một cách bài bản như Lãng Du. Tái xuất sau 2 năm với chuỗi chương trình âm nhạc có nhiều chủ đề xuyên suốt vẫn là Flamenco, ban nhạc Lãng Du muốn đưa đến cho khán giả một không gian âm nhạc đích thực của dòng nhạc có xuất xứ Tây Ban Nha.
“Đánh thức” Flamengo giữa lòng Hà Nội ảnh 1

- PV: Vẫn chung thủy với Flamenco sau 13 năm hoạt động, phong cách chơi nhạc của Lãng Du có gì thay đổi qua từng ấy năm? 

- Trưởng ban nhạc, nghệ sỹ guitar Trần Việt Anh: So với thế giới thì Flamenco không phải dòng nhạc mới mẻ nhưng ở Việt Nam nó còn chưa thực sự phổ biến. Lãng Du xác định chơi New Flamenco theo phong cách hiện đại, bên cạnh màu sắc chủ đạo là guitar còn có sự hòa quyện với piano, violon, trống, bộ gõ… Nó đã gắn bó với Lãng Du từ những ngày đầu và tôi nghĩ không có gì thay đổi cả.  

- Anh vừa nói Flamenco ở Việt Nam còn tương đối mới, vậy trong những màn biểu diễn của mình, Lãng Du giới thiệu dòng nhạc này đến khán giả như thế nào?

- Trong các chương trình của Lãng Du, chúng tôi đã đưa một phần trăm của dòng nhạc Flamenco vào nhằm thỏa mãn phong cách chơi, thứ hai là tính giáo dục khí nhạc. Đôi khi công chúng Việt Nam chỉ quan tâm tới tính “ca hát” chứ chưa chú ý đến tính “âm nhạc”, xem nó có tư tưởng như thế nào, nội dung có gì mới… Nên việc đưa khí nhạc đến với công chúng là một chặng đường khá dài. Lãng Du muốn được cống hiến những đêm diễn đúng tinh thần của ban nhạc.

- Được biết ban nhạc đang thực hiện chuỗi chương trình âm nhạc mang tên “Lãng Du Friday Night” vào thứ sáu hàng tuần phục vụ công chúng nghe nhạc?

- Những người biết đến và theo dõi hoạt động của ban nhạc cũng có người hỏi dạo này ban nhạc chơi ở đâu, chơi nhạc gì. Dù chỉ một vài người đề xuất thì chính việc này đã thúc đẩy chúng tôi, “Tại sao không tạo sân chơi cho những người đón đợi mình?”. Ngoài ra, tôi nhận thấy vào thời điểm mùa hè có khá ít tụ điểm âm nhạc phục vụ công chúng. Có những người yêu âm nhạc nhưng không có điều kiện để thưởng thức những chương trình âm nhạc lớn nên tôi nghĩ cần có những không gian sinh hoạt như thế. 

- Dù màu sắc chủ đạo là Flamenco nhưng chuỗi chương trình này bao gồm nhiều chủ đề khác nhau như: “Latin”,“Tình yêu”, “Country & love song” hay những đêm nhạc chuyên đề về các nhạc sỹ như Trương Quý Hải…?

- Ngoài phong cách Flamenco, trong chuỗi 10 chương trình thì có 5 chương trình có màu sắc tương đối mới với người nghe. Chẳng hạn bên cạnh những nhạc sỹ tên tuổi như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, chúng tôi cũng giới thiệu đến những tác giả có đóng góp nhất định cho làng âm nhạc như Nguyễn Ánh 9… Hay đêm “Phiêu lãng” gồm những nhạc phẩm lớn trong giai đoạn 1954 - 1975 cho đối tượng khán giả lớn tuổi. Lãng Du cũng xen kẽ một đêm âm nhạc Việt Nam, một đêm nhạc quốc tế để tạo nên cảm xúc và phục vụ đa dạng thị hiếu của người nghe.  

- Trong khi âm nhạc điện tử đang thu hút đông đảo khán giả trẻ, đối với những ban nhạc chỉ chơi nhạc mộc như Lãng Du có bị ảnh hưởng?

- Tôi nghĩ loại nhạc nào cũng có đối tượng khán giả riêng, và phải nói acoustic cũng tương đối kén người nghe. Thực tế ở Việt Nam, rất nhiều ca sỹ muốn thực hiện sản phẩm âm nhạc theo phong cách acoustic nhưng không đủ điều kiện. Đĩa “Tóc ngắn Acoustic” của chị Mỹ Linh ra mắt đã được công chúng đón đợi và hưởng ứng rất tích cực. Chứng tỏ nó có sức sống nhất định trong đời sống âm nhạc. Hiện nay, nếu bạn để ý sẽ thấy các công ty sản xuất chương trình truyền hình cũng có xu hướng để cho ban nhạc chơi nhạc trực tiếp, chứ không sử dụng đĩa thu sẵn.   

- Sau 10 chương trình “Lãng Du Friday Night”, ban nhạc sẽ có kế hoạch xa hơn trong thời gian sắp tới?

- Sau chương trình này, Lãng Du vẫn sẽ tập trung vào thế mạnh của mình là Flamenco. Ngoài việc diễn tại Hà Nội, Lãng Du đang có kế hoạch tổ chức một chương trình biểu diễn với quy mô lớn ở các địa điểm tại Việt Nam. Hy vọng sau tour diễn, chúng tôi sẽ có cơ hội được giao lưu với những ban nhạc mang phong cách tương tự trong khu vực châu Á.