Đáng thương những số phận bất hạnh

ANTĐ - Họ đáng thương không chỉ bởi gia cảnh khó khăn, ăn đong từng bữa, mà còn bởi sự thiếu hiểu biết đến cùng cực đã gây ra hậu họa cho chính những người thân của họ. 

Tương lai nào cho những mảnh đời bất hạnh này là câu hỏi khiến tôi day dứt sau chuyến đi vội vã đến vùng Tây Bắc của tổ quốc- tỉnh Điện Biên.

Cầm nâng cao nhận thức cho người dân về chăm sóc sức khỏe

Hậu họa vì thiếu hiểu biết

Bé Lò Quỳnh Châu- 2 tuổi, con của chị Lù Thị Quỳnh, làm ruộng tại bản Có Chạy, xã Nhường Phồn, huyện Điện Biên, khiến người khác không thể rời sự chú ý ngay lần đầu gặp gỡ bởi cái tên rất đẹp, được mẹ bế quắp trên sườn nhưng em không ngẩng đầu nhìn người khác lấy một lần. Nhìn bề ngoài, em hoàn toàn bình thường như bao nhiêu đứa trẻ khác. Có chăng, người lạ cảm thấy em nhút nhát, không quen tiếp xúc với người lạ. Nhưng trong khi những đứa trẻ vùng cao rất quý người, thấy người lạ, đặc biệt từ miền xuôi đến là xếp hàng ngay ngắn mỉm cười, tay vẫy chào và miệng nói “hai, hai” thì Quỳnh Châu lại chỉ gục mặt vào ngực mẹ. 
Chị Lù Thị Quỳnh kể, khi mang thai bé, chị Quỳnh sơ ý tiếp xúc với hóa chất (thuốc trừ sâu) nên từ khi sinh ra, con gái chị bị mắc bệnh teo nhãn cầu, mắt chưa mở lần nào. Đưa con đi khắp bệnh viện tỉnh, bệnh viện tuyến trung ương, bác sĩ khám, dùng tay buộc bé mở mắt thì bé mở. “Vài ngày cháu lại sốt một lần, sốt rất cao. Rất hiếm khi cháu ăn cháo, cháu chỉ uống sữa. Gia đình quá khó khăn, đã vay mượn khắp nơi để chữa chạy cho cháu nên giờ sữa cũng không đủ tiền mua. Cho cháu uống đủ phải hết 30.000-40.000 đồng/ngày”- chị Lù Thị Quỳnh sụt sịt nói.
Trong số hàng trăm người dân đến trường mầm non Hoàng Công Chất, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, để khám bệnh miễn phí cuối tuần qua, có hàng chục bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã mắc trọng bệnh. Trong vốn tiếng kinh hạn hẹp, chị vợ của anh Hoàng Văn Mặc- 25 tuổi, ở đội 15, bản Hoàng Công Chất, xã Noong Hẹt cho biết: “Vợ của Mặc vừa mới sinh con nên không đưa chồng đi khám được. Tôi là chị vợ. Anh Mặc bị người hàng xóm dùng chảo gang đánh vỡ đầu, cách đây 5-6 tháng, nên giờ chẳng làm ăn gì được”. 
Ngồi trên chiếc ghế gỗ tự chế có hình dáng tương tự như chiếc xe lăn, anh Hoàng Văn Mặc lơ ngơ, miệng hé mở và chân tay cứng đờ. Quấn quanh người anh là chiếc chăn cũ kỹ, nhuốm đầy nhựa cây và bùn đất. Nói chuyện với bác sĩ, người nhà anh Mặc cho hay, anh đã mổ não 2 lần tại bệnh viện tỉnh Biện Biên, và hiện tại, anh nghe chuyện vẫn hiểu, cũng nói thêm được vài câu nhưng chân tay không thể cử động. Đáng chú ý, phần xương cụt đang bắt đầu hoại tử.

