Dành đất xây bể bơi

ANTD.VN - Mặc dù chưa có số liệu thống kê, so sánh tỷ lệ trẻ em, học sinh Việt Nam đuối nước hàng năm với các nước trong khu vực, song con số những vụ đuối nước ở lứa tuổi học sinh trên cả nước khiến dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng, xót xa. Trung bình mỗi ngày có hàng chục trẻ em thiệt mạng do đuối nước, số nạn nhân chỉ đứng sau những vụ tai nạn giao thông hàng năm.

Thực trạng đau xót này đã được dư luận gióng lên hồi chuông cảnh báo. Ở nhiều địa phương, nhiều tổ chức xã hội, đoàn thể đã đưa ra những giải pháp như mở các lớp dạy bơi miễn phí, tận dụng mặt nước kênh rạch, sông ngòi, ao hồ làm chỗ tập bơi cho học sinh. Phong trào “xóa mù bơi” ở nhiều tỉnh, thành phố có điều kiện tự nhiên sông nước thuận tiện đã được triển khai sâu rộng, đi vào thực chất và mang lại hiệu quả thiết thực. 

Tuy nhiên, vấn đề nan giải đặt ra chính là ở thành phố lớn, nơi các trường học vốn chật chội lại chen chúc giữa các công sở, nhà cao tầng, chung cư, khách sạn, nhà hàng. Những ngôi trường cũ dù đã được cải tạo, nâng cấp cũng chỉ đáp ứng sự quá tải học sinh, ngay cả chỗ vui chơi còn gò bó, nói gì tới phòng thể dục, sân bóng, bể bơi. Ngay cả những trường học mới xây dựng trong mấy năm gần đây, việc dành đất để xây bể bơi cho hàng nghìn học sinh cũng là chuyện xa vời và xa xỉ. 

Chưa nói tới nền thể thao học đường ở một số nước trong khu vực và châu lục phát triển mạnh mẽ, làm nền tảng lập nên những kỷ lục, thành tích xuất sắc, ở đây chỉ bàn tới cơ sở, hạ tầng giáo dục, rèn luyện thể chất cho thế hệ tương lai của đất nước luôn được họ đặt lên hàng đầu. Quan điểm giáo dục con người của các trường học là truyền đạt 20% kiến thức, còn 80% là nâng cao thể chất, sức khỏe, kỹ năng mềm.

Vì thế, ở những quốc gia này, phụ huynh chọn trường cho con em mình không chỉ vì danh tiếng mà còn vì những thành tích trong phong trào thể thao học sinh. Điều đáng nói hơn là, ngoài môi trường giáo dục toàn diện đó, cả một hệ thống, mạng lưới sân bóng, bể bơi gần như phủ kín khắp đất nước. Ở đâu cũng có chỗ cho người dân từ già đến trẻ chơi thể thao, tăng cường sức khỏe, thay vì những quán bia, quán nhậu la liệt. 

“Trông người lại ngẫm đến ta”, ngay ở Hà Nội, những bể bơi vừa túi tiền người dân, học sinh, sinh viên; vừa đảm bảo đủ tiêu chuẩn vệ sinh, chất lượng nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là chưa kể vào mùa nắng nóng, các bể bơi luôn trong tình trạng chen chúc, quá tải, ngay đến bơi cũng khó trọn một vòng, chưa nói tới việc tập bơi, để biết bơi thoát đuối nước.

Trong bối cảnh “tiến thoái lưỡng nan” này, có lẽ cần một giải pháp mang tầm vĩ mô, là dành “đất sạch” cho các trường học xây dựng sân chơi thể thao, bể bơi, đồng thời kêu gọi xã hội hóa hoặc đầu tư theo hình thức công - tư.