Đặng Thân và “Ma nét”

(ANTĐ) - Đặng Thân là một trong những gương mặt văn học cách tân đương đại. Các biểu hiện được xem là khuynh hướng Hậu hiện đại (postmodernism) như giễu nhại, cắt dán, hỗn mang, ngoại biên... vốn có sẵn trong kinh nghiệm biểu đạt văn chương từ lâu, được Đặng Thân vận dụng nhuần nhuyễn tới mức ma ảo để làm thành sự xô lệch cố ý về câu chữ, tạo những trường nghĩa nhòe mờ, đa hướng.

Đặng Thân và “Ma nét”

(ANTĐ) - Đặng Thân là một trong những gương mặt văn học cách tân đương đại. Các biểu hiện được xem là khuynh hướng Hậu hiện đại (postmodernism) như giễu nhại, cắt dán, hỗn mang, ngoại biên... vốn có sẵn trong kinh nghiệm biểu đạt văn chương từ lâu, được Đặng Thân vận dụng nhuần nhuyễn tới mức ma ảo để làm thành sự xô lệch cố ý về câu chữ, tạo những trường nghĩa nhòe mờ, đa hướng.

Đọc Đặng Thân thấy văn chương là lời bông đùa đa nghĩa, tiếng va đập dây chuyền của đời sống này. Đọc Đặng Thân, nhiều khi ngỡ mình đang xem một vở kịch rối trường thiên, có đầy đủ vua-tôi, học giả-đĩ điếm, sang-hèn… , mà “đạo diễn” Đặng Thân đã không ngần ngại tuyên bố về sự buông thả, cách tung hứng khi làm ra chúng. Nói thế nhưng dường như lại không phải thế(!).

“Ma nét” là nơi để Đặng Thân trút bỏ lòng mình, những nghĩ suy về cuộc sống mà bình thường, người ta chỉ nói với nhau như những chuyện tầm phào. Đó là một thứ văn quỉ, là thứ văn vừa giương đông kích tây (ví dụ đoạn mào đầu, rồi những trích đoạn Nguyễn Trung Thành...), vừa tiền hô hậu ủng (ví dụ những nhân vật giống đực, đoạn “ma net” tâm sự về cái “chít” lâm sàng...). Phải là người có "nội công lông bông" thâm hậu, lại có "năng khiếu" "lưu manh giả danh ma quỷ" nhất mực thì mới chế ra được thứ văn ấy, mà cũng chỉ “chế” được trong những “cơn” phát tiết hiếm hoi mà thôi. Sở dĩ nói như thế bởi giọng văn có khi tưng tửng như chán đời, có khi đàng hoàng như giảng đạo, lại có lúc sầm sập như mưa tuôn, té tát như mắng chửi.

Trên mạng hiện nay không thiếu những tác phẩm văn học đang đi dần đến con đường "chủ nghĩa phồn thực". Tất cả những chuyện tưởng chừng như trước nay được "phủ kín" bằng lớp vải "đạo đức và luân lý" gần như bị "ngọn gió cuồng loạn" thổi tung. Người ta trước nay đọc sách là để giải trí, thu thập kiến thức, và "mỹ hoá" tâm hồn. Văn chương phát sinh từ những tinh hoa của chất xám, cái hồn, cái tâm của con người. Còn cái thứ "văn chương phồn thực" đang lên ngôi cũng "sốt" như những món "hàng đại hạ giá".

Các biểu hiện được xem là khuynh hướng hậu hiện đại… được Đặng Thân vận dụng nhuần nhuyễn tới mức ma ảo để làm thành sự xô lệch cố ý về câu chữ, tạo những trường nghĩa nhòe mờ, đa hướng. Đọc văn của Đặng Thân càng thấy văn Đặng Thân đi càng xa với “lâu đài nghệ thuật” mà các giá trị truyền thống tôn thờ từ xưa đến giờ. Nó giống như sự phản biện đến từ dòng cảm thức trái chiều, đối trọng với lối tư duy và biểu hiện phổ biến, một "kẻ phá đám” để nhìn nhận lại những giá trị nguyên bản trong một chiều kích mới… Và đã được giới trẻ quan tâm trên các diễn đàn, website về văn học.

Có một thực tế, đang có một lực lượng viết, đa số còn trẻ, không thể “chờ” nổi hệ thống thẩm định, biên tập, phê duyệt trước khi cho phổ biến tác phẩm và họ tìm đến các trang văn học trên mạng như một lối thoát. Dù muốn hay không, dường như đã, đang hình thành một dòng chảy “bên lề”, “phụ lưu”. Việc sáng tác theo là chuyện tất yếu phải làm của người viết. Mỗi tờ báo mạng cũng đều có những triết lý và quan điểm riêng về văn học nghệ thuật, tờ báo nào có uy tín hay không phụ thuộc vào tầm nhận thức của người chủ bút và cả ban biên tập. Còn việc gọi họ là “bên lề” hay “phụ lưu” thì chỉ là thuật ngữ của những người tự cho là “chính thống”. Những người thuộc về “phụ lưu” nhiều khi lại cho “chính thống” là hủ lậu. Vậy thì văn học mạng ra đời đón nhận họ nhanh hơn nên dễ được chấp nhận. Và “Ma nét” của Đặng Thân đã có một lối đi riêng như vậy.

Gia Bách