Đằng sau vụ bắt cóc kỳ lạ một nam thiếu niên 13 tuổi

ANTD.VN - Nửa đêm cuối tháng 8-2019, tại một thị trấn ở Đông Nam Bangladesh, một nam thiếu niên người Rohingya được phát hiện bị trói, bịt mắt để ở giữa chợ. Cậu bé xanh và gầy, nhưng còn sống sau 4 tháng mất tích, như thế là quá đủ đối với cha mẹ cậu.

Đằng sau vụ bắt cóc kỳ lạ một nam thiếu niên 13 tuổi ảnh 1Cox's Bazar, Bangladesh là khu trại tị nạn lớn nhất thế giới với khoảng 912.000 người Rohingya từ Myanmar di cư sang

Hồi tháng 4-2019, Mohammad Faisal mất tích tại trại tị nạn Kutapalong ở Cox's Bazar, Bangladesh, nơi em sống cùng gia đình mình. Cha mẹ lo rằng cậu con trai 13 tuổi của họ đã bị bán đi làm việc cho tàu đánh cá hoặc khả năng tồi tệ hơn có thể xảy ra.

Nạn buôn bán trẻ em đã trở nên phổ biến trong các trại tị nạn của Cox's Bazar. Tổ hợp trại tị nạn lớn nhất thế giới này là nơi cư trú của hàng trăm nghìn người Hồi giáo Rohingya sau khi họ phải rời bỏ quê hương Myanmar vì bất ổn bạo lực vào năm 2017. Ở đó, con gái bị bắt cóc có thể trở thành gái mại dâm, bé trai thì bị cưỡng bức lao động; lại có nhiều người bị đưa sang Ấn Độ, nhưng câu chuyện của Faisal còn lạ hơn thế.

Bỗng dưng mất tích

Trở lại thời điểm tháng 4-2019, chị Khurshida Begum, mẹ Faisal kể rằng, con gái nhà hàng xóm và chồng cô này, một công dân Bangladesh, đã đến thăm căn nhà tạm trống hơ trống hoác của họ trong khu tị nạn. Anh chồng xưng tên Kamal Hosan đã ngỏ ý muốn cho Faisal ra ngoài chơi chợ 1 ngày. “Tôi để họ đi. Tôi chỉ muốn con trai tôi có cơ hội ra khỏi khu trại một lát”, chị Begum nói. Cũng từ đó, con trai chị mất tích.

Ngay sau khi Faisal mất tích, gia đình Begum nhận được một cuộc điện thoại. Giọng nói ở đầu bên kia nói rằng, anh ta sẽ trả con trai họ về nhưng phải nộp 1.000 taka - khoảng 12 USD. Đối với cha mẹ của Faisal, thế nào cũng phải chuộc con về. Gia đình họ đã bán toàn bộ khẩu phần gạo trong 3 tháng. Họ đã chuyển tiền, nhưng bọn bắt cóc đã không trao trả Faisal cũng không nói địa điểm để tìm cậu bé.

Các trại tị nạn ở Cox's Bazar, Bangladesh là nơi tạm trú của khoảng 912.000 người Rohingya vốn chạy trốn khỏi cuộc bạo loạn ở bang Rakhine, Myanmar. Hiện có hơn 400 người Rohingya được trình báo mất tích, đồng thời có khoảng 100 ca sinh mới mỗi ngày, khiến các chuyên gia lo lắng ngày càng có nhiều nạn nhân tiềm năng trong tương lai. 

Begum đã nhờ cậy bên ngoài giúp đỡ nhưng như những người tị nạn Rohingya khác, việc thu thập thông tin ở bên ngoài là một thách thức. Ai muốn ra khỏi trại Cox's Bazar đều cần có giấy phép đặc biệt, và vì người Rohingya về mặt kỹ thuật là không có giấy tờ, quốc tịch nên không có gì đảm bảo cảnh sát Bangladesh sẽ để mắt đến sự việc.

Được sự giúp đỡ của Quỹ Kulchot, một nhóm phi lợi nhuận chuyên đấu tranh cho sự bình đẳng của phụ nữ và trẻ em và Hiệp hội vì hòa bình và nhân quyền (ARSPHR) của Arakan, Begum bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình. Luật sư Wahida Idris, Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Phụ nữ Quốc gia Bangladesh (BNWLA) đã nhận vụ việc của Begum vào tháng 6-2019.

Luật sư Idris theo mẹ của Faisal đối chất với vợ kẻ tình nghi liên quan đến việc cậu bé mất tích. Nhưng người phụ nữ này lúc đó đang mang thai và cung cấp rất ít thông tin, mặc dù cảm nhận nỗi đau của chị Begum. Luật sư nhớ lại, người phụ nữ nói rằng chồng cô ta làm trên một tàu đánh cá trên biển, nhưng không biết anh ta có thể ở đâu. Cô nói họ có thể giết cô, cảnh sát có thể tống cô vào tù, nhưng cô ta vẫn không thể giúp gì được.

Đơn trình báo cảnh sát đã được nộp nhưng vụ án không có dấu hiệu tiến triển, hy vọng tìm được Faisal trở nên mong manh.

