Đánh giá về du khách quốc tế đến Việt Nam: Đừng vội lạc quan!

ANTĐ - Khoảng 94% du khách chấm điểm “rất tốt” và “tốt”, đó là con số thống kê của Tổng cục Du lịch về kết quả khảo sát mức độ hài lòng của du khách quốc tế tại Việt Nam. Có thể thấy, con số này là quá lạc quan nếu đánh giá về môi trường và chất lượng dịch vụ du lịch còn nhiều bất cập ở Việt Nam. 

Đánh giá về du khách quốc tế đến Việt Nam: Đừng vội lạc quan! ảnh 1Môi trường du lịch và chất lượng dịch vụ là hai yếu tố tác động đến sự hài lòng
của du khách 

Thước đo nào cho sự hài lòng?

Trong một cuộc khảo sát được Tổng cục Du lịch đưa ra sau khi tiến hành điều tra vào tháng 10 và 11-2014 về mức độ hài lòng của khách quốc tế khi đến Việt Nam. Trong đó, 28,07% du khách đánh giá mức “rất tốt”, 66,02 % đánh giá “tốt” và chỉ có gần 6% du khách đánh giá ở mức độ “trung bình” cho đến rất “kém”.

Theo ông Trần Trí Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch, cuộc khảo sát được thực hiện ở 7 cửa khẩu quốc tế đối với gần 14.000 du khách, đồng thời gửi phiếu khảo sát đến 1.000 công ty lữ hành quốc tế và 63 Sở VH-TT&DL trên toàn quốc. Cũng theo ông Trần Trí Dũng, cuộc khảo sát có quy mô lớn này đánh giá tương đối chính xác thực trạng du lịch ở Việt Nam, bởi trước đây các cuộc thống kê gần như “chưa có tiền lệ” khảo sát đánh giá của các công ty lữ hành mà chỉ dựa trên ý kiến của du khách. Kết quả cho thấy những tín hiệu tích cực về du lịch Việt Nam, nhưng nếu nhìn vào thực tế tình hình du lịch nước ta, không thể không đặt ra những nghi vấn.   

Cũng trong một cuộc khảo sát gây tranh cãi cách đây không lâu, Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội - gọi tắt là dự án EU đã đưa ra con số giật mình “chỉ 6% du khách quay trở lại Việt Nam”. Mặc dù, đại diện của dự án này sau đó đã đính chính rằng “con số trên chỉ phản ánh số lượng khách tại 5 điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam” thì nó vẫn khiến ngành du lịch chạnh lòng, bởi chỉ ra thực trạng đáng buồn “Việt Nam không đủ sức níu chân du khách”. 

Vì sao không thu hút?

Trong 4 tháng đầu năm nay, ngành du lịch chỉ đón 2,7 triệu lượt khách, tức là giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2014. Sự thụt lùi này được Tổng cục Du lịch lý giải do cùng thời kỳ năm ngoái, chúng ta đã có bước tăng trưởng “chưa từng có”, có lúc tăng tới 30% so với cùng thời điểm những năm trước mà hiện tại, khó có thể lặp lại.

Việc “dựa dẫm” vào thị trường khách lớn như Nga, Trung Quốc cùng rào cản về việc miễn thị thực (visa) cho công dân các nước khi vào Việt Nam được cho là những nguyên nhân khiến cho du lịch Việt Nam chững lại, nhất là so với các quốc gia láng giềng như Singapore, Thái Lan, Malaysia… Các nước trên đã và đang sử dụng chính sách thị thực thuận lợi và thông thoáng để thu hút khách du lịch, cụ thể là đã miễn thị thực cho hầu hết các thị trường trọng điểm. Trong khi đó, Việt Nam thường không đơn phương miễn thị thực cho công dân nước ngoài, mà thực hiện trên cơ sở song phương. 

Đã có nhiều lần, chúng ta mổ xẻ nguyên nhân về việc tại sao du khách đến Việt Nam  “một đi không trở lại”. Du lịch Việt Nam không thiếu lợi thế về tài nguyên nhưng việc khai thác thiếu định hướng và hiệu quả lại đang cản bước tăng trưởng của ngành du lịch, vốn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia. Thêm nữa, những câu chuyện buồn về cách ứng xử với du khách quốc tế, cách làm du lịch kiểu “ăn xổi”, “chụp giật” cũng đang khiến họ ngần ngại khi đến nước ta.

Khi được hỏi về những yếu kém lớn nhất của du lịch Việt, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận: “Hai vấn đề cơ bản mà du lịch Việt Nam đang gặp phải đó là môi trường du lịch, việc duy trì và kiểm soát chất lượng du lịch, quản lý điểm đến. Đây là hai vấn đề thiết yếu tạo ra cảm hứng cũng như niềm tin của du khách khi chọn lựa đến Việt Nam”.

Vậy, thay vì đưa ra một con số thống kê đầy cảm quan như vậy, phải chăng du lịch cần có những hành động cụ thể hơn. “Cú hích” Sơn Đoòng là một ví dụ! Nhờ có Sơn Đoòng và nhờ có truyền hình Mỹ mà cả thế giới biết đến Việt Nam trong cảm xúc với sự thôi thúc được khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn. Tận dụng tối đa những cơ hội tốt, những "cú hích", thì du lịch mới thật sự chuyển biến, tạo ra hiệu quả được.