Đằng sau tuyên bố nhận trách nhiệm của IS đối với các vụ đánh bom ở Sri Lanka

ANTD.VN - Hôm 23-4, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ nổ kinh hoàng trên khắp Sri Lanka, khiến hơn 300 người chết và làm bị thương hơn 500 người. Động thái này là một minh chứng đáng lo ngại về việc mạng lưới toàn cầu của IS đang bắt đầu thích nghi với thất bại ở Iraq và Syria và cỗ máy truyền thông của nó vẫn duy trì một cách hiệu quả.

 Đằng sau tuyên bố nhận trách nhiệm của IS đối với các vụ đánh bom ở Sri Lanka ảnh 1

Lên tiếng sau 2 ngày xảy ra loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Sri Lanka, IS dường như đang “đổ thêm dầu vào lửa” quanh sự kiện này. Sau thông tin ban đầu về việc nhận trách nhiệm của IS, trang tin tức Amaq của đội quân này đã đăng thông cáo rất chi tiết, xác định 7 kẻ tấn công và địa điểm mà mỗi đối tượng tấn công các nhà thờ, khách sạn và nhà ở tại Batticaloa, Colombo, Dematagoda, và Negombo của Sri Lanka. Amaq cũng đã phát hành một đoạn video về những đối tượng đánh bom liều chết, được cho là dưới sự lãnh đạo của kẻ chủ mưu Moul Moulvi Zahran Hashim, vốn đã cam kết trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.

Mô hình đặc trưng khi xây dựng mạng lưới IS

Tuyên bố của IS có vẻ mâu thuẫn với thông báo từ chính phủ Sri Lanka, khi đánh giá ban đầu cho thấy một nhóm Hồi giáo cực đoan National Thowheeth Jama Muffath do Hashim đứng đầu đứng đằng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, chứng cứ về mối liên hệ giữa nhóm này với IS cho thấy rằng, IS đã thực sự biết cách xây dựng mạng lưới từ những đội quân nhỏ lẻ và những phần tử “ngủ yên”.

Trước hôm chủ nhật 22-4 vừa qua, hoạt động đáng chú ý nhất của nhóm cực đoan bản địa National Thowheeth Jama'ath là phá hoại các nhà thờ, không bao giờ tấn công liều chết chứ đừng nói đến thảm sát hàng loạt. Vậy mà, các thành viên của nó đã thực hiện một loạt vụ đánh bom tinh vi và được phối hợp chặt chẽ trên khắp Sri Lanka. Những kẻ tấn công này gần như chắc chắn đã được IS huấn luyện và hỗ trợ, có thể từ một trong những trung tâm của nhóm ở Philippines hoặc các nơi khác trong khu vực.

Những thông điệp này cho thấy một thực tế tồi tệ: Các cuộc tấn công bi thảm ở Sri Lanka không phải là kết thúc mà là thành phần của một chu kỳ lớn hơn, trong đó mọi cuộc tấn công đều phục vụ cho cùng một cỗ máy tuyển dụng đã truyền cảm hứng cho nó. Bởi thực tế, trong khi IS có thể mất đi lãnh thổ mà nó từng nắm giữ ở Iraq và Syria, thế giới vẫn chưa tìm ra cách ngăn chặn lực lượng trực tuyến của chúng.

Hashim, kẻ tự xưng là Abu Ubaida, đã từng tuyên bố trung thành với IS. Một video được Hashim đăng lên mạng cho thấy hình ảnh y mang súng đứng trước lá cờ đen khét tiếng của IS. Tình báo Sri Lanka cũng đã được cảnh báo rằng các thành viên nhóm National Thowheeth Jama Muffath đang “kích động thù hận” trong các video trên mạng.

“Chúng tôi không tin rằng các cuộc tấn công này được thực hiện bởi các phần tử chỉ ở trong nước. Chắc chắn phải có một mạng lưới quốc tế mà không có chúng, những cuộc tấn công này không thể thành công”, Bộ trưởng Bộ Y tế Sri Lanka Rajitha Senaratne nhận định về các vụ nổ.

Đánh giá của ông Senaratne đề cập đến một nền tảng quan trọng trong việc tuyển dụng của IS. Thay vì xây dựng thành viên tạp nham, nhóm này dung nạp thành viên từ các nhóm cứng rắn có sẵn hoặc toàn bộ nhóm. Điều đó thể hiện rất rõ ở một số tổ chức mới thành lập như ở Philippines, các thành viên ủng hộ IS đã rút khỏi tổ chức Abu Sayaaf và các phe phái khác để lập ra “Tỉnh Đông Á”, các chiến binh Shabaab ở Somalia thành lập “tỉnh Đông Phi” hay các chiến binh Taliban ở Afghanistan và Pakistan thành lập “tỉnh Khorasan”.

Đằng sau tuyên bố nhận trách nhiệm của IS đối với các vụ đánh bom ở Sri Lanka ảnh 2Hiện trường đổ nát tại nhà thờ St Sebastian ở Negombo và St. Anthony ở Colombo, Sri Lanka sau loạt vụ nổ bom hôm 22-4

Có gì mới sau tuyên bố của IS tại Sri Lanka?

