Đánh chết trộm, cả làng nhận tội - truy tố ai?

ANTĐ - Bắt đầu từ số báo này, Báo An ninh Thủ đô mở trang tranh luận vụ án đăng tải những vụ án còn nhiều tranh cãi về các tình tiết pháp lý, mời các luật sư cùng bạn đọc tham gia tranh luận để làm sáng tỏ nội dung vụ án (có sự cộng tác thường xuyên của PGS.TS, Luật sư Phạm Hồng Hải). 
Bạn đọc có bình luận về vụ án trên Báo An ninh Thủ đô cuối tuần, xin được gửi về địa chỉ email: anninhthudocuoituan@gmail.com.  Báo ANTĐ cuối tuần trân trọng cảm ơn ý kiến tham gia của bạn đọc (đề nghị bạn đọc để lại địa chỉ cụ thể, hoặc số tài khoản để chúng tôi gửi nhuận bút đối với những ý kiến tranh luận về vụ án được đăng tải trên Báo ANTĐ cuối tuần)
Đánh chết trộm, cả làng nhận tội - truy tố ai? ảnh 1

Nội dung vụ việc

Chiều ngày 27-8, ĐVT. (trú  tại thôn B xã D. T.) và ĐBD (trú tại thôn C, xã X.T.) đến địa bàn thôn Thượng trộm một con chó. Phát hiện có đối tượng trộm chó, hàng trăm người dân trong làng đã hô hào nhau quây bắt. Hai người trộm chó dùng roi điện chống lại những người vây bắt. Khi bắt được hai nghi phạm, một số người bức xúc xông vào đánh làm một nghi phạm chết tại chỗ, nghi phạm còn lại tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. 

Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra đã triệu tập một số người dân tới trụ sở phục vụ cho công tác điều tra. Cơ quan CSĐT cũng đã quyết định khởi tố bị can đối với bảy người về hành vi “cố ý gây thương tích”.

Sau đó trưởng thôn Thượng đã có đơn gửi các cơ quan chính quyền xã phản ánh sự việc. Trong đơn ông đại diện cho 800 người dân nhận tội đánh chết người. Ông đề nghị nếu xử tội đánh chết người thì xử cả 800 người không xử riêng một ai. Ông cũng khẳng định, ý kiến toàn bộ nhân dân là không cho bảy người nhận giấy triệu tập của cơ quan điều tra, không cho họ đến làm việc với cơ quan điều tra.

Cáo trạng của VKSND tỉnh 

Theo kết quả điều tra, chiều ngày 27-8, hai anh Đ.V.T. và Đ.B.D. có vào làng Thượng trộm chó. Hai anh đã bắt trộm được một con chó thì bị người dân phát hiện hô hoán. Đ.V.T. có hành vi dùng roi điện mang theo chống lại. Tuy nhiên chỉ sau vài phút, hai kẻ trộm đã bị bắt. Do bị trộm chó nhiều lần, bức xúc với hành vi trộm cắp, hàng trăm người dân đã mang theo gậy, đòn gánh, thanh sắt đánh hai kẻ trộm. Các chứng cứ đã cho thấy, bị can T.V.V. và P.Đ.T. là người hô hào, khởi xướng, tham gia đánh hai kẻ trộm, bị can N.V.H., Đ.B.H. đã dùng đòn gánh đánh thẳng vào người hai kẻ trộm, bị can M.V.P. đã châm lửa đốt xe máy của hai kẻ trộm. Khi hai kẻ trộm bị đánh ngất đi, bị can X.T. đã tiến đến dùng đòn gánh bổ một nhát vào đầu anh Đ.V.T. Sau cú đánh, anh Đ.V.T. chết ngay. Cùng lúc đó bị can A.T. đã dùng một cây sắt đâm thẳng vào bụng anh Đ.B.D. Sau đó anh Đ.B.D. chết trên đường đưa đến bệnh viện.

Khám nghiệm tử thi cho thấy anh Đ.V.T. bị nhiều vết thương phần mềm, một vết thương sâu 3cm, dài 6cm gây rách cơ đùi phải, phù hợp với vết thương do chiếc xẻng tang vật thu giữ được. Anh Đ.V.T chết do bị một vật cứng đánh vào đầu gây vỡ xương sọ, dập não. Anh Đ.B.D. bị nhiều vết thương phần mềm, tử vong do vị vật cứng, tròn đâm vào bụng, gây vỡ gan, chảy máu trong. Các bị can đã nhận tội.

Tang vật gồm nhiều hung khí, chiếc xe máy bị cháy rụi, một con chó chết… đã thu đủ.

Trong hồ sơ có bút lục số  319 là lá đơn xin nhận tội giết kẻ trộm của 800 người dân thôn Thượng.

Trên cơ sở kết luận điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh quyết định:

- Truy tố các bị can T.V.V , P.Đ.T, N.V.H., Đ.B.H. về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 105 Bộ luật Hình sự.

- Truy tố bị can M.V.P tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự.

- Truy tố hai bị can X.T. và A.T tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo khoản 1 điều 95 Bộ luật Hình sự.

Luật sư bảo vệ quyền lợi bị cáo

1 - Hoàn toàn nhất trí về tội danh của các bị cáo trước tòa.

