Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội

‘Đánh” mạnh vi phạm kinh doanh các mặt hàng, thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Thường trực Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội nhận định trong tháng 8-2020, có dấu hiệu “nóng” vi phạm các mặt hàng thiết bị y tế phòng chống dịch như mặt hàng khẩu trang, găng tay y tế.

“Nhộn nhịp” thị trường găng tay đã qua sử dụng, khẩu trang không rõ nguồn gốc!

Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 TP. Hà Nội vừa có báo cáo đánh giá tình hình và kết quả công tác của các lực lượng thuộc Ban, trong tháng 8-2020. Theo đó, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp trở lại sau khi xuất hiện ca lây nhiễm mới tại thành phố Đà Nẵng, tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, mua sắm của người tiêu dùng Thủ đô.

Lực lượng chức năng kiểm đếm số khẩu trang có dấu hiệu vi phạm

Lực lượng chức năng kiểm đếm số khẩu trang có dấu hiệu vi phạm

Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố vẫn còn xảy ra. Đặc biệt, các mặt hàng thiết bị y tế phòng chống dịch như mặt hàng khẩu trang, găng tay y tế xuất hiện tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu.

Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phối hợp với các lực lượng chức năng như CATP phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến các mặt hàng khẩu trang, găng tay cao su do một số đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để gian lận, lừa dối người tiêu dùng. Điển hình vụ đội QLTT số 8 phát hiện 30 tấn găng tay cao su đã qua sử dụng; vụ đội QLTT số 26 phát hiện 765.000 chiếc khẩu trang là hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vụ 1.920 chiếc khẩu trang là hàng giả mạo nhãn hiệu do Đội QLTT số 4 phát hiện…

Trước tình hình đó, BCĐ 389 TP đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi phạm. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh được tăng cường thường xuyên, nhờ vậy đã góp phần giữ vững tình hình kinh tế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Phạt hành chính - truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng, khởi tố 4 vụ

Trong tháng 8, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã tổ chức thanh - kiểm tra 3.277 vụ; xử lý: 3.026 vụ; khởi tố 4 vụ đối với 5 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu trên 446 tỷ đồng.

Qua đấu tranh, Công an Hà Nội đã khởi tố 4 vụ - 5 đối tượng vi phạm

Qua đấu tranh, Công an Hà Nội đã khởi tố 4 vụ - 5 đối tượng vi phạm

Trong đó, CATP đã chủ động chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, xác lập chuyên án đấu tranh, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng nhằm triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Đặc biệt, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và các phòng nghiệp vụ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan. “Trong tháng 8, CATP đã khám phá, phát hiện 305 vụ vi phạm; xử lý hành chính: 275 vụ, phạt hành chính gần 2 tỷ đồng, khởi tố 4 vụ với 5 đối tượng”, Thường trực BCĐ 389 cho biết.

Đạt kết quả tích cực là Cục QLTT, với việc tiếp tục thực hiện Kế hoạch về triển khai thực hiện công tác đấu tranh, phòng ngừa, kiểm tra, kiểm soát, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020. Trong tháng, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 490 vụ; xử lý: 524 vụ (trong đó xử lý 34 vụ tồn); phạt hành chính gần 5 tỷ đồng.

Ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục QLTT, Phó trưởng ban thường trực BCĐ 389 TP. chia sẻ một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9; trong đó tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm pháp hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, dự trữ tăng cao để đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các mặt hàng khẩu trang, cồn, nước rửa tay sát khuẩn, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng dịch Covid-19... Lực lượng chức năng cũng sẽ xử lý nghiêm các hành vi bán hàng không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết; trà trộn bán hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...