Đằng sau vụ bắt cóc kỳ lạ một nam thiếu niên 13 tuổi ảnh 2Em Mohammad Faisal (giữa) may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình sau vụ bắt cóc

Đoàn tụ bất ngờ

Ngày 21-8, cha Faisal, anh Laal Miah nhận được một cuộc điện thoại, con trai mình nói chuyện ở đầu dây bên kia. Một người đàn ông đã phát hiện Faisal ở chợ và chăm sóc cậu bé suốt đêm. Sáng hôm sau, ông này lái xe đưa Faisal về trại tị nạn để đoàn tụ với gia đình. Faisal có những vết sáng trên cổ tay và quanh mắt, nhưng về mặt thể chất thì không hề hấn gì.

Vẫn còn chưa rõ chuyện gì đã xảy ra với Faisal trong thời gian bị giam cầm. Faisal có kể rằng, Hosan dẫn cậu đến một căn phòng, trói lại và nhốt trong đó hơn 3 tháng. Faisal không gặp lại Hosan nữa. Thỉnh thoảng, một cậu bé mang thức ăn cho Faisal và không biết lý do mình được thả.

 “Buôn người đang là một thực trạng nghiêm trọng. Chúng tôi đã cảnh báo tất cả các cơ quan an ninh về nạn này. Công tác an ninh được thắt chặt tại các khu vực biên giới. Lực lượng bảo vệ bờ biển và cảnh sát, quân đội đều tăng cường tuần tra để đấu tranh chống nạn buôn người”.

Mohammad Abul Kalam (thuộc Tổ chức Cứu trợ và Hồi hương Người tị nạn Bangladesh)

“Trường hợp của Faisal khá lạ kỳ. Cậu bé may mắn sống sót. Trong hầu hết các trường hợp, những kẻ buôn người hoặc là bán đi hoặc sẽ giết nạn nhân”, Iuật sư Idris nói.

Truyền thông Bangladesh đưa tin, nghi phạm chính Hosan được cảnh sát xác định là thành viên của một băng đảng cướp biển, đã mất mạng trong một vụ đấu súng với cảnh sát vào ngày 20-8. Vợ của Hosan trong trại đã xác nhận cái chết của chồng mình.

Đối với Begum, điều đó không mấy quan trọng. Vòng tay ôm chặt đứa con trai lớn, chị nói: “Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã giúp đưa con trai tôi trở về”. Tuy nhiên, nhiều gia đình người Rohingya vẫn không có được may mắn như vậy. “Chúng tôi hiện có hơn 400 người được trình báo mất tích”, Mohib Ullah, Chủ tịch ARSPHR nói.

Gian nan chống buôn người

Một tuần trước khi chị Begum khẩn cầu tìm con mình mất tích, các quan chức biên giới Ấn Độ giải cứu được 7 cô gái Rohingya bị đưa ra khỏi Bangladesh trái phép. Luật sư Idris cho biết: “Mỗi tháng chúng tôi nhận được ít nhất 60 trường hợp nạn nhân buôn người được hồi hương từ Ấn Độ, gồm cả người Bangladesh và người Rohingya”.

Ủy viên tổ chức Cứu trợ và Hồi hương Người tị nạn của Bangladesh Mohammad Abul Kalam cho rằng buôn người là một thực trạng nghiêm trọng. “Chúng tôi đã cảnh báo tất cả các cơ quan an ninh về nạn buôn người. Công tác an ninh được thắt chặt tại các khu vực biên giới; lực lượng bảo vệ bờ biển và cảnh sát, quân đội đều tăng cường tuần tra để đấu tranh chống nạn buôn người”.

Trong 2 năm qua, Bangladesh, Myanmar và các cơ quan quản lý quốc tế đã cân nhắc về việc liệu có nên đưa người Rohingya trở lại vùng đất mà họ đã phải sơ tán vì bạo lực và bất ổn ở bang Rakhine của Myanmar hay không. Trong tháng 8-2019, 3.450 người         Rohingya đã được đưa về hồi hương. Tuy nhiên, không rõ có bao nhiêu người muốn trở về vì họ thực sự sợ hãi nếu trở lại mà vẫn không có được địa vị pháp lý hay thỉnh thoảng lại bị tấn công giống như 2 năm trước.

Người ta cho rằng, các chính sách mà Chính phủ Myanmar theo đuổi từ những năm 1960 đã tạo ra nhiều sự phân biệt đối xử với người Rohingya. Hôm chủ nhật ngày 25-8, hàng chục nghìn người Rohingya đã tập trung trong trại tị nạn kỷ niệm 2 năm xảy ra biến cố với người dân tộc thiểu số Hồi giáo ở bang Rakhine. Những người sống sót cho biết, do bị kẹt trong cuộc xung đột giữa nhóm nổi dậy với quân đội Myanmar, làng mạc của họ đã bị thiêu rụi, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị sát hại. 

Hôm đó, mọi người đều mặc đồ trắng, cầu nguyện cho người thân và hàng xóm đã thiệt mạng. Trong lòng họ ngổn ngang về việc sẽ được ở lại trại, được hồi hương về Myanmar hay được chuyển đến định cư ở một nơi khác. Nhưng hiện tại, bên trong nơi trú ẩn ngột ngạt và tuềnh toàng này, Khurshida Begum và gia đình ít nhất có thể mỉm cười vì các thành viên vẫn ở bên nhau.