2 - Xin lưu ý Chủ tọa phiên tòa về tình trạng an ninh trật tự tại khu vực thôn Thượng rất phức tạp, không được các cơ quan chức năng quan tâm. Người dân mất trộm chó rất nhiều, đã báo cáo với chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp ổn định trật tự, gây bức xúc cho nhân dân trong thôn. Chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật phải chịu trách nhiệm một phần trong vụ ván này. Sự việc 800 người dân nhận tội thay cho các bị cáo đã nói lên sự bức xúc này.

3 - Công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật tại địa phương chưa được chú trọng. Các bị cáo đều là nông dân, ít học, thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức còn hạn chế. Hoàn cảnh gia đình của các bị cáo đều khó khăn, các bị cáo đều là lao động chính nuôi sống cả gia đình. Các bị cáo đều chưa có tiền án tiền sự, phạm tội do bức xúc vì bị chiếm đoạt thành quả lao động rất vất vả mới có được.

4 - Để xảy ra vụ án có một phần do hành vi vi phạm pháp luật của người bị hại. Các bị hại còn có hành vi dùng hung khí (roi điện) chống lại người dân vây bắt. 

 Chính vì những lẽ  trên, chúng tôi đề nghị Hội đồng xét xử  xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo để các bị cáo có điều kiện lao động sản xuất nuôi sống gia đình. 

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại 

1 - Thừa nhận bị hai có một phần lỗi do hành vi vi phạm pháp luật

2 - Hành vi hành hung tập thể các bị hại khi các bị hại không còn khả năng phản kháng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần nghiêm trị.

3 - Các bị can không có ý thức về nghĩa vụ dân sự. Đến nay vẫn chưa đến thăm, bù đắp chi phí mai tang cho gia đình bị hại. Đề nghi Hội đồng xét xử xem xét về nghĩa vụ dân sự của các bị cáo vì cả hai bị hại đều là lao động chính trong gia đình. 

Bình luận của PGS.TS. Luật sư Phạm Hồng Hải

Đánh chết trộm, cả làng nhận tội - truy tố ai? ảnh 2

1 - Trong vụ án này, hai kẻ trộm - bị hại là những người có hành vi vi phạm pháp luật bị bắt quả tang. Theo quy định của pháp luật, tất cả mọi người đều có quyền bắt giữ họ. Tuy nhiên, chỉ có quyền bắt giữ nhưng không có quyền đánh đập, hành hạ, xâm phạm tính mạng của họ. Hành vi hành hung gây ra cái chết cho hai người trộm chó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Những người gây ra cái chết cho hai kẻ trộm chó cho dù là lỗi vô ý hay cố ý đều là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, việc truy tố các bị can trên là đúng với quy định của pháp luật.

2 - Trong trường hợp này, kẻ đến trộm cắp khi bị phát hiện còn chống trả, điều đó chứng tỏ họ rất ngoan cố nên đã gây bức xúc cho người dân trước tệ nạn trộm chó. Nhưng không phải vì 800 người dân làm đơn nhận tội thay cho các bị can mà cơ quan điều tra tin vào điều đó. Theo tôi, những vụ án kiểu này là những vụ án khó, sự việc xảy ra do đông người tấn công một người nên cần xác định là ai, những ai tấn công và tấn công bằng cái gì? Tỉ lệ thương tích trên người nạn nhân như thế nào? Vì thế cơ quan điều tra cần thận trọng trong việc điều tra. Không thể chỉ tin vào lời khai của những người nào đó kể cả trong trường hợp họ nhận tội. Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Lời khai nhận tội của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án”. Vì vậy, theo tôi phải tiến hành đối chất giữa các người bị coi là bị can, giữa các nghi can và tiến hành giám định pháp y. Trong trường hợp cần thiết phải tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định chính xác ai là người phạm tội.

3 - Hành vi làm đơn tập thể và không cho các bị can đến làm việc với cơ quan điều tra là có dấu hiệu ngăn cản cơ quan điều tra làm rõ sự việc. Việc cơ quan CSĐT triệu tập các nghi can tới làm việc nhằm mục đích điều tra để làm sáng tỏ sự việc, làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Cá nhân nào có hành vi phạm tội sẽ bị cơ quan chức năng khởi tố. Đáng lo ngại là nhiều người hành xử theo kiểu “hiệu ứng đám đông”, chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện đã “cổ vũ” cho việc gây rối, hành hung người khác. Có lẽ, đến khi phải đối mặt với vòng lao lý, họ mới giật mình nghĩ lại hành vi của mình. Trong nhiều vụ việc, lẽ ra có thể giải quyết một cách đơn giản hợp lý, hợp tình thì sự “nóng giận đám đông” đã đẩy sự việc trở nên nghiêm trọng. Nếu bắt được kẻ trộm mà dẫn giải đến CQCA trình báo thì chắc chắn họ sẽ được khen ngợi vì đã dũng cảm truy bắt tội phạm, tham gia bảo vệ trật tự xã hội. Thế nhưng, một số người đã không chọn cách hành xử được pháp luật bảo vệ ấy mà hành động bột phát, theo ý chí chủ quan của mình, thậm chí là “a dua” theo người khác. Trong xã hội có pháp luật, việc hành xử bất chấp pháp luật không thể được chấp nhận cho dù hành vi đó “bắt nguồn” từ việc ngăn chặn một hành vi vi phạm pháp luật khác.