Tuyên bố của IS về các cuộc tấn công ở Sri Lanka cho thấy sự khác biệt đáng kể so với các cuộc tấn công khác, chứng tỏ IS sẵn sàng điều chỉnh phạm vi mục tiêu của chính mình.

Đầu tiên, đáng chú ý là IS đã không đề cập rằng cuộc tấn công vào các nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand là động lực thúc đẩy các cuộc tấn công ở Sri Lanka. Thật khó để tin rằng IS đủ sức tổ chức cuộc tấn công lớn như vậy chỉ 1 tháng sau khi một tín đồ Thiên chúa giáo gây ra vụ thảm sát nhằm vào người Hồi giáo ở New Zealand. Thực tế, hồ sơ của IS đã đầy rẫy những hành động tàn bạo đối với các nhà thờ từ Indonesia, Philippines, đến Pakistan và Ai Cập. Tạp chí Rumiyah của IS thậm chí đã đưa ra một sắc lệnh tôn giáo về việc diệt trừ các tín đồ không theo đạo Hồi, khiến IS thậm chí không cần sử dụng New Zealand làm lý do để biện minh cho một cuộc tấn công như Sri Lanka.

Tuy nhiên, tại sao Sri Lanka trở thành mục tiêu trong khi họ không phải là thành viên của liên minh chống IS, trong khi các vụ đánh bom do IS tuyên bố ở những nơi như Paris, Brussels và các quốc gia khác được xếp vào nhóm “các quốc gia chống lại Nhà nước Hồi giáo”. Với tuyên bố mới nhất này, IS đã thể hiện một sự thay đổi trong mục tiêu nhắm đến, rằng các cuộc tấn công nhằm chống lại “nhà thờ và khách sạn nơi có công dân của liên minh chống lại đạo Hồi”.

Cỗ máy truyền thông bền bỉ

Mặt khác, mặc dù đã mất đi phần lãnh thổ đã kiểm soát ở Iraq và Syria, cỗ máy truyền thông của IS vẫn phát triển mạnh. Phương tiện truyền thông của nhóm đã đưa ra chi tiết về các cuộc tấn công Sri Lanka cũng như đoạn video về những kẻ tấn công cho thấy bộ phận truyền thông của chúng vẫn làm việc hiệu quả, ngay cả ở quốc gia xa xôi như Sri Lanka.

Điều đáng lưu ý là trong khi Sri Lanka không phải là trung tâm tuyên truyền của truyền thông IS, đội quân này cũng đã kịp tuyển dụng các bộ phận sao cho truyền tải được thông điệp đến người dân Sri Lanka, trong đó các nội dung tôn giáo đã được dịch sang tiếng Tamil, một trong hai ngôn ngữ chính thức của Sri Lanka. Các nội dung này liên kết với không gian trực tuyến của IS vốn sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, kết nối thêm người nói tiếng Tamil với cộng đồng IS. 

Hệ quả là sau các vụ tấn công ở Sri Lanka, trên không gian trực tuyến tràn ngập các chiến dịch ăn mừng bằng tiếng Tamil cùng các ngôn ngữ khác và mô tả các vụ nổ là để trả thù các cuộc tấn công vào người Hồi giáo. “Bây giờ các người không thể đánh bom chúng ta mà trái lại, chúng ta có thể tấn công lại. Phải chăng các người nghĩ rằng việc mất các thành phố ở Syria sẽ khiến chúng ta bỏ cuộc?”, một kênh Telegram liên kết với IS đăng tải.

Và như thường lệ, những kẻ ủng hộ IS đã tận dụng sự kiện này để kích động thêm. Một kẻ ủng hộ IS đã viết trên Instagram “Làm tốt lắm, sẽ sớm tới lượt Indonesia thôi”. “Đó là một động lực cho tất cả chúng ta. Cái chết là số phận của chúng ta và tử vì đạo là một lựa chọn”, một kẻ cuồng tín viết trên WhatsApp.

Những thông điệp này cho thấy một thực tế tồi tệ: Các cuộc tấn công bi thảm ở Sri Lanka không phải là kết thúc mà là thành phần của một chu kỳ lớn hơn, trong đó mọi cuộc tấn công đều phục vụ cho cùng một cỗ máy tuyển dụng đã truyền cảm hứng cho nó. Bởi thực tế, trong khi IS có thể mất đi lãnh thổ từng nắm giữ ở Iraq và Syria, thế giới vẫn chưa tìm ra cách ngăn chặn lực lượng trực tuyến của chúng.

Ngay cả về mặt quân sự, IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công trên 13 quốc gia khác nhau trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 23-4, từ những cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ ở Mali, Cộng hòa Dân chủ Congo và Sri Lanka cho đến các vụ tấn công liều chết ở Nga, Ai Cập, Nigeria, Pakistan… Do đó, thay vì ăn mừng vì sự sụp đổ của tổ chức IS ở Syria và Iraq, cộng đồng quốc tế cần phải kịp thời đánh giá về khả năng  thực sự của bọn chúng và tăng cường cuộc chiến chống IS ở khắp mọi nơi, kể cả trong đời sống thực và trên môi trường trực tuyến.