Trực tiếp khám cho những bệnh nhân này, bác sĩ Trần Tuấn Anh - Khoa Nhiễm khuẩn- Bệnh viện Việt Đức cho rằng, bệnh nhân bị mắc bệnh ngày càng trầm trọng do người thân chăm sóc chưa tốt. Ví dụ như trường hợp của anh Mặc, nếu người nhà giúp anh vận động, không cho anh nằm dài ngày thì chân tay, miệng sẽ không co cứng. Tập vận động cũng giúp anh không bị hoại tử và dần hoạt động bình thường. Hay như trường hợp của bé Quỳnh Châu, cha mẹ cần tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại trong suốt quá trình mang thai.

Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân còn trẻ tuổi ở nơi đây còn không biết nói, không biết chữ, dù vẻ ngoài hoàn toàn bình thường. Khi bác sĩ hỏi bệnh nhân đau ở đâu, muốn khám gì, họ chỉ im lặng. Sự thiếu hiểu biết đã khiến nhiều người dân ở đây bỗng dưng rước bệnh. Không thể trách những người thân, cũng không thể trách các bệnh nhân. Có chăng, chỉ là sự cảm thông sâu sắc với những người sống ở nơi địa đầu tổ quốc. Nơi mà thông tin về chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục còn thiếu thốn. Người dân muốn mở mang, tìm hiểu cũng đành bất lực.

Tương lai nào phía trước?

Chị Lù Thị Quỳnh cho biết, cháu Lò Quỳnh Châu đã được gia đình cho đi khám ở bệnh viện các tuyến nhưng chưa có phương án chạy chữa. Thế nên, người nhà đành tiếp tục chăm sóc bé như những ngày qua, chờ đợi một ngày cháu bé có thể mở mắt ngắm nhìn thiên nhiên bao la tươi đẹp như bao đứa trẻ khác. Theo các tài liệu y khoa, nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, bệnh teo nhãn cầu là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa.

Đối với bệnh nhân Nguyễn Văn Sự - 27 tuổi ở Bản Thủ, thì việc không biết nói cũng không dễ chạy chữa vì tuổi đã nhiều. Nếu gia đình đưa đi khám chữa, tư vấn từ sớm thì bệnh tật với anh Sự có thể sẽ nhẹ hơn.

Không mang tham vọng sẽ giúp đỡ tất cả những người bệnh còn khó khăn trên mọi miền tổ quốc được chữa chạy khỏi bệnh, nhưng chương trình “Viettel vì cộng đồng” hy vọng phần nào giúp người dân những vùng xa xôi, khó khăn có thêm nhận thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, từ đó đóng góp cho sự phát triển của xã hội. 

Ham muốn người thân được khỏi bệnh, được khám chữa bệnh và tư vấn về chăm sóc sức khỏe đã khiến người dân các xã của huyện Điện Biên và một số huyện lân cận bất chấp sáng sớm lạnh buốt hay trưa nắng chói chang, vẫn kiên trì ngồi chờ đến lượt được khám bệnh tại trường mầm non Hoàng Công Chất, xã Noong Hẹt. 
Anh Lò Văn Sinh- người dân xã Noong Hẹt không khỏi xúc động khi được các bác sĩ bệnh viện Việt Đức hướng dẫn tỉ mỉ cách sơ cứu bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân và gãy đốt sống cổ. “Mấy tháng trước, con trai tôi bị gãy chân mà tôi không biết sơ cứu, phải chờ chuyển lên bệnh viện. Lúc đó bác sĩ bảo có nhiều biến chứng” - anh Lò Văn Sinh nói.
Theo bác sĩ Phạm Hải Bằng- trưởng đoàn bác sĩ khám bệnh Bệnh viện Việt Đức tại Điện Biên, chuyến đi khám bệnh ngắn ngủi không thể phát hiện, chữa chạy giúp mọi bệnh nhân hiểm nghèo. Nhưng thông qua chương trình, người dân sẽ tăng cường nhận thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân, để tự phòng bệnh và giảm bớt các biến chứng. 
Chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện có thể để người dân được chăm sóc tốt hơn, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tương lai tươi sáng sẽ đến gần hơn với những dân khắc khổ nơi điều kiện sống rất khó khăn, khắc nghiệt.