Tây Ban Nha:

Đánh tham nhũng - đụng ngay 50 tòa thị chính

ANTĐ - Cảnh sát Tây Ban Nha đã mở một chiến dịch nhằm vào 50 tòa thị chính và thực hiện 12 vụ bắt giữ do liên quan tới tiêu cực trong hợp đồng công. Động thái này diễn ra khi giới chức Tây Ban Nha đang quyết đẩy lùi tham nhũng để lấy lại sự tin tưởng của người dân đối với chính phủ.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy từng phải xin lỗi người dân về bê bối tham nhũng liên quan tới lãnh đạo đảng cầm quyền

Vạch trần toàn diện sai trái 

Ngày 6-7, một phát ngôn viên của cảnh sát Tây Ban Nha cho hay, việc tìm kiếm thông tin nhằm phục vụ cuộc điều tra trên đã động chạm tới 50 tòa thị chính. Cuộc điều tra cũng liên quan tới các văn phòng và nhà riêng (ở cả quốc gia láng giềng là Andorra - được cho là “thiên đường thuế” giữa Tây Ban Nha và Pháp), được cho là liên quan tới các hành vi gian lận thuế, lạm dụng chức vụ và các hợp đồng công béo bở. Những người bị bắt giữ gồm một cựu thị trưởng, các doanh nhân và công chức, bị tình nghi vi phạm quản lý hành chính.

Chiến dịch này diễn ra sau cuộc điều tra nhắm vào các hoạt động phi pháp của Efial - văn phòng tư vấn chính trị có liên quan tới nhiều tòa thị chính, chủ yếu ở vùng Đông Bắc Catalonia. Văn phòng này đã lập nên nhiều công ty phục vụ cho hoạt động rửa tiền công quỹ của nhiều tòa thị chính, như một phần của mạng lưới tham nhũng trải dài từ Madrid tới Barcelona và Tarragona, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết trong một báo cáo. “Phần lớn tiền của các quỹ được chuyển tới quốc gia Andorra thông qua nhiều hợp đồng thương mại” - bản báo cáo cho biết. 

Nhiều phương tiện truyền thông Tây Ban Nha cho biết, một số tòa thị chính bị điều tra thuộc sự quản lý của đảng Dân chủ Catalonia (CDC). Trước đó đã có một số cáo buộc tham nhũng nhằm vào người sáng lập CDC - ông Jordi Pujol. Vị cựu lãnh đạo lâu năm xứ Catalonia (từ năm 1980-2003) này bị nghi ngờ cất giấu hàng triệu euro ở nhiều “thiên đường thuế”.

Phá hoại uy tín chính phủ 

Tình hình chính trị tại Tây Ban Nha vẫn bế tắc sau cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra cuối tháng 6 vừa qua vì không đảng nào giành được đa số ghế trong Quốc hội để thành lập chính phủ mới. Điều này cho thấy, cử tri Tây Ban Nha đang thiếu lòng tin vào chính phủ. Trong khi đó, một trong những lo ngại lớn của người dân là nạn tham nhũng. Thời gian gần đây, Tây Ban Nha liên tiếp xảy ra các vụ bê bối tham nhũng lớn, phá hoại uy tín của giới cầm quyền. 

Hồi tháng 1 năm nay,  công chúa Tây Ban Nha Cristina và chồng đã phải ra hầu tòa với cáo buộc lợi dụng hoạt động của một công ty tư vấn bất động sản làm “bình phong” để cung cấp tiền phục vụ lối sống xa hoa. Cùng tháng này, ngày 22-1, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya de Santamaria tuyên bố từ chức do một trong những cộng sự chính của bà dính líu tới tham nhũng tại công ty quốc doanh mà bà từng chịu trách nhiệm giám sát. 

Tháng 2-2016, cảnh sát Tây Ban Nha bắt thêm 14 đối tượng tại khu vực Valencia, nâng tổng số người bị bắt lên 24 trong một vụ tham nhũng mới liên quan tới các cựu quan chức cấp cao thuộc đảng Nhân dân (PP) cầm quyền của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Trong những đối tượng bị bắt, đáng chú ý là Alfonso Rus - cựu Chủ tịch đảng PP của khu vực Valencia. 

Khoảng 2 năm trước (26-11-2014), Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Ana Mato  phải từ chức vì liên quan tới cáo buộc tham nhũng. Trong vụ án này, hơn 40 chính khách của đảng PP tại địa phương và khu vực bị tố cáo đã nhận lại quả và hối lộ từ các nhà thầu tư nhân. Chồng cũ của Bộ trưởng Y tế là nghi can chính trong vụ án.

Trước đó, tháng 10-2014, tòa án Tây Ban Nha buộc tội 26 chính trị gia thuộc đảng PP và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong vụ bê bối tham nhũng chấn động nước này. Trong số các nghi phạm có Chủ tịch Didier Maurice của Spain for Cofely - một công ty con của công ty năng lượng Pháp GDF Suez. Những nghi phạm này đã lại quả cho các công trình công cộng với giá khoảng 250 triệu euro (khoảng 315 triệu USD), bao gồm các thỏa thuận của Cofely.

Năm 2013, Tòa án thành phố Malaga, đã ra phán quyết cuối cùng, chấm dứt phiên tòa xử tội tham nhũng với số bị cáo kỷ lục là 95 người. Trong số bị cáo này có 15 ủy viên hội đồng thành phố Marbella cùng 2/3 số viên chức đang làm việc tại Tòa thị chính Marbella, từ thị trưởng đến nhân viên kế toán, cũng như giám đốc các công ty xây dựng liên quan về tội đưa hối lộ và gian lận tài chính. Phiên tòa này ngoài số bị can đông đảo, còn có 100 luật sư và 300 phóng viên.