Đánh đập để đòi tiền đã tặng quà bạn gái, phạm tội gì?

ANTD.VN - Do có mâu thuẫn trong quan hệ tình ái giữa Vũ Văn C (SN 1995) và Nguyễn Hồng A (SN 1997) nên khi chị A đang cùng bạn gái ăn phở thì Vũ Văn C gọi điện thoại cho chị A rồi đi xe máy đến quán phở chửi mắng chị A buộc chị Nguyễn Hồng A lên xe máy về nhà trọ. Tại đây C tiếp tục chửi mắng chị A và bắt phải quỳ trước cửa nhà nhưng chị A không làm theo nên C chạy vào trong nhà lấy ra một con dao dọa chém. Thấy vậy, một người bạn của chị A liền ra can ngăn và giằng dao cất đi thì C lao vào dùng tay túm tóc, tát, đánh vào mặt, vào người chị A. Sau đó Vũ Văn C yêu cầu chị A phải thuê taxi đi chỗ khác để nói chuyện. Chị A gọi taxi rồi cùng C lên xe, trên xe taxi C vẫn tiếp tục chửi và đánh chị A. Khi đi đến đoạn đường vắng, Lê Hoàng C yêu cầu xuống xe, tại đây C lại tiếp tục chửi và đánh rồi yêu cầu chị A phải đưa cho C 4 triệu đồng, số tiền mà C cho rằng đã từng mua quà cho chị C trước đây. Chị C sợ hãi nhưng không có tiền mặt nên lại gọi taxi đưa đến một cửa hàng vàng. Chị A đã dùng chiếc lắc tay cầm cố lấy 4 triệu và đưa cho C. Vấn đề đặt ra là với hành vi của mình, Vũ Văn C có phạm tội không?

Đánh đập để đòi tiền đã tặng quà bạn gái, phạm tội gì? ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội Cướp tài sản

Theo tôi, hành vi của Vũ Văn C có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản theo điều 168 Bộ luật Hình sự 2015. Theo quy định của pháp luật, cướp tài sản là người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi của C thể hiện đã dùng vũ lực ngay tức khắc. Từ khi đèo chị Nguyễn Hồng A về phòng trọ C đã liên tiếp tát, đánh chị A, lấy dao định chém được can ngăn và khi bị giằng mất dao thì C lại tiếp tục dùng tay túm tóc, tát đánh A làm cho chị A rất sợ hãi rồi C yêu cầu chị A phải đưa tiền cho C. Chị A lo sợ nếu không đưa tiền cho A sẽ bị A tiếp tục đánh nên buộc phải đi cắm chiếc lắc tay để lấy tiền đưa cho C. Hành vi của C dùng vũ lực làm cho chị H “lâm vào tình trạng không thể chống cự được” nhằm chiếm đoạt tài sản và mục đích cuối cùng là đoạt được tài sản thể hiện đầy đủ các yếu tố cấu thành của tội Cướp tài sản.

Bùi Thị Vinh (Yên Mô - Ninh Bình)

Cưỡng đoạt tài sản

Tôi cho rằng, trong vụ việc này Vũ Văn C đã phạm tội Cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, tội Cưỡng đoạt tài sản được thể hiện bởi hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Việc Lê Hoàng C dùng vũ lực với chị Nguyễn Hồng A trong vụ việc này là do có mâu thuẫn trong quan hệ tình ái trước đó. Còn việc C yêu cầu chị A phải đưa tiền cho mình là sự việc phát sinh về sau này. Chị A sợ hãi làm theo yêu cầu của C vì trước đó đã bị uy hiếp về mặt tinh thần, nên sợ nếu không đưa tiền cho C sẽ bị C đánh tiếp. Vì vậy, việc đưa tiền của chị A không phải là sự đe dọa trực tiếp ngay tức khắc lúc đó mà nó xuất phát từ một hành động trước đó của C không liên quan đến việc đòi tiền. Do đó, theo tôi Vũ Văn C đã phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.

Trần Quang Thảo (Bắc Từ Liêm - Hà Nội)

Không phạm tội

Để định tội danh chính xác đối với Vũ Văn C trong vụ án này chúng ta cần xem xét hành vi khách quan của C. Có thể thấy C đã liên tiếp dùng vũ lực đối với chị Nguyễn Hồng A (từ nhà trọ, trên taxi đến đoạn đường vắng khi xuống taxi). Hành vi dùng vũ lực của C đối với chị A diễn ra liên tục, không bị gián đoạn. Khi xuống xe taxi C vẫn tiếp tục chửi, đánh chị A và yêu cầu chị A phải đưa 4 triệu đồng. Tất cả những điều mà Vũ Văn C làm theo tôi là với mục đích là để đòi lại số tiền mà C cho rằng đã từng mua quà cho chị A. Điều này theo tôi không cấu thành tội phạm. Do đó, theo tôi Vũ Văn C không phạm tội.

