Đánh mẹ đẻ, phạm tội ngược đãi hay cố ý gây thương tích?

ANTĐ - Khoảng 20h ngày 7-5,  Hoàng Khắc T (39 tuổi), ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đi uống rượu về nhưng chưa thấy mẹ là bà Nguyễn Thị Đ (68 tuổi) nấu cơm tối. Hoàng Khắc T đi tìm thì thấy bà Đ đang nằm trong nhà. T gọi hỏi thì bà Đ trả lời do bị bệnh, nằm trên giường nên không dậy nấu cơm được. 

Nghe bà Đ nói, T đã lớn tiếng rồi xông vào dùng tay đánh liên tiếp mẹ mình. Bà Đ hoảng loạn tìm cách thoát ra ngoài nhưng T vẫn tiếp tục truy đuổi và hành hung khiến bà Đ ngất xỉu. Người dân sống xung quanh phát hiện sự việc đã chạy đến can ngăn. Ngay sau đó, bà Đ được mọi người đưa đến bệnh viện để cấp cứu.

Theo thông tin ban đầu, T là con cả trong gia đình có hai anh em trai, nhưng thiếu thốn tình cảm từ bé vì cha của T đã bỏ đi chung sống với người phụ nữ khác, để mặc bà Nguyễn Thị Đ nuôi hai anh em T. T bị dị tật từ nhỏ khi một chân bị thọt. Vì mặc cảm với bản thân nên T thường hay uống rượu và gây sự với người thân trong gia đình. Cơ quan công an đã tạm giữ Hoàng Khắc T để điều tra. 

Vấn đề cần trao đổi là hành vi của Hoàng Khắc T đã phạm vào tội cố ý gây thương tích hay tội ngược đãi cha mẹ?

 Ý kiến bạn đọc:

T phạm tội cố ý gây thương tích

Chỉ vì say rượu và với những đòi hỏi cá nhân không được đáp ứng, Hoàng Khắc T đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của chính mẹ đẻ mình. Theo tôi, T đã có hành vi vi phạm các quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích.

Pháp luật cũng như xã hội  nghiêm cấm và lên án đối với các hành vi mang tính chất bạo hành giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là hành vi bạo hành đối với người già và trẻ nhỏ vì đây là 2 đối tượng yếu thế cần được gia đình, xã hội và các cấp chính quyền quan tâm, chăm sóc. Hành vi của T đã gây ra sự tổn thương về sức khỏe đối với chính mẹ đẻ của mình, khiến cho bà Đ phải nhập viện. Đối chiếu với quy định này, để xử lý được T theo đúng quy định của pháp luật, bà Đ phải nhanh chóng yêu cầu giám định để xác định tỷ lệ thương tật làm căn cứ xử lý T trước tòa án.

Bùi Đăng Thanh (Quảng Trạch - Quảng Bình)

Trừng trị nghiêm khắc hành vi của T

Hành vi đánh mẹ đẻ của T hết sức nhẫn tâm và đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Cho dù T có hoàn cảnh đáng thương, thiếu thốn tình cảm của bố từ bé, bản thân lại bị khuyết tật nên thường hay uống rượu dẫn tới bị ảnh hưởng tới khả năng làm chủ hành vi nhưng không thể mượn vào những lý do này để biện minh cho hành vi đáng lên án của mình.

Con cái hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ khi về gia luôn được xem là một trong những chuẩn mực đạo đức hàng đầu, để đánh giá phẩm chất đạo đức của một con người. Xã hội lên án các hành vi ngược đãi người già, pháp luật nghiêm cấm và có các quy định cũng như các chế tài để xử lý hành vi của Hoàng Khắc T. Do đó, theo tôi cần phải xử lý nghiêm khắc T để làm gương cho xã hội. 

Nguyễn Ngọc Hạnh (Ba Đình - Hà Nội)

Hành vi ngược đãi cha mẹ 

Hành vi đánh mẹ đẻ của Hoàng Khắc T đã vi phạm pháp luật. Điều 35, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rõ: “Nghiêm cấm con có hành vi xúc phạm cha mẹ” và Điều 64, Hiến pháp Việt Nam cũng nêu rõ: “Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc cha mẹ”. Nghị Định số 87/CP ngày 21-11-2001 của Chính phủ cũng quy định, người nào có hành vi ngược đãi, hành hạ cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình thì dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị xử phạt hành chính.

Theo Điều 151, Bộ luật Hình sự quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình. Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Theo như tình tiết vụ việc, T đã có hành vi đánh đập mẹ đẻ của mình nên đã phạm vào tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 151, Bộ Luật Hình sự. 

Trần Tuấn Hải (Ân Thi - Hưng Yên)

 Bình luận của luật sư: 

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định về nghĩa vụ và quyền của con; nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ như sau: Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ. Con đã thành niên không chung sống với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Theo nội dung vụ án, hành vi của T là vi phạm pháp luật. Hành vi này thể hiện T đã ngược đãi cha mẹ và cố ý gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên theo quy định, pháp luật chỉ truy tố một tội danh cho một hành vi, vì vậy chúng ta phải tìm hiểu các quy định pháp luật về 2 tội danh này.

Đối với tội cố ý gây thương tích, hành vi của T đã vi phạm Điều 104, Bộ Luật Hình sự quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình...

Căn cứ vào tỷ lệ thương tích của bà Đ, cơ quan chức năng sẽ có những hình thức xử phạt tương ứng. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, nếu phát hiện có các khoản tăng nặng như có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, T có thể phải chịu hình phạt vượt khung.

Đối với hành vi ngược đãi cha mẹ, căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, ngược đãi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 50 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì nếu đánh đập, gây thương tích cho bố mẹ và những người khác trong gia đình thì sẽ bị xử phạt về hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình theo quy định tại Điều 49 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng.

Trường hợp sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình thì sẽ bị phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Cũng theo quy định của pháp luật, hành vi thường xuyên chửi bới, lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình theo quy định tại Điều 51 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Đồng thời, sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

Trường hợp ngược đãi hoặc hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 151, Bộ luật Hình sự và sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Đây là một hành vi có nhiều cách đánh giá khác nhau. Theo những án lệ mà tòa án đã xử: Hậu quả nghiêm trọng do hành vi ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình như: tính mạng, sức khỏe, do bị bệnh tật, do tự sát, hoặc những thiệt hại khác cho người bị hại như phải bỏ nhà đi lang thang...

Tuy chưa có giải thích hướng dẫn chính thức thế nào là gây ra hậu quả nghiêm trọng do hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, nhưng qua thực tiễn xét xử, có thể coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình gây ra trong những trường hợp sau: Gây chết người (kể cả chết người do hành vi giết người); Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên (không kể thương tích hoặc tổn hại sức khỏe do chính người phạm tội trực tiếp gây ra cho người bị hại); Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Gây dư luận xấu về các mặt văn hóa, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức gia đình và xã hội.

Như vậy theo chúng tôi, có thể truy tố Hoàng Khắc T theo tội danh cố ý gây thương tích hoặc ngược đãi cha mẹ. Tuy nhiên, chúng tôi nghiêng về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 151, Bộ luật Hình sự. 

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)