Đang xác minh thông tin tàu Hải cảnh Trung Quốc từ Indonesia hướng về vùng biển Việt Nam

ANTD.VN - Về thông tin tàu Hải cảnh Trung Quốc 35111 sau khi rời khỏi vùng biển Natuna đang hướng về vùng biển Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chiều 9-1 cho biết, cơ quan chức năng đang xác minh và theo dõi sát mọi diễn biến.

Bà Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh, lực lượng chức năng của Việt Nam luôn giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trên vùng biển Việt Nam được xác định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Mọi hoạt động trên vùng biển của Việt Nam cần tuân thủ các quy định liên quan của Việt Nam cũng như quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Liên quan đến những diễn biến gần đây xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, không làm phức tạp tình hình, có đóng góp thiết thực, phù hợp, thúc đẩy việc duy trì hòa bình ổn định và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác tại khu vực.

Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc bắt đầu từ giữa tháng 12-2019 khi một tàu hải cảnh Trung Quốc cùng với lực lượng đông đảo các tàu cá của nước này, tiến vào vùng biển ngoài khơi phía bắc quần đảo Natuna của Indonesia khiến Jakarta phải triệu tập Đại sứ Bắc Kinh.

Trong chuyến thăm mới nhất tới đảo Natuna hôm 8-1, Tổng thống Widodo khẳng định rằng vùng biển này chỉ thuộc về Indonesia, không có gì phải bàn cãi. Hồi đầu tuần, Indonesia đã triển khai một số tàu chiến và máy bay chiến đấu để tuần tra vùng biển quanh quần đảo Natuna.

Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Natuna, nhưng họ cho rằng có quyền đánh bắt thủy hải sản ở gần vùng biển đó, nơi thuộc về “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” gần như bao trọn Biển Đông - một yêu sách không được quốc tế công nhận.

Năm 2017, Indonesia đổi tên vùng phía Bắc của Vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông thành Biển Bắc Natuna, như một biện pháp đẩy lùi tham vọng về lãnh thổ trên biển của Trung Quốc.

Biển Đông là một tuyến thương mại toàn cầu với ngư trường và nguồn năng lượng phong phú. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền phi lý ở hầu hết Biển Đông. Nhưng các nước Đông Nam Á, được Mỹ và phần lớn thế giới ủng hộ, đều bác bỏ, cho rằng những tuyên bố như vậy không có cơ sở pháp lý.