Hà Thị Trang (Đông Hà - Quảng Trị)

Bình luận của luật sư

Qua nghiên cứu nội dung vụ việc, căn cứ vào những hành vi của Vũ Văn C, chúng tôi có cơ sở để cho rằng Vũ Văn C đã phạm tội Cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, vì những lý do sau:

 Thứ nhất, giữa Vũ Văn C và chị Nguyễn Hồng A có quan hệ là người yêu của nhau, do ghen tuông nên C đã có những hành vi dùng vũ lực đối với chị A và sau khi có những hành vi dùng vũ lực với chị A nêu trên thì Vũ Văn C tiếp tục có hành vi ép chị A phải đưa cho C số tiền 4 triệu đồng với lý do đó là tiền C đã từng mua quà tặng chị A. Điều này được thể hiện bằng lời nói và hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực, chứ chưa có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt ngay tài sản của bị hại tại thời điểm đó (vì lúc đó chị A không có số tiền C yêu cầu và C cũng nhận thức được điều này).

Như vậy, hành vi của Lê Hoàng C tuy có dấu hiệu khách quan của tội cướp tài sản, nhưng về mặt chủ quan của tội phạm thì không thỏa mãn dấu hiệu đặc trưng của tội cướp tài sản, đó là hành vi dùng vũ lực phải nhằm chiếm đoạt tài sản, hay nói cách khác, động cơ, mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản khi dùng vũ lực là một trong những dấu hiệu bắt buộc phải có của cấu thành tội Cướp tài sản. Rõ ràng, việc Vũ Văn C dùng vũ lực với chị A tại thời điểm đó không phải là nhằm chiếm đoạt tài sản mà là vì vấn đề tình cảm, vì ghen tuông.

Hơn nữa, ngay sau hành vi dùng vũ lực và hành vi ép đưa tiền thì chị Nguyễn Hồng A có một khoảng thời gian mang lắc vàng đi cầm cố để lấy tiền đưa cho C, do đó trong khoảng thời gian đi taxi đến hiệu vàng để cầm cố lắc vàng thì chị A không hoàn toàn bị tê liệt ý chí và bị tê liệt sự phản kháng. Do đó, Vũ Văn C khó có điều kiện dùng ngay tức khắc vũ lực đối với chị A nếu như chị A không đáp ứng yêu cầu đưa tiền cho C, trong hoàn cảnh này thì chị A vẫn có điều kiện để lựa chọn những cách xử sự khác để không phải đưa tiền cho C. Tuy nhiên, thực tế thì chị A đã lựa chọn cách xử sự là cầm cố lắc vàng để đưa tiền cho C vì sợ C sẽ tiếp tục dùng vũ lực đối với mình. 

Thứ hai, Vũ Văn C đã có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực đối với chị Nguyễn Hồng A, bởi vì khái niệm về  “hành vi” cần có sự nhận thức thống nhất là, hành vi không phải chỉ được thể hiện bằng lời nói, mà nó có thể được thể hiện bằng hành động hoặc không hành động; được thể hiện bằng thái độ, trạng thái tâm lý, cảm xúc và được đặt trong những hoàn cảnh cụ thể…

Như vậy, đánh giá hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực của Lê Hoàng C thì có thể thấy rằng, C đã có hành vi thể hiện bằng lời nói bắt ép chị A phải đưa cho C 4 triệu đồng, không cần biết chị A lấy ở đâu và bằng cách nào (lúc đó chị A nói với C là không có tiền); lời nói của Vũ Văn C được thể hiện bằng thái độ hung tợn và điều quan trọng hơn là, hành vi bắt ép chị A đưa tiền được thực hiện liền ngay sau khi C đã dùng vũ lực và chửi bới chị A trong một thời gian khá dài và tại nhiều địa điểm khác nhau. Rõ ràng tại thời điểm đó thì sự hung tợn của C và sự sợ hãi của chị A do những hành vi dùng vũ lực trước đó là chưa chấm dứt, phải khẳng định rằng C nhận thức được điều này và đã lợi dụng việc dùng vũ lực trước đó, lợi dụng trạng thái vẫn còn sợ hãi của chị A để bắt ép chị A đưa tiền. Tất cả những biểu hiện hành vi trên của Vũ Văn C phải được coi là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản, vì nó đã tác động đến trạng thái tâm lý của chị A, làm cho chị A sợ hãi việc C sẽ tiếp tục dùng vũ lực nếu như không đưa tiền cho mình.

Thứ ba, có thể thấy rằng hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực của Vũ Văn C là không mang tính ngay tức khắc, bởi vì tại thời điểm đó chị A không có 4 triệu đồng để đưa cho C và C chấp nhận cho chị A có điều kiện và có một khoảng thời gian để kiếm đủ số tiền 4 triệu đồng cho C, nhưng trong sự giám sát và đe dọa của C từ khi đi taxi đến hiệu vàng để chị A cầm cố lắc vàng lấy tiền đưa cho C.

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi hành vi của Vũ Văn C trong vụ việc này đã đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Phạm Thái Sơn, Văn phòng luật sư Sơn Phạm

Điều 170. Tội Cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(Đây là tình huống pháp lý giả định để trao đổi, thảo luận nhằm phổ biến kiến thức pháp luật tới độc giả)