Danh thắng Tràng An - Ninh Bình: Khó xác định tiêu chí

ANTĐ - Danh thắng Tràng An hội tụ nhiều yếu tố, tiêu chí để được xem xét công nhận Di sản Thế giới. Nhưng việc có quá nhiều yếu tố lại đang khiến những nhà quản lý ở đây đau đầu.

Điều kỳ diệu ở Tràng An là các hang động nối tiếp nhau

Ưu đãi của thiên nhiên 

Với diện tích lên tới 12.000 ha bao gồm ba khu vực: Khu sinh thái Tràng An, khu Tam Cốc - Bích Động, khu cố đô Hoa Lư, quần thể Di tích Tràng An đã được khẳng định như một ứng viên cho danh hiệu Di sản Thế giới. Sự ví von là “Hạ Long trên cạn” đã phần nào xác thực cho vẻ đẹp của Tràng An.

Có thể nói, thiên nhiên đã quá ưu ái khi ban tặng cho Việt Nam khu danh thắng này. Nơi đây là một vùng non nước hữu tình, sông núi, ao hồ đan xen hòa quyện với cảnh sắc nước mây trời trong xanh. Tràng An có tới 31 hồ, đầm được nối thông bởi 48 hang động trong đó có những hang xuyên thủy dài hàng cây số như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây...

Mỗi hang một vẻ, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi thành muôn hình vạn trạng, tạo bao liên tưởng sinh động cho khách du lịch. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ. Hang Sáng long lanh với những nhũ đá kỳ lạ tỏa ra thứ ánh sáng phản chiếu lung linh, huyền ảo. Hang Nấu Rượu và hang Cơm với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. Trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10m… Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành thế liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc về thế núi, dáng núi và hồ nước. Bởi vậy mà du lịch Tràng An có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín. Mỗi lần qua một hang động, lại đến một vùng sông nước được bao bọc bởi núi non, cả hành trình đó khép kín thành một vòng. Đó còn chưa kể đến những dấu ấn lịch sử, văn hóa đã được ghi nhận càng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của vùng danh thắng này. 

Bỏ thì thương, vương thì tội

Cũng bởi được thiên nhiên ưu ái nên khi lập hồ sơ xin công nhận danh hiệu Di sản Thế giới, Tràng An lại rơi vào thế “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Số là Tràng An có quá nhiều điều kiện để xin công nhận danh hiệu trên. Non nước Tràng An vừa hội tụ được yếu tố về tính thẩm mỹ tự nhiên, lại vừa đảm bảo tiêu chí về địa chất - địa mạo với hệ thống núi đá vôi và hang động karst khổng lồ. Lại thêm cả yếu tố văn hóa mà chính quyền nơi đây đang xem xét để đưa thêm vào hồ sơ xét duyệt. Đầu tháng 3 vừa qua, chuyên gia người New Zealand Paul Dingwall sau khi khảo sát hang động tại Tràng An, đã đưa ra một số ý kiến đóng góp.

Theo đó, thay vì chỉ lập hồ sơ Di sản Thế giới ở hai tiêu chí về giá trị địa chất - địa mạo (tiêu chí 7) và về giá trị thẩm mỹ (tiêu chí 9), Tràng An nên tính toán việc nhấn thêm vào yếu tố văn hóa ở tiêu chí 5. Theo chuyên gia Paul Dingwall, hiện nay trên thế giới có hơn 900 di sản, hơn 200 di sản thiên nhiên, trong đó 27 di sản thiên nhiên mang tính chất hỗn hợp. Nếu chỉ xét về khía cạnh địa chất, địa mạo hay về giá trị thẩm mỹ, Tràng An có nhiều điểm tương đồng với hai Di sản Thiên nhiên Thế giới của Việt Nam là Di sản Vịnh Hạ Long và Di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế ở địa phương cũng đã ít nhiều ảnh hưởng tới tính nguyên vẹn của khu danh thắng này. Có lẽ bởi vậy mà chuyên gia người New Zealand đã gợi ý lập hồ sơ xin công nhận danh hiệu Di sản Thế giới theo hướng… hỗn hợp. Nhưng nếu lật lại hồ sơ, cách đây hơn 20 năm, Cố đô Hoa Lư (một phần của quần thể Di tích Tràng An hiện nay) đã thất bại trong việc xin 

UNESCO công nhận danh hiệu… di sản văn hóa. Theo lịch trình, vào ngày 30-4 tới đây, tỉnh Ninh Bình mới đưa ra lựa chọn cuối cùng về tiêu chí mà khu di tích, danh thắng Tràng An sẽ chọn để đề xuất xin công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới. Nhưng khoảng thời gian chỉ hơn 1 tháng có đủ để có những đánh giá khách quan, đúng đắn nhất về hướng đi mà Tràng An sẽ chọn trên con đường tìm sự vinh danh đối với cả thế giới. Thêm một vấn đề nữa phải bàn đến là mặc dù mới chỉ có 27 di sản hỗn hợp được vinh danh so với tổng cộng 725 di sản về văn hóa và 183 di sản thiên nhiên, nhưng con số đó cũng đủ cho thấy, những đòi hỏi khắt khe đối với di sản hỗn hợp. Chẳng thế mà từ khi Ủy ban Di sản thế giới đưa ra khái niệm di sản hỗn hợp cho đến nay, mới chỉ có 27 di sản hỗn hợp được vinh danh. Vậy chọn di sản “kép” e lại là con đường “tối” đối với khu danh thắng Tràng An. 


Còn nhiều việc phải làm

Theo các chuyên gia, để giành được danh hiệu di sản văn hóa thế giới thì các di tích phải đảm bảo được 2 yếu tố là có giá trị nổi bật toàn cầu và có các biện pháp quản lý hữu hiệu. Năm 1991, Cố đô Hoa Lư cũng bị loại vì không đủ sức thuyết phục về hai tiêu chí trên. Vậy Tràng An cũng phải tự chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng với việc bảo vệ món quà của thiên nhiên này.

Có mặt tại Ninh Bình trong kế hoạch phối hợp với Tràng An về việc tổ chức điều tra khảo sát những hang động của quần thể danh thắng này, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử cho biết, những dấu tích đã phần nào cho thấy, khu Tràng An chịu tác động của quá trình biển tiến, biển thoái cách đây từ 5.000 đến 7.000 năm.

Những ngấn nước cùng những hàm ếch trên vách đá vôi đã chứng minh điều đó. Nhưng đó mới chỉ là những đánh giá sơ bộ, là những người làm khoa học, chúng tôi cần những bằng chứng xác đáng thông qua sự tổ chức điều tra, khảo sát, thám sát cho tới những khai quật khảo cổ quy mô. Nhưng hơn tất cả, ông cũng như rất nhiều người dân Việt Nam đều mong muốn tỉnh Ninh Bình, Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An cần chú ý hơn nữa tới việc bảo vệ khu di tích này trước những tác động tới cảnh quan môi trường. Việc phát triển du lịch cùng hoạt động kinh tế trong khu vực ít nhiều cũng gây ảnh hưởng, tổn hại không nhỏ đến những giá trị của Tràng An khi làm căn cứ để công nhận Di sản Thế giới.